Cập nhật: Tính đến 21h30 ngày 19/7, các lực lượng chức năng đã cứu được 10 người, đồng thời vớt được 29 thi thể nạn nhân. Cùng với các lực lượng tại chỗ, Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng), Quân chủng Hải quân đã phối hợp triển khai thêm các lực lượng hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà có mặt chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn các du khách và thuyền viên gặp nạn - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Tại cuộc họp tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã nghe các lực lượng báo cáo tình hình triển khai công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Báo cáo với Phó Thủ tướng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, tỉnh đã ngay lập tức kích hoạt cơ chế cứu hộ, cứu nạn với phương châm “4 tại chỗ”, huy động toàn bộ lực lượng quân đội, công an, biên phòng, y tế, cứu hộ địa phương, người dân cùng các phương tiện hiện có để tiếp cận hiện trường, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn ngay lập tức. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thành lập sở chỉ huy tại hiện trường để chỉ đạo trực tiếp, xuyên suốt công tác ứng cứu.
Trao đổi tại hiện trường vụ đắm tàu, Phó Thủ tướng cho biết cùng với lực lượng địa phương triển khai từ đầu, các lực lượng từ Trung ương, Quân khu 3, Quân đội, Công an đã vào cuộc.

Các lực lượng nỗ lực triển khai công tác tìm kiếm xuyên đêm, xác định số nạn nhân còn mất tích, đồng thời nghiên cứu phương án lật tàu trở lại - Ảnh: VGP/Minh Khôi
Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chạy đua với thời gian, tập trung xác định có còn người còn sống hay không; tìm hết người bị mất tích; triển khai đơn vị người nhái Hải quân hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân ngay trong tối 19/7.
Phó Thủ tướng đề nghị lực lượng cảnh sát biển, bộ đội biên phòng, cảnh sát giao thông khẩn trương mở rộng phạm vi tìm kiếm những người còn mất tích; rà soát lại tàu lần cuối trước khi thực hiện phương án lật thuyền; phân công trách nhiệm rõ ràng giữa các lực lượng, không để chồng chéo, "dẫm chân lên nhau".
Phó Thủ tướng lưu ý, các phương tiện kỹ thuật phục vụ phải luôn sẵn sàng, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn.
Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Quảng Ninh, TP. Hà Nội có chính sách hỗ trợ các gia đình nạn nhân, đồng thời lo hậu sự chu đáo nhất. Tỉnh Quảng Ninh tổ chức điều trị, chăm sóc y tế chu đáo cho những người được cứu sống; tổ chức nơi ăn ở cho thân nhân người bị nạn; đồng thời kịp thời thông tin minh bạch, chính xác đến người dân và dư luận...
Cập nhật: Đến 20 giờ 45 phút ngày 19/7, lực lượng chức năng đã tìm thấy 27 thi thể, trong đó có 8 trẻ em; đồng thời cứu được 11 người (thông tin trước là 12 người).
Đến thời điểm này, công tác cứu hộ đang được khẩn trương triển khai, ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và du khách.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm, dốc hết sức, huy động tối đa nhân lực, phương tiện tiến hành tìm kiếm xuyên đêm.
Tỉnh Quảng Ninh tổ chức huy động tối đa lực lượng, phương tiện của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, Vùng 1 Hải quân, các đội thợ lặn chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh với phương tiện chuyên dụng trên biển và các phương tiện tìm kiếm cứu nạn tại chỗ của địa phương phục vụ công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Các cơ sở y tế sẵn sàng hỗ trợ và xử lý các tình huống khi tìm kiếm được nạn nhân.
Sở chỉ huy được thành lập gồm: Bộ Tư lệnh Quân khu 3, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại trụ sở Hải đội Biên phòng 2-Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để tiếp tục chỉ huy, điều hành tổ chức tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn.
Cập nhật: Đến tối 19/7, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh vẫn đang nỗ lực ứng cứu, tìm kiếm các nạn nhân trong vụ đắm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.
Ông Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo tỉnh, các sở, ban ngành liên quan có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ, đảm bảo an toàn cho du khách và thuyền viên.

Ông Phạm Đức Ấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cùng lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác cứu hộ.
Đến thời điểm này, công tác cứu hộ đang được khẩn trương triển khai, ưu tiên cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và du khách.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm, dốc hết sức, huy động tối đa nhân lực, phương tiện tiến hành tìm kiếm xuyên đêm. Hiện thời tiết đã bớt mưa và gió, tạo điều kiện tốt cho công tác cứu nạn, cứu hộ.

Hiện trường vụ lật tàu và công tác cứu hộ. Ảnh: Vietnam+
Đến tối 19/7, theo thông tin tổng hợp, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã cứu được 12 người còn sống và tìm thấy 08 thi thể nạn nhân.
Hiện lực lượng chức năng phối hợp đang tiếp tục tập trung triển khai các biện pháp ứng cứu, tìm kiếm người mất tích.
Trước đó, chiều 19/7, tàu Vịnh Xanh 58, biển kiểm soát QN - 7105 xuất bến từ Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long tham quan Vịnh Hạ Long theo Tuyến số 2. Trên tàu chở 51 người, gồm 48 hành khách (41 người lớn, 07 trẻ em đều là người Việt Nam) và 03 thuyền viên.
Khi đang trên đường hành trình về cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, đến khu vực giữa Hòn Gà Chọi và Hòn Cô Đơn thì gặp giông, lốc đánh khiến tàu bị lật úp.
Ngay sau khi nhận được thông tin, các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh cùng ngư dân gần khu vực tàu đắm khẩn trương triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.

Cán bộ chiến sĩ cứu nạn cứu hộ thuộc lực lượng Công an tìm kiếm các nạn nhân tại hiện trường

Nhiều tàu thuyền của các lực lượng tìm kiếm các nạn nhân trên biển