Tận diệt chim trời:

Kỳ 1: “Thiên la địa võng” quét sạch chim, cò

Thứ Ba, 28/02/2023 22:19  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Các tỉnh miền Tây Nam bộ đang vào mùa lúa chín. Đây cũng là thời điểm các tay “thợ” đua nhau giăng bẫy săn bắt chim trời, bất chấp quy định của pháp luật.

Để bắt được nhiều chim trời, cánh thợ săn đã “bày binh bố trận” bằng nhiều hình thức, như: dàn lưới dài hàng trăm mét giăng cao ở những đánh đồng để bẫy chim bay qua, dùng keo kết hợp với máy thu phát âm thanh… Sau những buổi xuống đồng, “chiến lợi phẩm” thu về là những bầy chim trời được bán tràn lan ở ven đường, quán nhậu, nhà hàng…

Hàng chục hộ dân mua bán chịm trời tại xã nông ản (huyện Thạnh Hoá, tỉnh Long An).

Săn bắt tràn lan

Ở vùng nông thôn miền Tây, không khó để bắt gặp những người chuyên đi bẫy chim trời. Nhiều người còn coi đây là nghề mưu sinh kiếm sống. Một trong những địa phương diễn ra việc săn bắt và mua bán chim trời có tiếng là huyện An Phú, tỉnh An Giang. Bởi đây là khu vực biên giới và tiếp giáp với nước bạn Campuchia.

Những ngày đầu tháng 2 trong tiết trời se lạnh, qua dò hỏi phóng viên được người dân địa phương chỉ dẫn về một gia đình được xem là “thợ săn” tên N.V.Đ (ngụ xã Phú Hội). Anh Đ. cho biết vợ chồng không có đất vườn, cuộc sống quanh năm chỉ dựa về nghề bắt cá và săn các loài chim trời. Việc săn bắt chim trời chỉ dựa vào mùa nước nổi hoặc sắp thu hoạch lúa.

“Công việc của vợ chồng tôi là giăng lưới trên các đê bao, bên dưới là ruộng lúa rồi dùng máy phát ra tiếng các loài chim để dẫn dụ chim thật tới vào ban đêm. Tấm lưới dài giăng hàng trăm mét. Khi chim sà xuống ăn là mắc ngay vào lưới, càng vùng vẫy càng khó thoát. Chim trời giờ không còn nhiều như trước nên nguồn thu nhập cũng giảm đáng kể. Làm sáng đêm kiếm được vài trăm ngàn là mừng lắm rồi”, anh Đ. chia sẻ và cho biết không phải ngày nào cũng làm nghề mà diễn ra từng thời điểm.

 Thợ săn chở đồ nghề đi bẫy chim trời.

Khoảng 4 giờ chiều, trong lúc di chuyển trên Quốc lộ 91 (đoạn qua xã Mỹ Đức, huyện Châu Phú), chúng tôi phát hiện có 4 thanh niên đi trên 2 xe máy lưu thông về hướng huyện Châu Thành mang theo bội lưới, vợt lưới. Qua dò hỏi những người này cho biết đang về các cánh đồng thuộc xã Mỹ Phú, Ô Long Vĩ để soi (dùng vợt chụp từ trên cao xuống ruộng lúa) các loài chim, cò bán cho những người có nhu cầu phóng sinh hoặc các quán nhậu.

Một thanh niên khoảng 35 tuổi tiết lộ: “Soi đủ các loại như: chim sâu, ốc cao, cúm núm, cò đỏ… Giá mỗi loại từ 5 ngàn đồng đến khoảng 200 ngàn đồng tuỳ loại và trọng lượng, trống, mái. Chim trời lúc nào cũng đắt hàng, bởi là đồ tự nhiên và số lượng hạn chế. Có hàng chỉ cần alô là có thương lái đến thu mua tận nơi. Đội của tôi 4 người nên mỗi đêm đi săn cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng/người”.

Nhiều thợ săn cho biết họ bẫy các loài chim trời không thuộc danh mục quý hiếm, cấm săn bắt nên khi lực lượng chức năng phát hiện cũng chỉ nhắc nhở. Sau nhiều lần thuyết phục, anh N.V.B. (ngụ huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) mới đồng ý cho tôi theo chân nhóm bẫy chim với điều kiện “tuyệt đối không được quay phim, chụp ảnh”.

Một ngày cuối tuần, trên 5 chiếc xe máy, chúng tôi vượt hơn 30km về địa bàn Mỹ Thuận. Theo quan sát, dụng cụ bẫy chim sẻ của anh B. chỉ cần một hộp keo con chó và 10 thanh tre nhỏ được dán keo và một cái máy phát tiếng chim đã được thu sẵn lưu trong thẻ nhớ.

Với cặp mắt nhà nghề, anh B. và nhóm bạn chỉ cần “lia mắt” là biết khu vườn, địa điểm nào có chim sẻ, chao chảo hay chim cu đất… Theo anh Bình, muốn bẫy chim sẻ thì không cần vào vườn rậm, chỉ cần đi dọc theo các tuyến lộ, khu dân cư, đặc biệt là những nơi như trường học, nhà máy xay lúa là sẽ bắt được chim sẻ. Khi chọn địa điểm thích hợp để bẫy chim, nhóm người này bắt đầu dán keo con chó vào các “cần câu” sau đó chọn một thân cây rồi kẹp các “cần câu” chim vào các nhánh cây. Xong giai đoạn này, họ bắt đầu đặt máy phát tiếng chim dưới gốc cây và lấy cỏ tụ lại. Công việc tiếp theo là tìm chỗ ẩn núp và chờ chim “dính câu” là ra bắt.

Theo ghi nhận, chưa đến 10 phút đã có hàng chục con chim sẻ lũ lượt kéo đến, một số con háo thắng bay sà vào các “cần câu” nên bị dính keo. Khi chúng cố đập cánh mong thoát thân thì vô tình cánh tiếp tục dính vào keo nên không tài nào thoát được. Những con chim khác không biết việc gì cứ sà vào các “cần câu” và phút chốc cùng mắc bẫy. Cứ như thế, chỉ 3 khu vườn họ đã bắt được gần 200 con chim sẻ, chao chảo.

Ông Lê Văn Chìa (ngụ xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) sở hữu khu vườn cây ăn trái rộng hơn 2ha nhưng chỉ để bảo tồn chim trời - cho biết: “Chiều nào tôi cũng phải ra vườn canh nhóm thợ săn, bởi không có người là họ dùng súng bắn vạc bay đi kiếm ăn”.

Chim trời được bán cho khách hành hương.

Bày bán công khai bên đường

Mới đây, trong chuyến công tác lên huyện đầu nguồn An Phú, phóng viên đã ghi nhận được “chợ chim trời” nằm trên Quốc lộ 91C, gần cầu Cồn Tiên (thuộc xã Đa Phước). Địa điểm này bày bán nhiều loại chim trời, như: chằng nghịch, ốc cao, cúm núm, chao chảo, cu đất (cu cườm), vạc, cò ma… Các loại này dao động từ 20 đến 170 ngàn đồng/con tùy theo loại và kích cỡ khác nhau.

“Chợ” này phục vụ cho khách du lịch tham quan làng dân tộc Chăm, làng cá bè Châu Đốc, thậm chí là những người hành hương. “Số lượng chim, cò này do nhiều người dân ở khu vực biên giới An Phú săn bắt được rồi bán cho chúng tôi. Họ bắt có khi nhiều, khi ít. Giá bán ở đây rất bình dân, chứ vô quán là giá cao hơn rất nhiều lần”, chị K. nói.

Ghé sang một điểm bán cạnh bên, một người phụ nữ tầm 40 tuổi chào giá: “Hai con vạc này có giá 150 ngàn/con. Riêng 5 con vịt trời này thì có giá 300 ngàn đồng/con. Đây là vịt trời thiên nhiên chứ không phải nuôi”. Qua quan sát, 2 con vạc được nhốt trong chiếc lồng nhỏ, còn 5 con vịt trời được nhốt trong chiếc lồng lớn hơn. Tuy nhiên những con vật này dường như bị kiệt sức.

Người dân dùng keo để bẫy chim trời.

Tiếp tục ngược về tuyến đường tỉnh 952, qua khỏi cầu Tân An, đoạn xã Tân An, TX.Tân Châu cũng có vài điểm bán chim, cò ven đường cho khách đi đường. Thấy chúng tôi dừng lại xem, đôi vợ chồng cho biết: “Vạc sống giá 100 ngàn đồng/con, còn vạc chết có giá 80 ngàn đồng. Mấy con này chết là do vợ chồng tôi để trong bao tải nhiều quá mà di chuyển từ xa về nên nó chết ngộp, chứ còn ngon lắm”. Họ còn tiết lộ số chim, cò này được thu mua của người dân tại xã Phú Long, Phú Lâm của huyện Phú Tân. Bởi các địa phương này có nhiều người làm nghề bẫy chim, cò.

Theo ghi nhận, tình trạng buôn bán chim, cò cũng diễn ra ở một số chợ của TP.Long Xuyên. Anh Đ.C.M cho biết: “Mỗi lần đi chợ ở Mỹ Long và Mỹ Bình tôi cũng thường thấy các bạn hàng bán chim, cò. Nhưng các loại này thấy gần như sắp chết chứ không khoẻ mạnh như các điểm ở gần biên giới”.

Tại tỉnh Hậu Giang, chim, cò cũng được một số nơi bày bán công khai, phải kể đến là đoạn gần bến xe Cái Tắc. Người bán cột lại thành từng chùm chứ không nhốt trong lồng như các địa phương khác. Riêng chợ Mỹ Phú (xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) thì chim trời được bày bán vào ban đêm, bởi nó được những người săn chuột, ếch, rắn bắt được trong lúc đi săn. Tuy nhiên các loài ở đây không phong phú như những nơi khác.

 Chim trời được bày bán công khai ven lề đường.

Đặc sản tràn lan trong quán nhậu

Không khó để bắt gặp các loại chim trời như: gà nước, ốc cao, cu đất, se sẻ… được bán phổ biến ở các nhà hàng, quán nhậu và một số chỗ hành hương. Các quán không bày bán công khai mà chỉ có khách quen biết mới tìm đến. Tùy theo nhu cầu, quán có thể chế biến ra nhiều món khác nhau với giá cả đắt đỏ.

Là chủ một khu du lịch lớn ở huyện Chợ Mới (An Giang) nên anh N. thường hay mời bạn bè đến chơi dịp cuối tuần. Tình cờ nhóm chúng tôi sang phỏng vấn và được anh này mời tham dự tiệc. Anh N. tiết lộ: “Hôm nay, anh sẽ đãi mấy em một bữa “đặc sản” và đảm bảo không phải chỗ nào cũng có, cũng ngon bằng”. Trưa xong việc, anh này dẫn chúng tôi chạy một vòng quanh cồn Ém rồi vượt sông Tiền bằng đò để sang thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp.

Trong lúc đợi phà cập bến, anh N. liền điện thoại gọi cho đầu dây bên kia: “Anh chuẩn bị cho tôi 2 dĩa gà nước nướng mọi và tôm càng để tôi tiếp khách VIP”. Tầm hơn 30 phút sau, đoàn của chúng tôi đến quán nhậu B.S do một người đàn ông làm chủ. Hỏi ra mới biết nơi đây là địa điểm cung cấp “đặc sản” chim, cò, “đồ đồng” cho các đại gia không chỉ ở tỉnh Đồng Tháp, mà còn có An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang.

Sau khi được bố trí chỗ ngồi, thức uống, món khai vị, nam nhân viên trong quán mang lên 2 dĩa gà nước, mỗi dĩa 6 con vô cùng hấp dẫn. Anh N. liền chia cho các khách mời mỗi người 1 con trong lúc còn nóng. Tỏ ra sành ăn, anh N. hướng dẫn: “Gà này xé tay ăn mới ngon và phải ăn lần nguyên con”. Trong lúc thưởng thức các món ăn tại đây, không chỉ bàn của chúng tôi mà vài bàn khác khách cũng gọi món gà nước.

Một người bạn của tôi thắc mắc: “Gà này có phải được người dân bắt trong Vườn Quốc gia Tràm Chim hay không?”. Với câu hỏi khỏi này, cả anh N. và chủ quán đều không trả lời mà cố tình lờ qua câu chuyện khác.

Gà nước bán trong quán nhậu B.S (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).

Trước Tết, tôi được anh bạn đồng nghiệp mời đi ăn tại quán T.V (thuộc TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Do biết chúng tôi ở xa tới nên anh này cũng gọi 5 con gà nước nướng mọi, nhưng đến khi nhân viên mang lên thì được cắt ra từng miếng. Sau bữa tiệc nhẹ tại đây, anh này bảo có bạn ở TPHCM xuống nên mời tôi sang quán mới. Đến nơi, tôi thấy dĩa gần 10 con gà nước nướng mọi đã được bố trí trên bàn. Hỏi ra mới biết là “thổ địa” gọi để đãi khách phương xa.

Mới đây, chúng tôi ghé vào quán H.S nằm trên đường Trần Nhật Duật (thuộc phường Mỹ Long, TP.Long Xuyên). Tại đây, nhân viên của quán giới thiệu đặc sản là chim cu đất, cúm núm. Nữ nhân viên cho biết: “Đây là các loài hoàn toàn thiên nhiên chứ không phải được nuôi. Giá dao động từ 150 – 300 ngàn đồng/con…”.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang