Những kiểu lừa đảo trong mùa dịch

Thứ Tư, 28/07/2021 10:05  | An Hoà

|

(CATP) Giữa cơn đại dịch, nhiều người dân TP.Hồ Chí Minh đang khó khăn trăm bề thì vẫn còn đó những kẻ "táng tận lương tâm" khi trục lợi trên nỗi đau của người khác. Họ đã nghĩ ra trăm mưu nghìn kế "bẩn" để lừa đảo kiếm tiền.

CHÀNG THANH NIÊN "TỐT BỤNG"

Chiều 27-7, anh Trần Văn Sinh (55 tuổi, ngụ P.Bình Trưng Đông, TP.Thủ Đức) thông qua ứng dụng đặt xe ôm giao hàng để tặng rau củ quả, 2 lít nước mắm cho một người bạn trên đường Thích Quảng Đức (P5, Q.Phú Nhuận). Phía người nhận sẽ trả phí chở hàng là 58.000 đồng.

Trong cơn mưa tầm tã, bác tài xe ôm công nghệ nhận đơn hàng lao xe đi theo trục đường Mai Chí Thọ, rẽ vào cầu Thủ Thiêm để hướng về phía quận Bình Thạnh và di chuyển sang quận Phú Nhuận. Khi sang phía đường Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh) thì chiếc xe máy bị lủng bánh. Đang dắt bộ tìm chỗ vá, anh Sinh thấy một thanh niên mặc áo giao hàng Lalamove, phía sau xe có nhiều giỏ hàng, vồn vã: "Xe chú bị lủng bánh à, có giao hàng gì không, để cháu tiện đường giao giúp cho nhé!". Khi biết có giỏ hàng giao về quận Phú Nhuận, anh ta nhiệt tình giúp "đồng nghiệp" và nhận lấy 50 nghìn tiền công. Sợ giao hàng trễ giờ cho khách, bác tài xe ôm già còn cẩn thận lấy số điện thoại của "người quen trên đường" là 034447723...

Tài xế xe ôm công nghệ bị lừa đảo

Chàng thanh niên "tốt bụng" vừa rời đi, anh Sinh cẩn thận gọi vào máy cho khách hàng (có sẵn trên ứng dụng) thông báo về việc bị bể bánh xe, có nhờ người giao hàng, dặn khách không trả tiền mà để bác tài chạy tới nhà lấy tiền phí vận chuyển và gửi kết thúc hành trình cho công ty. Sau khi vá vỏ xe, tài xế xe ôm công nghệ chạy tới địa chỉ của người nhận và tá hỏa khi gã giao hàng giúp lúc nãy vẫn... chưa tới. Hoảng hốt, bác tài gọi vào số máy mà anh này cho lúc nãy thì máy bị khóa. Biết bị lừa, anh Sinh chỉ còn cách chụp nơi kết thúc giao hàng, gửi về công ty trình báo sự việc và xin đền bù giá trị hàng hóa cho người nhận.

Qua đây, mọi người cần cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo trong mùa dịch. Hiện có nhiều kẻ lừa đảo đang mua áo giao hàng "đểu", bán nhan nhản trên đường mặc vào, giả danh để thực hiện hành vi trục lợi. Trong khi đó, nhu cầu giao nhận hàng hiện nay trong thành phố rất lớn nên các bác tài xe ôm cần cảnh giác cao độ, tránh tin tưởng người lạ trên đường mà tiền mất tật mang.

Số điện thoại của kẻ lạ mặt để lại "làm tin" đã bị khóa

THỊT CÓ HẠN DÙNG... 3 NĂM

Ngoài kiếm "con mồi" trên đường, kẻ gian còn giở trò bằng cách bán hàng qua mạng. Lợi dụng tình hình xếp hàng đông đảo, chực chờ tới lượt tại các siêu thị ở TP.Hồ Chí Minh, hiện trang mạng xã hội tràn lan các phương thức bán hàng. Ngoài một số người bán online hàng thật, kẻ gian cũng tung ra hàng loạt loại hàng lậu để trục lợi.

Đơn cử, trên Facebook, một chủ trang cá nhân rao bán thịt heo gồm sườn và ba rọi đồng giá chỉ 140 nghìn đồng một ký, thịt bò chỉ 180 nghìn đồng, bao ship. Để người mua tin tưởng, người bán còn rao là thịt nhập khẩu, đối tác của các cửa hàng... Bách Hóa Xanh, bán rẻ để mọi người cùng ăn. Trong khi thịt bò đang hết hàng thì họ sẽ giao 2 ký thịt heo trước.

Sau khi chốt đơn, phía bán sẽ thuê người mang thịt tươi tới nhà, dặn dò kỹ lưỡng là bỏ vào ngăn đá nếu chưa ăn. Khi nhận hàng, shipper nói giao từ Q12 sang trung tâm trong đêm mưa gió nhưng không lấy thêm tiền chuyên chở. Khi nhận 2 ký thịt heo, khách hàng phát hiện các lát thịt cốc lết được máy cắt rất gọn ghẽ, đẹp mắt nhưng cả hai loại thịt đều chuyển sang màu tím, chứng tỏ đã để đông lạnh rất lâu.

Hàng lậu mua trên mạng

Giật mình vì từng xem trên truyền hình các vụ bắt hàng nhập lậu là thịt heo, bò từ bên kia biên giới chuyển vào tới tận phía Nam, người mua đòi nơi bán cho xem giấy tờ xuất xứ. Nơi bán chỉ cung cấp được một cái tem (nhãn) dán trên thùng thịt đông lạnh là xuất từ từ tận... Brasil, bên cạnh là chi chít chữ Trung Quốc, thời hạn sử dụng 3 năm, từ tháng 7-2021 đến tháng 7-2023. Đến lúc này, người mua mới "ngã ngửa" vì biết bị lừa và chỉ còn cách đổ bỏ.

Theo dõi trên trang chủ của Bách Hóa Xanh, các loại thịt trong nước (không có nhập khẩu) gồm giá sườn non heo 300g là 88 nghìn đồng, sườn non heo (3 - 4 miếng) 300g là 94 nghìn đồng. Đại diện Bách Hóa Xanh khuyến cáo khách hàng nên cẩn thận khi mua hàng qua mạng, chỉ mua khi có nguồn gốc tin cậy.

Trả lời Báo CATP, đại diện Saigon Co.op cho biết, thịt heo và bò tại các cửa hàng trên địa bàn thành phố do Công ty Vissan cung ứng. Đây là đơn vị chuyên về sản xuất kinh doanh thịt gia súc tươi sống, đông lạnh và các mặt hàng thực phẩm chế biến từ thịt, không có hàng nhập khẩu tươi từ công ty khác. Tại cửa hàng Vissan (số 156 - 158 đường Phan Đình Phùng, P2, Q.Phú Nhuận), giá thịt heo thăn nội là 208 nghìn đồng/ ký, thăn ngoại 190 nghìn đồng/ký, ba rọi heo 262 nghìn đồng, thịt bò thăn nội là 425 nghìn đồng/ký...

Chính vì đánh vào tâm lý mang đến tận nhà, khỏi phải xếp hàng mà các trang bán thịt heo, bò trên mạng đang "nhảy múa" với giá rẻ bất ngờ. Nhưng quan trọng nhất là xuất xứ không rõ ràng, có thể là hàng lậu, gây nguy hại sức khỏe cho người tiêu dùng. Do đó, để tránh lâm cảnh "tiền mất tật mang", người mua cần tìm hiểu rõ nơi xuất xứ hàng hóa và chọn các địa chỉ tin cậy.

Bình luận (0)

Lên đầu trang