Vượt lên chính mình

Thứ Tư, 27/01/2021 13:47

|

(CATP) Tôi gặp trung tá Đặng Thị Thêm, thuộc Đội 4 - Phòng PX03 - Công an TPHCM trong Hội thao toàn lực lượng Công an nhân dân tổ chức tại TP.Hải Phòng. Nghe Thêm kể về nhân duyên đưa mình vào ngành Công an mới nghiệm ra: Mọi việc không thể tự nhiên mà đến, nếu không có ý chí phấn đấu và niềm đam mê vô bờ bến, cộng thêm... một chút may mắn!

Sinh ra trong gia đình nông dân với 12 nhân khẩu ở Tiền Giang, cuộc sống thiếu thốn đủ bề, bốn anh chị Thêm lần lượt phải nghỉ học sớm trong nỗi day dứt của đấng sinh thành, để nhường cho các em đến trường. Còn Thêm sau giờ lên lớp phải ra đồng gặt lúa, làm thuê để có tiền phụ cha mẹ mua gạo, trang trải học phí cho các em... 4 giờ sáng, cô bé Thêm gầy guộc lại quẩy đôi quang gánh chất đầy rau cải, khoai lang, củ mì đi gần 3km mang ra chợ bán, đến 6 giờ quay về chuẩn bị đi học, chiều về tiếp tục phụ giúp gia đình... Thời gian cứ thế cuốn đi bao ước mơ, nhưng cô bé nhà nghèo vẫn kiên định việc học.

Cố gắng tốt nghiệp cấp 3, Thêm quyết tâm thay đổi quan niệm cố hữu ngày nào: "Con gái cần gì học cao, khó lấy chồng!", quyết tâm thi vào ngôi trường thể thao bao năm mơ ước. Hồi đó từ Tiền Giang lên Sài Gòn đi thi đâu phải chuyện dễ, nhất là với hoàn cảnh khó khăn như gia đình Thêm. Vậy mà cô đơn thân độc mã trên chiếc xe đạp trụi lủi như con dế cơm chỉ còn cái sườn và hai bánh xe, ì ạch lên tới Sài Gòn với bao lo lắng, ngỡ ngàng nơi phố thị, tìm được đến trường để thi cũng sát giờ. Làm bài xong, nhai vội ổ bánh mì không lót dạ, Thêm lại quày quả đạp xe về quê để phụ giúp gia đình, mang theo nỗi hồi hộp, âu lo trong những ngày chờ kết quả...

Đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thể dục Thể thao Trung ương 2, sau 3 năm đánh vật với cuộc sống khó khăn ở đất Sài Gòn, cuối cùng sự cố gắng của cô sinh viên gốc miền Tây đã được đền đáp xứng đáng, với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi cùng bao hoài bão, tương lai phía trước. Được nhận về dạy thể dục tại một trường tiểu học ở quận 3, sau giờ lên lớp, Thêm phải làm đủ việc để có tiền trang trải: bán nhu yếu phẩm, tạp hóa, giữ trẻ, giúp việc nhà và được chọn đại diện Đội tuyển dân quân tự vệ quận 5 tham gia giải Dân quân tự vệ do thành phố tổ chức. Sau đó Thêm đạt thành tích cao nhất và được TPHCM cử tham gia Hội thi quốc phòng toàn quốc tổ chức ở Hà Nội...

Vào một ngày định mệnh năm 1995, tại Trung tâm thể dục thể thao Hoa Lư quận 1, trong buổi chạy bộ tự rèn luyện, cô đã lọt "mắt xanh" của một lãnh đạo đang dẫn dắt Đội tuyển Công an TPHCM (CATP) tập luyện. Thấy Thêm có vóc dáng cao ráo, siêng năng tập luyện, lúc đó đơn vị lại đang thiếu vận động viên nữ thi đấu, "quý nhân" gọi lại "điều tra" sơ qua " lý lịch trích ngang" rồi chốt một câu: "Cháu có muốn vào Công an để tham gia phong trào thể thao của ngành không?".

Cô giáo trẻ của trường tiểu học lúc đó trả lời hết sức hồn nhiên: "Dạ con cũng không biết nữa, nếu chú thấy con vô đó làm được thì chú cứ tính dùm con". Một tuần sau, "quý nhân" đưa cho Thêm bộ hồ sơ ký hợp đồng... Thế là cuộc đời của cô giáo trường tiểu học đã rẽ sang một hướng mà cô chưa hề dám nghĩ tới trong đời. Sau này Thêm mới biết người đã giúp thay đổi tương lai cô lúc đó là Phó phòng Thể dục thể thao CATP Đặng Quang Dương.

Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an động viên Trung tá Đặng Thị Thêm

Khi được hỏi từ khi vào ngành Thêm đã đem về cho CATP bao nhiêu tấm huy chương, cô ngập ngừng: "Thiệt tình mình không nhớ hết được, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an về Sự tiến bộ của phụ nữ (năm 2015) và Phụ nữ tiêu biểu toàn lực lượng Công an nhân dân (2016) do Phó chủ tịch nước trao".

Tiếp xúc với Thêm, người viết như được truyền thêm ý chí, sự quyết tâm vượt khó không ngừng khi được cô tâm sự về những khó khăn đã trải qua... Đó là năm 2002 vừa mang bầu con đầu lòng vừa phải đi học nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, sinh xong Thêm đã mang về cho CATP thêm mấy tấm huy chương vàng môn cầu lông, bơi lội... Để rồi 6 năm sau, khi bé lớn 6 tuổi và bé thứ hai lên 3, được các cô chú đồng nghiệp của mẹ đặt cho cái tên cúng cơm là Putin (bé chào đời đúng ngày ông Putin đắc cử Tổng thống Nga), Thêm lại đùm túm 2 con ra Huế dự Giải bơi lội toàn lực lượng Công an nhân dân.

Trung tá Đặng Thị Thêm cùng đại diện các đơn vị nhận cờ lưu niệm tại Đại hội khỏe vì An ninh Tổ quốc lần thứ 8, năm 2020 tại Hà Nội, do Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an trao

Nhớ lại khoảng thời gian ấy, bao ký ức của sự vượt khó, của tình đồng đội gắn kết như ùa về trong tâm trí cô: "Ngày ra Huế thi đấu, mỗi sáng mình ra hồ bơi tập luyện thì các cô chú trên bờ giữ dùm 2 đứa con... Tới ngày thi đấu, khi tiếng còi xuất phát vang lên, các vận động viên lao xuống nước thì cũng là lúc mình nghe tiếng con khóc thét trên bờ, trong sự dỗ dành của các cô chú. Bằng tất cả khả năng và ý chí, mình tăng tốc trên đường bơi trong tâm trạng rối bời bởi tiếng khóc của con...". Sau đó cô mới biết, thấy mẹ lao xuống nước, cậu bé phát hoảng vì sợ mẹ... chìm! Mọi người nói đùa: Tấm huy chương vàng mẹ Thêm đạt được hôm đó là do công của Putin!

26 mùa xuân đã trôi qua kể từ ngày cô bé ở vùng quê nghèo, cô giáo trẻ của trường tiểu học vinh dự đứng vào hàng ngũ lực lượng CATP, hiện Thêm đang mang hàm trung tá đồng thời là Đội trưởng Đội điều lệnh Quân sự - Võ thuật - Văn thể CATP. Sự vượt khó đã được đền bù xứng đáng với những thành quả mà Thêm đạt được bằng cả mồ hôi và nước mắt: sự nghiệp rạng danh, gia đình hạnh phúc với người chồng luôn động viên, đồng hành cùng cô trên những chặng đường và hai cậu con trai đang ở tuổi trưởng thành, hiền lành, ngoan ngoãn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang