Vì sao sông Hàn ngày càng… 'nóng'?

Thứ Sáu, 24/07/2015 11:17  | Xuân Hoài

|

(CAO) Những ngày gần đây, trên sông Hàn dường như “nóng” hơn bao giờ hết, khi lãnh đạo thành phố Đà Nẵng giao cho Công ty tư vấn thiết kế JiNa Architects.Co.Ltd (Cty JiNa, Hàn Quốc) thiết kế quy hoạch hai bờ sông Hàn.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc lãnh đạo thành phố chỉ giao cho một đơn vị thiết kế là chưa hợp lí và việc Cty JiNa đưa ra đồ án của mình cũng chưa sâu, chưa sát và “bức tử sông Hàn”. Chưa hết, các bến du thuyền càng làm cho sông Hàn ngày càng “nóng” thêm…

Quy hoạch hay “bức tử” sông Hàn?

Theo ông Do Yeon Kim, Giám đốc điều hành Công ty JiNa, Đà Nẵng may mắn có sông Hàn thơ mộng chảy giữa lòng TP nhưng do chưa có quy hoạch tổng thể nên thật khó có thể cho rằng khu vực này có sự hòa hợp.

Bờ sông hẹp và dài, đường ven sông chỉ là đường thẳng tuyến tính, đơn điệu, khó tìm thấy những nơi có đầy đủ không gian hoặc công năng đặc biệt ở các khu vực giao điểm.

Theo đó, phương án của JiNa hướng tới việc tạo ra một sông Hàn tầm cỡ thế giới, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tập trung vào 4 điểm lõi theo 4 tầm nhìn (ven sông xanh, ven sông công cộng, ven sông có sự liên kết và ven sông mang tính du lịch) và 9 điểm phụ.

Ông Do Yeon Kim, Giám đốc điều hành Công ty JiNa - Ảnh: Xuân Hoài

Các khu vực ven sông tuyến tính sẽ liên kết với các điểm lõi này thành một khu vực tuần hoàn liên tục. Đây sẽ là nơi mọi người có thể ra khỏi cảnh phố xá đông đúc và tận hưởng những giây phút nghỉ ngơi thoải mái với thiên nhiên.

Tuy nhiên, với đồ án trên, ông Hoàng Quang Huy- Chủ tịch Hội Quy hoạch Đà Nẵng, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam cho rằng, mọi người dân xem sông Hàn là túi khí, lá phổi của thành phố Đà Nẵng. Mặt nước vô cùng quý, trong khi đó nhà tư vấn chưa hiểu hết dòng sông Hàn.

Sông Hàn không thể mở rộng, quy hoạch vì còn nhiều vấn đề phải tính đến. Khi đụng đến quy hoạch sông Hàn phải suy nghĩ đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ông Hoàng Quang Huy - Ảnh: Xuân Hoài

“Sông Hàn không nên tham vọng “nhét” nhiều công trình vào. Quy hoạch kiểu không còn đất thì lấn sông là không ổn. Sông Hàn vốn đã hẹp, có đoạn hai bờ khoảng 800m, nay lại chỉ còn trên 400m, có đoạn thấp hơn nhiều nên khiến dòng sông co thắt, ảnh hưởng dòng chảy rất lớn, có chỗ thắt cổ chai thì tức nước vỡ bờ, nước sẽ tràn lên bờ, điều mà trước đây hiếm thấy (trừ khi lũ lớn).

Đã thế còn có nhiều công trình đường dành cho xe đạp, cồn nhân tạo, bến du thuyền, cầu đi bộ, trồng đầy cây xanh,… Có người còn ví, nếu quy hoạch nhiều công trình lấn chiếm sông Hàn nữa thì sẽ biến sông Hàn thành con kênh….”, ông Huy nói.

Ông Huy đề xuất: “Chiều dài quy hoạch sông Hàn phải từ cầu Thuận Phước đến cầu Hòa Xuân chứ không chỉ kéo đến cầu Trần Thị Lý như hiện nay. Còn chiều rộng thì phía bên quận Sơn Trà tính từ đường Ngô Quyền-Ngũ Hành Sơn, bên quận Hải Châu thì đến đường 3-2, đường Trần Phú, đường 2-9,…

Nhiều người còn quan ngại về đồ án của JiNa - Ảnh: Xuân Hoài

Muốn quy hoạch sông Hàn thì phải nhìn nhận lại toàn bộ đồ án có liên quan gì đến bến tàu, cảng, dịch vụ du lịch,… Phải rà soát lại rất kỹ để đối chiếu”.

Theo ông Huy, đây là công việc hệ trọng cần trao đổi với nhiều nhà tư vấn, báu vật của dân không thể không lấy ý kiến người dân, tâm nguyện của người dân.

“Việc thành phố giao cho một đơn vị tư vấn như thế là chưa ổn, bởi họ chỉ đưa ra được một phương án hoặc vài ý tưởng nào đó. Lãnh đạo thành phố nên tổ chức một cuộc thi rộng rãi trong nước và quốc tế tham gia.

Từ đó mới có cơ sở để chọn một phương án tối ưu nhất. Tôi tin có cuộc thi ấy chưa chắc đồ án của đơn vị… này đã khả thi, mà còn có nhiều ý tưởng, đầy đủ, trọn vẹn hơn”, ông Huy đề nghị.

Nhận xét về đồ án của JiNa, ông Huỳnh Việt Thành, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho đánh giá: “Đơn vị tư vấn đã lập một quy hoạch “quá nén”, tạo ra quá nhiều “cùi chỏ”, thu hẹp không gian sông nhiều và tính thương mại quá cao thay vì mở rộng không gian, đề cao tính văn hóa. Theo cách của đồ án quy hoạch này thì không thể phát triển bền vững được”.

“Nóng” bến du thuyền

Một vấn đề “nóng” được nhiều người quan tâm, đó là theo thiết kế của Cty JiNa thì trên sông Hàn sẽ có gần 10 bến du thuyền.

Thượng tá Nguyễn Quang Tuyển (Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng) phản biện: “Đồ án của JiNa dường như muốn chuyển đổi công năng sông Hàn thành nơi xây dựng các bến du thuyền, sẽ ảnh hưởng nhiều đến các yếu tố an ninh đường sông, quân sự.

Bến du thuyền và nhà hàng nổi 5 tầng của DHC trên sông Hàn đang gây bức xúc dư luận - Ảnh: Xuân Hoài

Lòng sông Hàn hẹp, nếu tiếp tục lấn ra và hai bên bờ sông trở nên ngoằn ngoèo, chỗ ra chỗ vào như đồ án của JiNa thì sẽ biến sông Hàn thành một con kênh chứ không còn là sông nữa”.

Vấn đề du thuyền càng “nóng” hơn, khi mới đây lãnh đạo thành phố chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án bến du thuyền của Cty VIC (1,5 tầng) và đề nghị các lấp lập thủ tục rút giấy phép Cty này mà không có lí do chính đáng.

Trong khi đó, phía đối diện bên bờ kia bờ sông Hàn (gần đầu cầu Rồng) một bến du thuyền cùng với nhà hàng nổi to tướng đang gấp rút thi công, đi vào hoàn thiện.

Cần quy hoạch sông Hàn như thế nào để tránh bức tử dòng sông này- Ảnh: Xuân Hoài

Ông Hoàng Quang Huy cho rằng: “Hiện bến du thuyền của DHC có nhà hàng nổi cao 5 tầng đang xây dựng cũng không phù hợp. Bởi ở khu vực đó là mực nước cạn, dòng chảy tấp vào quần tụ, ngưng động gây ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, dòng chảy, trong khi đó chưa hiệu biện pháp xử lý môi trường của nhà hàng nổi 5 tầng như thế nào, liệu thải xuống sông lại càng bức tử sông Hàn”.

Dư luận cho rằng liệu có thành phố Đà Nẵng có “bên trọng bên khinh” hay xử lý cương quyết tránh bức tử sông Hàn?

Bình luận (0)

Lên đầu trang