‘Vua gốm sứ’ Đinh Công Tường nhận bằng kỷ lục Đông Dương

Chủ Nhật, 07/05/2017 16:03  | Thanh Thuỷ

|

(CAO) Tối ngày 6-5-2017, tại TP.HCM diễn ra Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 33 với gần 30 kỷ lục mới được công bố và xác lập dành cho các cá nhân và đơn vị.

Trong đó, đáng chú ý là bộ sưu tập “Gốm sứ xưa và nay” của ông “vua gốm sứ” Đinh Công Tường được Tổ chức Kỷ lục Đông Dương tại Việt Nam trao bằng kỷ lục Đông Dương về bộ sưu tập “Gốm sứ xưa và nay nhiều nhất Đông Dương”.

GS. Viện sĩ Hoàng Quang Thuận, Chủ tịch Hội đồng Sáng lập Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, đại diện Tổ chức Kỷ lục Đông Dương tại Việt Nam trao bằng xác lập kỷ lục Đông Dương cho kỷ lục gia Đinh Công Tường với bộ sưu tập “Gốm sứ xưa và nay nhiều nhất Đông Dương”

Trước đó, Kỷ lục gia Đinh Công Tường (ngụ phường Hiệp Thành, quận 12, TP.HCM) đã xác lập ba Kỷ lục Việt Nam đó là: Người sở hữu bộ sưu tập lộc bình xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam với hơn 5.000 chiếc (năm 2014); Người sở hữu bộ sưu tập đĩa cổ xưa có số lượng nhiều nhất Việt Nam (năm 2015) và Người sở hữa bộ sưu tập bát (tô) cổ số lượng nhiều nhất Việt Nam (năm 2016).

Như vậy, sau gần 30 năm đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm, sưu tầm các loại đồ gốm sứ cổ, đến nay Đinh Công Tường đã sở hữa hơn số 100.000 cổ vật có niên đại từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 20 gồm: tô, chén, bát, đĩa, ché, lộc bình, ấm nước,… có xuất xứ từ Trung Hoa, Pháp, Nhật Bản.

Những kỷ lục mới được công nhận và trao cho các tổ chức, cá nhân trong tối 6-5-2017

Đặc biệt, trong số bộ sưu tập này có nhiều cổ vật được xem là vô giá của Việt Nam. Riêng gốm sứ Việt Nam, Đinh Công Tường có đầy đủ bộ gốm sứ của ba miền Bắc, Trung, Nam, có những hiện vật có niên đại cách đây hàng trăm năm rất quý hiếm.

Chia sẻ với tôi khi nhận được niềm vui mới, Đinh Công Tường hồ hởi cho biết, anh rất vui và hạnh phúc khi nhận được kỷ lục này, điều đó chứng tỏ những năm tháng qua, với niềm đam mê của mình đã mang lại những giá trị tinh thần rất lớn, qua đó làm dày thêm cho ước mơ của anh về một bảo tàng cá nhân trưng bày các cổ vật cho bà con gần xa – những người yêu thích đồ xưa, đồ cổ đến thưởng lãm.

Bình luận (0)

Lên đầu trang