Chủ Nhật, 19/03/2017 08:30

Làm gì khi con bạn bị xâm hại

Theo thống kê của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), trung bình mỗi năm có 1.600 - 1.800 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, số lượng năm sau cao hơn năm trước. Trong đó, số trẻ bị hiếp dâm chiếm đến 65% và số trẻ bị xâm hại tình dục nhiều lần chiếm tới 28%... Cũng theo một số liệu từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước có 5.300 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Tính trung bình, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em Việt Nam bị xâm hại. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số này chỉ là những vụ việc được báo cáo, còn rất nhiều vụ nạn nhân bị chính kẻ xâm hại dọa dẫm hoặc vì lý do nào đó đã không được thống kê.

Tôi có một đứa con gái, năm nay cháu mới 14 tuổi. Thời gian gần đây, tôi biết được cháu có quan hệ tình cảm với một nam thanh niên gần nhà. Tôi đã nói chuyện với cháu nó rất cứng đầu không chịu nghe lời. Tôi phải làm gì trong trường hợp này? (Chị Lê Thanh Giang, ngụ Q.6, TP.HCM)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Đây là một nguy cơ rất lớn cho việc con gái của chị bị người nam thanh niên đó quan hệ tình dục. Trong trường hợp đó, người thanh niên kia có thể bị kết tội quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên. Vì vậy, chị cần nói cho con gái mình rằng nếu cả hai có quan hệ tình dục thì cậu bạn đó có thể phạm tội và chịu án tù.

Còn về tình cảm là nhu cầu tự nhiên. Điều chị cần giáo dục cho con mình là biết bảo vệ bản thân (không cho phép được quan hệ tình dục) và chăm lo cho tương lai. Tăng cường gần gũi và đối thoại với con gái sẽ tốt hơn là việc ngăn cấm nó quen biết người nam thanh niên kia. Trong một số trường hợp, chị có thể gặp trực tiếp người nam thanh niên đó để nói chuyện về những nguy cơ.

Tôi trước giờ tôi vẫn cảm thấy kích thích, ám ảnh trước những hình ảnh trẻ nhỏ không mặc đồ. Nhưng tôi vẫn có thể kiềm nén được cảm xúc, theo chuyên gia tôi có phải đang mắc chứng "ấu dâm" hay không? Trường hợp của tôi có phải đi gặp chuyên gia tâm lý gấp hay không? (Nguyễn Thanh Trầm)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Khi anh thấy mình có thể kiểm soát được cảm xúc và hành vi của mình thì không nhất thiết phải gặp chuyên gia. Tuy nhiên nếu cảm thấy cần anh vẫn có thể đến gặp chuyên gia.

Trường hợp của mình, anh có thể nghi vấn mình đang gặp phải trường hợp "rối loạn ái nhi" (tôi không dùng chữ "ấu dâm" vì nó không diễn tả rõ ràng).

Xin luật sư cho biết những cơ quan nào mà người dân có thể cầu cứu khi phát hiện con trẻ của mình bị xâm hại tình dục? (Anh Trần Đức Toàn, 32 tuổi, Q. Bình Tân)

Luật sư Phạm Hoài Nam: Khi phát hiện con em mình bị xâm hại tình dục, phụ huynh cần làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an điều tra quận, huyện nơi mình cư trú hoặc nơi xảy ra vụ án. Trong quá trình điều tra có những khó khăn thì phụ huynh cần liên hệ với cơ quan như: Hội Phụ nữ; Hội Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em; cơ quan báo chí hoặc luật sư để được trợ giúp về mặt pháp lý để vụ việc được xử lý theo quy định pháp luật.

Vì sao thực trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng báo động, phải chăng mức án chưa đủ răn đe nên các đối tượng không sợ? (Đào Kim Thuy, 43 tuổi, Quảng Nam)

Luật sư Phạm Hoài Nam: Do sự phát triển kinh tế, xã hội và sự du nhập các luồng văn hoá phẩm đồi truỵ... dẫn đến các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội xâm hại tình dục trẻ em, nên số vụ việc xâm hại đối với trẻ em ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng đáng báo động.

Ngoài ra, một phần cũng do các bậc phụ huynh còn thiếu sự quan tâm, quản lý, giáo dục trẻ em trước các nguy cơ bị xâm hại tình dục. Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình trong việc giáo dục trẻ nhỏ còn chưa chặt chẽ, đồng bộ.

Theo quan điểm của tôi, mức án hiện nay cơ bản đảm bảo tính trừng trị thích đáng đối với hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên, do vấn đề về tố cáo, xử lý của cơ quan chức năng còn chậm trễ, nhiều vụ án không đủ chứng cứ hoặc do phụ huynh tố cáo chậm làm ảnh hưởng đến việc điều tra... Dẫn đến đối tượng có hành vi xâm hại tình dục không bị xử lý, từ đó có tâm lý coi thường pháp luật, dễ tái phạm.

Vì vậy, khi phát hiện vụ việc xâm hại tình dục thì phụ huynh cần phải tố cáo ngay đến cơ quan điều tra và phối hợp với các cơ quan chức năng. 

Nhiều bài báo đưa tin về cha ruột xâm hại con gái? Tại sao lại có thể xảy ra được chuyện kinh khủng này thưa chuyên gia? (Chị Đỗ Quỳnh Loan, nhân viên công ty nước ngoài ngụ quận 4)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Như đã nói, việc xâm hại tình dục trẻ em có đến 93% là người thân, và nó bao hàm cả người cha.

Ấu dâm có phải là bệnh không thưa chuyên gia tâm lý? Nếu là bệnh thì có chữa được không và chữa bằng cách nào để khỏi hẳn? (Cô Trần Thị Sinh, quê Hà Tĩnh)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Như đã nói, ấu dâm trong trường hợp là ái dâm, thì đó là một sự lệch lạc. Và theo lý thuyết thì các chuyên gia tâm lý có thể "chữa lành" được bằng các phương pháp và kỹ thuật tâm lý.

Theo tôi cách phòng chống tốt nhất tội phạm “ấu dâm” là dạy cho trẻ hiểu cần phải cảnh giác với người lạ. Tuy nhiên, cách dạy cháu hiểu được vấn đề có khiến nhận thức của cháu phát triển sớm hơn không? (Anh Đỗ Minh Anh, tài xế cho công ty tại Quận 5)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Điều này sẽ không ảnh hưởng gì đến sự phát triển nhận thức của trẻ.

Tôi nghe nói tuổi thơ của những đối tượng “ấu dâm” thường không mấy êm ả. Liệu cách dạy con có khiến trẻ trở nên lệch lạc về vấn đề này không thưa chuyên gia? Và có cách nào để nhận biết khi trẻ đang lệch lạc để uốn nắn cháu không? (Anh Phạm Minh Mẫn, nhân viên giao hàng ở Quận 6)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Đúng là một số nghiên cứu cho thấy những người có hành vi xâm hại tình dục có tuổi thơ không mấy êm ả, chẳng hạn như việc từng là nạn nhân của chính việc bị xâm hại. Còn về cách giáo dục con như thế nào thì tôi đã có nêu khi nãy.

Để nhận biết trẻ đang có dấu hiệu lệch lạc thì quan sát hành vi của chúng là cách dễ nhất. Ví dụ chúng có những hành vi như thúc ép, ép buộc hoặc dụ dỗ những đứa trẻ nhỏ hơn chúng khoảng 5, 6 tuổi đụng chạm những bộ phận riêng tư của chính nó hoặc ngược lại.

Vì sao tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng trở nên báo động. Phải chăng đây là hệ quả của việc vấn đề giáo dục giới tính ở Việt Nam chưa được xem trọng? (Nguyễn Quý, 67 tuổi, Đồng Nai)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Là một người làm khoa học trong ngành tâm lý thì tôi gặp khó khăn khi trả lời về việc vì sao tình trạng này gia tăng. Cần phải có nghiên cứu khoa học chính xác về các lý do ảnh hưởng đến việc này, tôi mới có thể trả lời được.

Về giáo dục giới tính ở Việt Nam, tôi không nghĩ là bị xem thường. Tuy nhiên có vẻ như chất lượng giáo dục trong trường học chưa được tốt như mong đợi. Theo ý kiến chủ quan của tôi thì có lẽ do người dạy vẫn còn cảm thấy e ngại. Nhiều chương trình giáo dục giới tính hiện nay do các chuyên gia bên ngoài thực hiện có vẻ như có tác động tốt hơn. Tuy nhiên vẫn cần các dữ liệu khoa học rõ ràng để đi đến kết luận.

Theo quy định, khi làm việc với trẻ em phải có người giám hộ đi cùng nhưng nhiều trường hợp cơ quan chức năng vẫn cố tình phớt lờ. Vậy xin luật sư cho biết những cơ quan biết luật biết nhưng vẫn vi phạm (không cho người lớn đi cùng trẻ lúc điều tra) sẽ xử lý thế nào theo quy định hiện hành? (Trần Anh Hoài, 26 tuổi, ngụ quận 5)

Luật sư Phạm Hoài Nam: Theo quy định của pháp luật, khi làm việc với trẻ bị xâm hại tình dục phải có sự tham gia của cha hoặc mẹ cháu bé với tư cách là người giám hộ.

Trường hợp cơ quan điều tra không cho cha, mẹ tham gia thì có quyền khiếu nại hoặc tố cáo việc vi phạm của những người tiến hành điều tra đến thủ trưởng cơ quan điều tra, tuỳ theo mức độ, hành vi của người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định.

 

Chị Hoài ơi chị cho em hỏi chị có những suy nghĩ thế nào về việc ngày nay rất nhiều tình trạng các em nhỏ bị quấy rối tình dục và song song đó là sự im lặng của xã hội, theo chị cộng đồng chúng ta nên có những hành động nào và các chương trình tuyên truyền thế nào về việc phòng chống nạn xâm hại tình dục trẻ nhỏ? (Bạn Nguyễn Thanh Phong, đặt câu hỏi trên Facebook Báo Công an TP.HCM)

Hoa hậu Thu Hoài:

Đây là vấn nạn chung của toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Theo số liệu tôi cập nhật được, từ năm 2011 đến 2015, ở Việt Nam có 5.300 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục. 

Thông thường, ở các vùng sâu vùng xa, do nhà cửa hớ hênh, gia cảnh đơn chiếc nên tạo điều kiện thuận lợi cho thủ phạm. Việc xã hội im lặng cũng không hẳn là như vậy, có thể đại đa số thủ phạm đều là người thân, người họ thương yêu nên bản thân những người bị hại không tìm ra cách giải quyết đúng, sợ xấu hổ, sợ mất đi người yêu thương, nên họ thường chọn cách im lặng, hoặc không hợp tác với cơ quan chức năng đến cùng. 

Việc tuyên truyền, thông tin không rõ ràng, cụ thể khiến người bị hại không biết kêu cứu, tìm đến ai để giúp đỡ. Việc trình báo công an không phải là việc đầu tiên, mà cần phải tìm chia sẻ giúp đỡ trước nhất như hội phụ nữ, chuyên gia tâm lý để làm cách nào thu thập đầy đủ chứng cứ. Sau đó, mới đến việc thưa ra công an. Với con, nên nhỏ nhẹ để con có thể chia sẻ toàn bộ câu chuyện, không la mắng, đổ tội cho con khiến con sợ hãi.

Thường xuyên ở cạnh bên, cho con cảm giác an toàn, đưa đến bác sĩ thăm khám, để lấy bằng chứng bị xâm hại như là: mức độ tổn thương vùng kín, dấu vết để lại của thủ phạm như: DNA, lông, tóc...

Các hội, đoàn, công tác xã hội cũng nên có những chiến dịch tuyên truyền cụ thể hiệu quả, quyết liệt hơn. Ở những nơi vùng sâu, vùng xa, tại các xã phường cũng nên để các bảng thông báo, đường dây nóng nếu cần được giúp đỡ. Các trường học cũng nên đưa bộ môn về giáo dục giới tính, cách phát hiện, biện pháp phòng tránh những kẻ ấu dâm...

Xin chào Thu Hoài, là một người đẹp đối mặt với nhiều cạm bẫy, từ nhỏ đến giờ bạn đã bao giờ bị quấy rối tình dục hay chưa? Phản ứng của bạn khi gặp phải tình huống đó như thế nào? (Tường Vi, 47 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh)

Hoa hậu Thu Hoài:

Lúc nhỏ thì tôi chưa từng bị. Nhưng khi lớn, tôi thường xuyên gặp phải những hành động quấy rối tới mình. Những người đấy là những người đàn ông ngưỡng mộ, đối tác, bạn của bạn... bằng những hành vi: đụng tay, đụng chân, lời nói khiếm nhã, tin nhắn quấy rối. Nhưng với độ tuổi trưởng thành, kinh nghiệm sống, tôi thừa sức để giải quyết những việc đó mà không gây khó dễ cho đôi bên, cũng như không làm tổn thương đến họ.

Tôi nhớ, hồi nhỏ, tôi không được ba mẹ dạy và sống ở xóm lao động phức tạp, nhưng ngược lại tôi được bà nội giáo dục rất nghiêm ngặt, không được la cà hàng xóm, không ăn mặc hở hang. Nội tôi thường la tôi đúng một câu: "Con gái ăn coi nồi, ngồi coi hướng". Khi nằm ngủ, phải có mặt cái mền mắc qua người. Khi nhỏ không hiểu những việc đó để làm gì. Nhưng khi lớn lên, tôi mới hiểu sâu sắc lời bà nội và hiện giờ tôi đã dùng phương pháp đó để áp dụng trong việc dạy con mình.

Có một thực tế là hung thủ gây ra những hành vi dâm ô trẻ em là người thân trong gia đình: chú, bác, anh, chị. Vì quan hệ thân thuộc, không muốn làm lớn chuyện nên nhiều phụ huynh dù tức giận vẫn ngần ngại sử dụng pháp luật để đưa người thân ra cơ quan chức năng xử lý. Ông có suy nghĩ và lời khuyên gì trước hiện trạng này? (Anh Hoàng Xuân Nam, 34 tuổi, ngụ Đồng Nai)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Phải vì đứa trẻ vì đó là cuộc đời của chúng. Cho dù là người thân thì chúng ta vẫn phải đưa vụ việc ra xử lý chứ không thể làm ngơ. Bản thân việc cho qua không giúp được gì cho cả đứa trẻ lẫn thủ phạm và cả những người xung quanh. Nó sẽ tạo tâm lý khiến cho người có hành vi xấu tiếp tục thực hiện việc xâm hại vì cho rằng họ sẽ luôn được bỏ qua, không phải đối diện với luật pháp.

Ở nhà tôi có người anh bị ám ảnh bởi việc “ấu dâm”. Anh thường hay coi sách báo, phim ảnh về vấn đề này. Tôi đã nhiều lần khuyên anh tôi ngưng việc này lại nhưng đối với anh việc này rất khó. Tôi lo sợ hành động lệch lạc sẽ ngày một gia tăng và có lúc trở thành hành động bộc phát. Anh gần như rất ngại đi bác sỹ tâm lý, liệu tôi có thể làm gì để giúp anh? (Chị Thái Minh Châu, ngụ quận Thủ Đức)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Nếu không có bằng chứng thì không nên vội kết luận anh của bạn sẽ là người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Bạn cần nên nhẹ nhàng tiếp cận thay vì "kết tôi" anh trai của mình. Về cơ bản, nên có sự khuyến khích anh ấy gặp chuyên viên tâm lý phù hợp. Có thể khó khăn nhưng đó là việc làm cần thiết.

Việc đưa hình con cái lên mạng xã hội có khả năng ảnh hưởng đến tương lai của con sau này. Đó là hình thức vi phạm nhân quyền và tạo cơ hội cho những kẻ ấu dâm. Chị nghĩ sao khi nhiều người vẫn có sở thích đưa hình con lên Facebook và xem thường việc đấy? Làm sao để thay đổi chuyện này? (Chị Nguyễn Thị Mai Hương, Quê Gia Lai)

Hoa hậu Thu Hoài:

Là niềm vui thì ai cũng muốn khoe với mọi người nhưng phải thật cân nhắc, không đưa hình lên mạng xã hội khi chúng không mặc đồ, hoặc có thể mở chế độ chia sẻ với những người thân thiết trong gia đình. 

Lời khuyên của tôi là các bậc phụ huynh không đưa hình con đang sinh hoạt như bơi; tắm; nằm trên giường ngủ.... đó là tạo cơ hội cho những người có hành vi xấu; Có thể chụp cùng gia đình, cha mẹ, anh em và chia sẻ ở chế độ bạn bè người thân. 

Người Việt Nam hay có hành động sờ mó, hôn hít trẻ em vì thấy nó dễ thương. Đây cũng có thể là hành động biến tướng thành việc xâm hại đến trẻ em. Chị nghĩ gì về chuyện này? (Anh Phan Hồng Phúc, Tiền Giang)

Hoa hậu Thu Hoài:

Trong trường hợp có mặt mình tại đấy, đối với những người thân thiết thì đó là chuyện bình thường. Còn người lạ, tuyệt đối không. 

Ở nước ngoài, người ta cũng rất kỵ người lạ đụng vào con của họ, không chỉ riêng về việc xâm hại, hay ý đồ xấu mà cũng có những loại bệnh truyền nhiễm qua da, hoặc đường hô hấp nên những hành động trên tuyệt đối cấm kỵ.

Nếu có khách đến thăm nhà, có hành động hôn hít, ôm bế, thấy quá giới hạn, có thể tìm lý do như: "Bé không khỏe"; "Đến giờ ăn, giờ ngủ của bé" để tách bé khỏi họ.

Với những quy định hiện nay của pháp luật về hành vi dâm ô trẻ em. Theo ông có những điểm nào được và chưa được. Trong tương lai, luật của chúng ta nên được kiện toàn theo hướng nào để bảo vệ trẻ em tốt hơn trước hành vi dâm ô? (Chị Nguyễn Thị Ngọc, y tá bệnh viện, Quảng Bình)

Luật sư Phạm Hoài Nam: Trong vấn đề xử lý về tội dâm ô trẻ em rất khó khi xác định hành vi sờ mó vì theo quan niệm xưa nay, người lớn tuổi thường vô tư sờ mó, cưng nựng trẻ nhỏ, việc va chạm vùng kín của người lớn với trẻ diễn ra khá phổ biến và dường như mọi người xem đó là hành vi bình thường. Cho nên có những người lợi dụng để thực hiện hành vi xâm hại dục đối với trẻ em.

Theo quan điểm của tôi, trong tương lai pháp luật Việt Nam nên có quy định về việc tiếp xúc với trẻ nhỏ thì phải có sự đồng ý của cha mẹ nhằm giám sát và ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục với trẻ em có thể xảy ra.

Người lớn thường bỏ qua các dấu hiệu của trẻ em bị xâm hại. Như việc các em than đau vùng kín, nhiều phụ huynh chỉ cho rằng các em hiếu động chạy nhảy rồi bị ngã đâu đó. Làm sao để nhận biết kịp thời việc các em là nạn nhân của việc xâm hại? (Anh Phạm Thái An, 32 tuổi, nhân viên văn phòng)

Luật sư Phạm Hoài Nam: Khi trẻ bị xâm hại tình dục thì dấu hiệu đầu tiên là hoảng hốt, lo sợ, im lặng bất thường hoặc kèm theo các biểu hiện kêu đau, đầu tóc bù xù, áo quần xộc xệch, cơ thể bị thương vùng kín... Do đó, các bậc phụ huynh khi phát hiện các biểu hiện này cần quan tâm và hỏi han để có cách xử lý tiếp theo cho phù hợp nhằm bảo vệ con mình tốt hơn chứ đừng bỏ qua và phủ nhận lời kể của con.

 

Cuối năm ngoái, nước Anh xảy ra vụ rúng động bê bối tình dục khi nhiều cầu thủ khẳng định mình bị xâm hại lúc còn nhỏ. Dù bị ám ảnh lâu dài nhưng những người này đã giấu kín mọi chuyện không chỉ với xã hội mà còn với những người gần gũi nhất như cha mẹ, vợ con. Phải mất hàng chục năm, mọi chuyện mới được đưa ra ánh sáng. Ở Việt Nam dù chưa được nghe về trường hợp nào nhưng tôi tin có một vài người lớn từng trải qua vấn đề tương tự. Vậy, làm sao để những người như vậy có đủ tự tin để sớm giải tỏa nỗi ám ảnh đeo bám họ suốt một thời gian dài như thế? (Anh Hồng Minh Mẫn, ngụ huyện Bình Chánh)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Hiện tại, tôi đã được nghe và chứng kiến một số trường hợp tại Việt Nam đã quyết định kể ra câu chuyện của mình một cách công khai. Điều này sẽ giúp những người còn lại có thêm động lực để chia sẻ. Tuy nhiên, cần lưu ý câu chuyện được kể ra phải giúp cho người kể cảm thấy bình an hơn và đó là quyết định của chính bản thân họ. Những người xung quanh không nên và không có quyền thúc ép những người bị xâm hại phải kể ra câu chuyện của họ.

Tôi có một người bạn có con gái học cấp 1 bị bác bảo vệ trường xâm hại. Trường đã cho xử lý và đuổi việc bác bảo vệ. Nhà trường cũng giúp đỡ hết mình và thầy cô tận tình với bé. Nhưng bé vẫn không dám đến trường vì bị bạn bè hoặc thậm chí là các phụ huynh khác dèm pha. Xin hỏi chuyên gia tâm lý làm cách nào bé có thể hồi phục mà vẫn được đến trường, vì bé rất ham học? (Nguyễn Đức Thịnh, Q.3, 36 tuổi)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Cách tốt nhất để giúp bé có thể vừa đến trường vừa hồi phục, đó là dạy đứa trẻ học được cách đương đầu và vượt qua khó khăn. Các chuyên gia tâm lý có thể hỗ trợ.

Tuy nhiên, với trẻ nhỏ như học sinh cấp 1, quá trình này có thể gặp nhiều khó khăn và không phải tất cả chuyên gia cũng đều có thể hỗ trợ được. Khi đó, phụ huynh có thể chọn giải pháp chuyển trường cho bé nếu có sự đồng ý của trẻ. Một cách khác cho các bậc cha mẹ đó là trao đổi với nhà trường để có một biện pháp truyền thông đến các bậc phụ huynh khác trong việc hỗ trợ trẻ bị xâm hại.

Chị có lời khuyên gì cho các bà mẹ để quản lý con mình tốt hơn, tránh xa được kẻ xấu? (Đặng Kim Oanh, ngụ quận 11)

Hoa hậu Thu Hoài:

Lời khuyên của tôi là các mẹ luôn luôn cảnh giác, chú ý các mối quan hệ của mình và của con. Khi con chia sẻ về vấn đề bị xâm hại, có thể con nít không biết cách để diễn đạt nhưng mình phải chú ý không coi thường tố cáo qua lời kể của con, tránh trường hợp chúng bị nặng hơn.

Tuyệt đối, không la rầy con khi con chia sẻ, bản thân coi đó là chuyện bậy. Nếu mình la con con sẽ sợ và từ lần sau, không dám chia sẻ với mình nữa. Cũng có thể, thủ phạm là người đứa trẻ bị xâm hại đặt hết niềm tin, tình thương yêu nhất, cho nên hãy bình tĩnh và luôn sáng suốt để biết cách bảo vệ con mình. Việc nên chia sẻ với người nào đó có đủ tư duy, kiến thức hoặc chuyên gia tâm lý để đưa ra giải pháp tốt nhất.

Ở nhà, bạn nên gắn các thiết bị theo dõi như camera, micro để có thể lưu giữ lại những bằng chứng, chứng cứ nếu  như bạn nghi ngờ con cái mình đang bị xâm hại tình dục. Khi nói chuyện với thủ phạm cần ghi âm lại, nên tỉnh táo để thu thập đủ bằng chứng trước khi đưa ra cơ quan chức năng. Tránh nóng vội, tra hỏi thủ phạm, vì khi đó thủ phạm sẽ tìm mọi cách để phủ nhận, xóa hết bằng chứng. Việc quan trọng hơn nữa, bạn hãy lắng nghe, chia sẻ, an ủi tạo cho con cảm giác an toàn khi có bạn ở bên.

Chào chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy, tôi nghĩ không một cha mẹ nào muốn con cái mình sau này lớn lên trở thành “thủ phạm” trong các vụ án xâm hại tình dục cả. Vậy chuyên gia có lời khuyên gì đối với các bậc phụ huynh trong việc định hướng vào giáo dục giới tính cho con cái? (Trần Minh Quân, 35 tuổi, ngụ Q.7)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Thông thường, một đứa trẻ khó có thể trở thành thủ phạm nếu được giáo dục đầy đủ. Có một tỉ lệ người gọi là "ái nhi" (paedophile) có khuynh hướng yêu thích tình dục với trẻ em (cả nam lẫn nữ). Tuy nhiên, không thể khẳng định những người ái nhi sẽ có hành vi xâm hại tình dục với trẻ.

Phần lớn những người có hành vi xâm hại tình dục với bất kỳ đối tượng nào không chỉ là trẻ em thường liên quan đến việc tiếp xúc với sách báo hoặc phim ảnh khiêu dâm, nhất là sau tuổi dậy thì. Ngoài ra, nhiều người do không được giáo dục về đạo đức và pháp luật, không có sự hiểu biết chính xác nên dẫn đến hành vi xâm hại tình dục.

Để tránh cho con mình trở thành một thủ phạm về xâm hại tình dục khi chúng lớn lên, phụ huynh nên có sự giám sát và hướng dẫn về hành vi đúng lẫn hành vi sai ngay khi con còn bé. Không nên có sự né tránh khiến trẻ tò mò, tự tìm hiểu, từ đó dễ gây ra lệch lạc trong hành vi.

Về cơ bản, những người xâm hại tình dục trẻ em là vi phạm pháp luật. Còn nếu có sự lệch lạc tình dục (các rối loạn tâm lý về tình dục) thì các chuyên gia tâm lý có thể giúp đỡ để đứa trẻ biết cách kiểm soát hành vi của nó.

Là một người mẹ chỉ quản lý giờ giấc của con cái theo cách nào để cân đối với công việc? Và chị làm sao để con cái có thể gần gũi với mình, kể mọi chuyện xảy ra hàng ngày, để có thể phòng tránh được kẻ có ý đồ xấu? (Cô Huỳnh Thị Đào, bán tạp hóa ở quận Bình Thạnh)

Hoa hậu Thu Hoài:

Đối với con mình, giờ giấc đi học được xe của trường đưa đón. Về nhà, tại phòng khách đều gắn camera, môi trường cũng không quá phức tạp. Tôi thường tranh thủ sau giờ làm việc hay vào phòng riêng với con khoảng 15-20 phút hàng ngày để chia sẻ công việc của mình và lắng nghe sinh hoạt nên những việc bất bình thường, tôi sẽ phát hiện ra ngay.

Hãy tạo thói quen chia sẻ những thói quen sinh hoạt của nhau mỗi ngày. Đừng vì lý do bận rộn mà lơ là, kiếm tiền...không chỉ vì những vấn nạn hiện giờ có thể xảy ra mà cũng tạo thói quen không chia sẻ lâu dần, gia đình cũng chẳng còn gì để nói với nhau và mỗi thành viên trong gia đình lại đi chia sẻ với người ngoài. 

Theo tôi, cách này cũng tạo cho con biết rằng gia đình là chỗ dựa an toàn nhất, dù có bất cứ việc gì, người cần chia sẻ là mẹ của chúng và ngược lại. Có một lần, báo chí rộ lên vấn đề: nạn nhân bị người lạ tấn công bằng cách hỏi thăm rồi sau đó nạn nhân không còn biết gì nữa. Ngay tối hôm đó, con gái tôi đã chia sẻ về việc này, khi con được bạn chở đi bằng xe đạp ở quận 7 (TP.HCM) và có một người phụ nữ cứ chạy theo, hỏi con học ở đâu rất nhiều lần. Con gái tôi kể, khi con quay qua định trả lời, chợt nhớ những lần mẹ kể, lời mẹ dặn thì phản ứng của con là quay đi chỗ khác và lấy khẩu trang bịt mặt lại. Con nhắc bạn chạy nhanh, tấp vào những chỗ người ta bán hàng, đông người. 

Bạn thấy đó, việc chia sẻ thông tin cũng như tâm tư giữa phụ huynh và con cái rất là quan trọng. Nó không chỉ là ngày một ngày hai, mà phải tạo thành thói quen. 

Bạn hãy cứ thử xem, tôi tin rằng, chỉ cần một thời gian ngắn, bạn có thể khám phá được từ con bạn nhiều điều thú vị cũng như giúp được cho con rất là nhiều việc.

Để nâng cao hiểu biết của dân chúng về luật pháp, đặc biệt về hành vi ấu dâm, theo ông chúng ta cần phổ biến kiến thức thế nào. Ở độ tuổi nào theo ông là phù hợp để dạy cho các em biết kiến thức về giới tính và pháp luật bảo vệ bản thân mình. (Bác Mai Hữu Ngọc, Bù Đăng, Bình Phước)

Luật sư Phạm Hoài Nam: Ở góc độ tuyên truyền, phổ biến pháp luật đặc biệt là đối tượng trẻ em mà có nguy cơ bị xâm hại tình dục thì cần đưa môn giáo dục giới tính vào trường học sớm hơn để các em có sự hiểu biết cũng như cách tự bảo vệ trước các mối đe doạ. Có thể kết hợp với các môn đạo đức, giáo dục công dân, sinh hoạt ngoại khoá...

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cần trang bị những kiến thức về giáo dục giới tính, hiểu biết tâm sinh lý của trẻ để có phương pháp dạy bảo và giúp đỡ con em mình có ý thức tự bảo vệ bản thân.

Cùng với đó là sự hỗ trợ và giúp đỡ của cộng đồng, các cơ quan đoàn thể ở địa phương cũng cần có những biện pháp cụ thể, thiết thực như: giáo dục chuyên đề về giới tính, biện pháp ngăn ngừa xâm hại tình dục trẻ em tại các buổi sinh hoạt cộng đồng ở tổ dân phố, khu dân cư.

Nhiều phụ huynh hiện nay phản ánh nghĩ đến dâm ô trẻ em, người ta thường nghĩ đến nạn nhân là các em gái. Tuy nhiên các em trai cũng có khả năng bị xâm hại, trong khi quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay bị cho còn chưa quan tâm việc trẻ em nam bị xâm hại. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào? (Chị Vũ Ngọc Yến Vy, ngụ quận 7, TP.HCM)

Luật sư Phạm Hoài Nam: Theo thói quen, người dân thường nghĩ đối tượng bị xâm hại tình dục là các bé gái nhưng hiện nay các trẻ em nam vẫn có nguy cơ bị xâm hại. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm con em mình, trong trường hợp các bé trai bị xâm hại thì cần phải có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ kịp thời.

 Theo quy định tại điều 116 Bộ Luật Hình sự, đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em sẽ bị phạt tù từ 7-12 năm.

Chào Thu Hoài, tôi có một con trai năm nay học lớp 9. Vừa qua tôi phát hiện cháu thường hay lên mạng vào xem các trang web đen có nội dung không tốt. Tôi muốn la mắng cháu nhưng nghĩ vậy chưa chắc đã tốt nên giờ vẫn chưa biết mình phải xử lý vấn đề trên như thế nào. Nếu Thu Hoài gặp trường hợp như tôi thì em sẽ làm gì? (Nguyễn Thu Nga, 40 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM)

Hoa hậu Thu Hoài:

Thứ nhất, không cho con bạn đến những phòng internet ở ngoài. 

Thứ hai, khi ở nhà, bạn nên nhờ chuyên gia gắn các thiết bị, ngắt những trang web đen.

Thứ ba, cần sinh hoạt gia đình với con nhiều hơn như những ngày nghỉ cuối tuần, tham gia dã ngoại.

Thứ 4: Đăng kí những khóa học về thể thao cho con. 

Thứ 5, điều quan trọng nhất vẫn là tình thương. Người cha, người mẹ quan tâm con và giúp con vượt qua giai đoạn này.

Đối với bản thân gia đình tôi, từ sau giờ học, giờ sinh hoạt gia đình, thường 9h tối, tôi sẽ ngắt hết các thiết bị internet, con chỉ đọc sách hoặc chơi game. Ban đầu, phản ứng của con là khó chịu, nhưng cái gì rồi cũng sẽ quen và cho con biết nội quy, nề nếp ở đâu cũng có. 

Để lấy lại tâm lý cho trẻ khi bị xâm hại, phụ huynh nên đến các địa chỉ nào tại TP.HCM? (Vũ Anh, ngụ quận 12)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Về cơ bản, khi trẻ bị xâm hại thì phụ huynh nên tìm một chuyên gia có sự hiểu biết sâu rộng về xâm hại tình dục và tâm lý trẻ em bị tổn thương sau sang chấn. Điều này có thể không đơn giản vì không phải chuyên gia nào cũng có thể làm việc với trẻ bị xâm hại.

Tại TP.HCM, với vai trò là đại diện của Hội Khoa học Tâm lý và Giáo dục TP thì tôi có thể trực tiếp tư vấn hoặc làm cầu nối cho các chuyên gia khác có chuyên môn phù hợp để hỗ trợ phụ huynh trong việc hồi phục cho trẻ.

Phụ huynh cũng cần hiểu rằng hồi phục tâm lý không chỉ là một buổi gặp gói gọn trong vài giờ mà là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự hợp tác từ gia đình. Chẳng hạn việc đến với chuyên gia trong một buổi nhưng không thấy kết quả rồi phụ huynh mau chóng từ bỏ là điều không nên làm vì tiến trình tư vấn tâm lý cần rất nhiều giai đoạn.

Tôi có con trai học lớp 7 nhưng không có thời gian đưa đón, chỉ biết trông cậy vào xe ôm hoặc đôi khi cháu tự đi xe buýt. Gần đây, tôi thấy xuất hiện khá nhiều vụ xâm hại trẻ nên cảm thấy không an tâm. Tôi đang có ý định nghỉ việc hoặc tìm công việc phù hợp hơn để có thời gian đưa đón cháu. Xin được chị Thu Hoài tư vấn về vấn đề này. (Trần Ngọc Vân, Q. Bình Thạnh, 37 tuổi)

Hoa hậu Thu Hoài: Chào bạn. Đó không phải là giải pháp lâu dài vì vấn đề ấu dâm không biết sẽ xảy ra lúc nào, bất cứ ở độ tuổi nào trẻ em cũng có thể thành nạn nhân. Bạn có thể tìm người đưa đón là người thân mà bạn hiểu rõ tính cách của họ.

Thường thì tâm lý con trai rất hiếu động, nếu em bé bỗng nhiên trầm lặng, sợ người đưa đón thì bạn phải chú ý điều đó. Cũng không nên phức tạp hóa vấn đề. Chỉ cần quan tâm đến con, lắng nghe tâm sự của con thì tôi nghĩ nếu như có xảy ra sự việc thì vấn đề cũng không bị đi quá xa.

Nếu vì không có điều kiện về kinh tế để có thể ở nhà để chỉ đưa đón con thì chúng ta có thể tìm những giải pháp khác như: Thường xuyên trao đổi với thầy cô giáo, chú ý biểu hiện và lắng nghe con mỗi ngày.

 

Nếu đặt trường hợp con chị bị xâm hại tình dục, việc đầu tiên chị làm là gì? (Chị Trần Tịnh Minh)

Hoa hậu Thu Hoài:

Việc đầu tiên là tôi sẽ lắng nghe con chia sẻ, phải an ủi con. Hai mẹ con phải cùng nhau để giải quyết vấn đề. Sau đó, cho con đi thăm khám ở bệnh viện chuyên khoa (nên đi nhiều bệnh viện để có kết quả chính xác). 

Ở nhà nên gắn camera, micro... gắn camera trong xe hơi. Tiếp đến, tôi sẽ tới gặp luật sư để được hướng dẫn các trình tự theo đúng pháp luật. Đồng thời, tôi sẽ phải đưa con gặp chuyên gia tâm lý, thường xuyên ở cùng con. 

Bất cứ thủ phạm là ai thì khi đã có những chứng cứ, lúc đó cho thủ phạm biết, nói rõ đúng sai, phải chịu trách nhiệm, hành vi của mình, cũng như phải sửa đổi. Có thể thủ phạm là người thân trong gia đình hay là người mình thương yêu, họ cũng sợ mất uy tín, mất mặt, cũng có thể xảy ra những trường hợp xấu khi họ nghĩ quẩn. 

Phối hợp với cơ quan chức năng chặt chẽ để đưa ra đủ chứng cứ và đi đến cùng để mang lại bình an cho con mình.

Sau khi sự việc xảy ra, theo tôi, sẽ thay đổi môi trường khác cho con.

 

Con chị có khi nào kể với chị về việc bị quấy rối tình dục hay những việc tương tự chưa? (Nguyễn Diệp Chi, Hà Nội)

Hoa hậu Thu Hoài: Hiện giờ thì chưa nhưng tôi vẫn rất cẩn thận và luôn nhắc con có ý thức cũng như chú ý theo dõi các hành vi và cách thức tự bảo vệ mình. Thường xuyên chia sẻ cho con về vấn đề này trên các phương tiện báo chí, cùng thảo luận với con. Tôi nghĩ đó cũng là một cách cho con hiểu biết được sự việc và cách để phòng tránh.

Trên trang cá nhân của tôi cũng có vài lần, những bạn trẻ bị xâm hại đã nhắn tin và kêu cứu sự giúp đỡ của tôi. Lúc đó, tôi đã hỏi rõ vấn đề của họ sau đó tôi tìm cách giúp đỡ bằng cách đưa cho họ số điện thoại của các luật sư (đúng chuyên ngành, là bạn của tôi) để có thể tư vấn, giải quyết cho các nạn nhân. 

Hiện nay ở nhiều nước (như Indonesia) vừa ban hành luật xử lý nghiêm khắc kẻ ấu dâm. Ngoài hình phạt tù, thậm chí tử hình (nếu hung thủ vừa có hành vi dâm ô, vừa ra tay giết nạn nhân sau đó), còn có những hình thức khác như gắn chip theo dõi kẻ ấu dâm hay thiến hóa học hung thủ. Ông nghĩ thế nào về những biện pháp này? (Chị Nguyễn Thị Duyên, nhân viên ngân hàng Vietcombank, chi nhánh quận 8)

Luật sư Phạm Hoài Nam: Theo quan điểm của tôi, pháp luật hình sự của mỗi nước sẽ có những quy định khác nhau về mức hình phạt đối với tội "ấu dâm". Những biện pháp xử phạt như gắn chíp theo dõi, thiến hoá học ở góc độ nào đó cũng có những tác dụng nhất định để ngăn ngừa, hạn chế loại tội phạm này nhằm bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên dưới góc độ quyền con người, những biện pháp này có phần ảnh hưởng về tự do đi lại của cá nhân cũng như quyền sinh con hợp pháp của những người đó nên rất ít quốc gia áp dụng.

 

 

Có những tài liệu, cuốn sách, trang web nào nói về ấu dâm để phụ huynh có thể tham khảo? (Chị Lan, 30 tuổi, quận 7)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Có rất nhiều lựa chọn cho phụ huynh. Phụ huynh có thể lên mạng tìm cách hướng dẫn bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục. Tuy nhiên, cần hướng đến những tổ chức đáng tin cậy như Plan International (có phiên bản tiếng Việt), tổ chức OBV (Nhịp cầu hạnh phúc) hoặc trên Facebook cũng có rất nhiều chuyên gia tâm lý.

Ở nhà sách phụ huynh cũng có thể tìm nhiều cuốn sách về "Nguyên tắc đồ lót" như đã nêu.

Chuyên gia có thể tư vấn cho phụ huynh chúng tôi biết cách thức nói chuyện với con để giúp con hiểu rõ về những kẻ ấu dâm? (Anh Ngô Văn Hoàng 33 tuổi, Q.9)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Cha mẹ cần phải hiểu việc nói chuyện không có gì là "ghê gớm" mà là điều rất bình thường. Thậm chí việc chia sẻ thoải mái còn tạo điều kiện hướng dẫn trẻ tốt hơn.

Cha mẹ có thể bắt đầu từ việc hỏi thăm con sau khi đi học về, rồi dần dần chuyển sang những vấn đề nhạy cảm hơn. Nếu không có sự giao tiếp và đối thoại thì đến khi việc xấu xảy ra với con, các bậc phụ huynh khi làm lớn chuyện sẽ khiến đứa trẻ thấy sợ hãi, rồi từ đó thu mình lại. 

Đối với trẻ khoảng 6-7 tuổi, cần phải trực tiếp dạy con về những hành động có dấu hiệu xâm hại. Ví dụ khi người lạ xoa lên cơ thể, hoặc đặc biêt là các vùng riêng tư như cơ quan sinh dục, thì trẻ cần phải cảnh giác. Cha mẹ phải hướng dẫn trực tiếp với con và giải thích với các em rằng đó là dấu hiệu của hành vi xâm hại.

Cũng cần phải hướng dẫn trẻ cảnh giác với người thân trong gia đình vì bất kỳ ai cũng có thể là đối tượng gây nguy hại cho trẻ. Phụ huynh không nên cho rằng chúng còn nhỏ nên không hiểu. Thực tế các em khi được trình bày rõ ràng đều sẽ có nhận thức một cách rõ ràng và chính xác. Với các trẻ lớn hơn, việc trao đổi sẽ dễ dàng hơn nhờ có hiểu biết và có sách vở nhưng phụ huynh không được chủ quan.

Cách chị dạy con thoát khỏi nguy hiểm khi gặp những tên bệnh hoạn? (Nguyễn Thị Lan Anh, TP. Vinh, Nghệ An)

Hoa hậu Thu Hoài: Thứ nhất, tránh cho con ở nhà một mình với người lạ. Thứ hai, nếu con xảy ra chuyện gì chỉ cần gọi điện thoại và nói: "Mẹ về gấp". Thứ ba, con có thể tìm cách để thoát khỏi nhà hoặc nơi con đang gặp chuyện. 

Tôi cũng dạy cho con nhớ những số điện thoại nóng của các cơ quan chức năng để con gọi điện báo tin khi gặp chuyện. 

Chị giáo dục giới tính cho con như thế nào ngay từ lúc nhỏ? (Anh Nguyễn Văn Tình, 25 tuổi, Nghệ An)

Hoa hậu Thu Hoài: Khi con tôi được 5 tuổi, tôi đã chỉ dạy cho con những mối quan hệ ở các cấp bậc với từng mức độ thân thiết ra sao. Ví dụ như khi tắm cho con chỉ có người mẹ hoặc cô giúp việc tắm, tuyệt đối người lạ không được đụng vào thân thể của con, bất kể những người đó là bạn thân của mẹ.

Không được tùy tiện cởi đồ, thay đồ trước các thành viên trong gia đình. Khi con lớn hơn, ở độ tuổi thanh thiếu niên như hiện nay, tôi có những buổi chia sẻ về giới tính cho con. Con gái đi học nước ngoài và ở gia đình của host (homestay), tôi hay khuyên con gái là không nên ăn mặc hở hang khi bước chân ra phòng khách.

Khi thấy người ta bỗng nhiên tốt với mình: thường xuyên tỏ ra quan tâm, giúp đỡ, ôm hôn, hay khi có bất cứ vấn đề lạ, người đầu tiên con cần chia sẻ phải là MẸ. Những đối tượng gửi phim ảnh người lớn cho con gái xem, rủ rê mình xem chung đều là những người có mục đích xấu. Không được gặp riêng người lạ, không để người lạ đụng vào chỗ kín đáo. Khi ngủ tuyệt đối phải khóa cửa phòng. 

Đối với con trai út ở Việt Nam, tôi hay dạy con, đối với những nhân viên trong cửa hàng của mình  muốn dẫn con đi chơi, phải chơi những nơi đông đúc, nhiều người, có giờ giấc rõ ràng. Các vấn đề về va chạm thân thể được tôi dạy con từ lúc nhỏ. Ngoài ra, khi con tôi học ở trường quốc tế, vấn đề giáo dục giới tính được các thầy cô rất quan tâm và dạy dỗ từ nhỏ.

Dư luận đang bức xúc vụ xâm hại ở Thủ Đức. Là luật sư xin ông cho biết quy trình xác minh, trình tự xử lý một vụ ấu dâm trẻ em hiện nay thế nào (giám định thương tổn, truy tố, xét xử ra sao)? (Chị Bình Lê, ngụ Bình Định)

Luật sự Phạm Hoài Nam: Khi phát hiện vụ xâm hại về tình dục trẻ em thì việc đầu tiên chúng ta cần phải làm là trấn an tinh thần cho con trẻ, động viên cháu đã được an toàn trong vòng tay cha mẹ. Phụ huynh không nên la mắng hoặc và ép con trẻ kể lại ngay câu chuyện khủng khiếp mà cháu vừa trải qua.

Sau khi thấy trẻ tạm ổn về tinh thần thì cần hỏi và đề nghị cháu kể lại để cha mẹ có biện pháp bảo vệ. Do vấn đề xâm hại tình dục trẻ em là nhạy cảm và có những vấn đề khó khăn trong quá trình điều tra, cho nên những bằng chứng ban đầu về vụ việc cần lưu giữ ngay để làm chứng cứ gồm:

- Chứng cứ về nội dung: Trẻ kể lại cần ghi lại vì lời khai ban đầu rất quan trọng để xác minh đối tượng.

- Chứng cứ về vật chất: Các dấu vết trên cơ thể do hành vi xâm hại gây ra, như áo quần; đồ chơi... thì cần cho vào túi bóng để cung cấp cho cơ quan điều tra.

- Đưa bé đi chăm sóc về y tế: Đề nghị cơ quan y tế kiểm tra, giám định ban đầu của vết thương có phải do hành vi xâm hại tình dục gây ra hay không.

Sau đó, phụ huynh cần gửi đơn tố cáo đến cơ quan công an.

Việc giám định sẽ được tiến hành ngay, tốt nhất là trong vòng 24h kể từ thời điểm cháu bé bị xâm hại. Ngay sau khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can; truy tố, xét xử sẽ được cơ quan chức năng thực hiện theo đúng trình tự của Bộ Luật tố tụng Hình sự.

Là một luật sư, xin ông cho biết hành vi ấu dâm có những dạng thức nào (quan hệ tình dục, đụng chạm vùng kín bên ngoài…?) Khi trẻ bị xâm hại, về mặt luật pháp, bộ luật của ta có những quy định xử lý như thế nào? (Anh Vũ Duy, 32 tuổi, Quận Bình Chánh)

Luật sư Phạm Hoài Nam: Theo quy định pháp luật hiện hành, dâm ô với trẻ em là những người đã thành niên có hành vi sờ mó vùng kín; hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân, dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thoả mãn dục vọng nhưng không có hành vi giao cấu với nạn nhân.

Trường hợp có hành vi giao cấu với nạn nhân thì không phạm tội dâm ô trẻ em mà tuỳ trường hợp cụ thể hành vi đó có dấu hiệu của tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em.

Theo Điều 116 quy định về Tội dâm ô đối với trẻ em

1. Người nào đã thành niên mà có hành vi dâm ô đối với trẻ em, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm:

a) Phạm tội nhiều lần;

b) Đối với nhiều trẻ em;

c) Đối với trẻ em mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

d) Gây hậu quả nghiêm trọng;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười hai năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Theo tôi tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, những kẻ ấu dâm thường là người thân của nạn nhân, vậy làm sao để dạy trẻ cách nhận biết những hành động ấu dâm của thủ phạm. Bởi chúng còn nhỏ và dễ nhầm lẫn những hành động yêu thương với sờ soạng…? (Chị Lê Thị Hạnh, 34 tuổi, ngụ quận Gò Vấp)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Theo thống kê có đến 93% các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em liên quan đến người thân. Điều này khiến đứa trẻ nhầm lẫn hành vi xâm hại với hành động yêu thương của người thân. Người Việt chúng ta dễ có thói quen để cho người thân như cậu, dì, chú,bác... chăm lo cho đứa trẻ như tắm rửa, thay quần áo,... Nó sẽ gây khó để nhận diện về hành vi xâm hại tình dục trẻ em.

Điều này còn dễ tạo điều kiện khiến đứa trẻ bị xâm hại. Nhiều bậc phụ huynh không nghĩ đến chính người thân trong nhà mới là người có hành vi xấu với con em mình.

Để trẻ nhận diện về hành vi xâm hại tình dục, cần phải giáo dục trẻ từ sớm. Phụ huynh có thể tra cứu về phương pháp nhận diện và phòng ngừa xâm hại tình dục có tên là "Nguyên tắc đồ lót" (tiếng Anh: Underwear rules). Cơ bản của nguyên tắc này gồm: Thứ nhất: đứa trẻ phải nhận biết về vùng riêng tư của bản thân (ví dụ: cơ quan sinh dục). Thứ hai: Là tất cả các bộ phận trên cơ thể của đứa trẻ là của chính nó. Thứ ba: khi nói "không" nghĩa là "không", không có ngoại lệ dù là với chú, bác, hoặc người khác. Thứ tư: Phải chia sẻ với phụ huynh hoặc người lớn mà mình tin cậy sau khi bị xâm hại tình dục. Cuối cùng là lên tiếng, không được im lặng, không được giữ bí mật.

Khi phát hiện con mình bị xâm hại tình dục thì việc đầu tiên một người mẹ như tôi phải làm là gì? Báo cho ai? (Chị Đoàn Xuân Hồng, ngụ quận 9, TP.HCM)

Chuyên gia tâm lý Ngô Minh Uy: Ngay khi phát hiện con bị xâm hại, cha mẹ phải bày tỏ sự thân mật với con và trấn an rằng hiện tại đứa trẻ đã an toàn. Phải làm sao để con trẻ cảm thấy tin tưởng và không còn có cảm giác phải đối mặt với việc bị xâm hại. Sau đó, chúng ta cần phải báo lại cho các cơ quan chức năng, chẳng hạn như cơ quan công an. Tất cả những vấn đề liên quan đến luật pháp hay khởi tố cần đến sau việc tạo tâm lý an tâm cho con mình.

Thời gian qua, hàng loạt vụ trẻ em bị xâm hại tình dục khiến dư luận đặc biệt chú ý. Là một người mẹ, đồng thời cũng là người nổi tiếng lại rất bận rộn trong các mối quan hệ xã hội lẫn kinh doanh, chị có những chia sẻ gì về vấn đề này? (Hồ Hạnh Nguyên, ngụ quận 8, TP.HCM)

Hoa hậu Thu Hoài: Đây cũng là vấn nạn chung trên toàn thế giới, không chỉ riêng ở Việt Nam. Ở những vùng quê, dân trí chưa phát triển, thông tin chưa được phổ cập sâu rộng nên xảy ra tình trạng này nhiều hơn. 

Họ sợ hãi khi con cái mình bị xâm phạm tình dục, không biết phải nói với ai và thường chọn cách im lặng hoặc bỏ cuộc giữa chừng. 

Đối với vấn nạn hiện tại, theo tôi nghĩ, các cơ quan chức năng, trường học, các cấp chính quyền địa phương từ phường, xã đến huyện nên có hướng dẫn cho người dân, học sinh biện pháp phòng tránh, đối phó và giải quyết. Cha mẹ, phải dạy cho con phân biệt sự thân mật trong các mối quan hệ như ông bà nội ngoại, cha mẹ ruột được phép ôm hôn mình còn cô chú, cậu dì....chỉ được phép ôm, bạn bè, họ hàng chỉ được phép bắt tay, chào...

Tuyệt đối xua tay với người lạ. Các hội phụ nữ của các cấp nên truyền đạt thông tin này một cách rõ ràng, cụ thể và hướng dẫn cách liên lạc với ai khi sự việc xảy ra. Vì những người xâm hại đến trẻ em thường là người thân, quen biết với nạn nhân. 

Cha mẹ cũng cần chú ý tới những hành động lạ của con. Con nít thường lo sợ, không biết cách thể hiện khi sự việc xảy ra, nên phụ huynh càng phải chú ý hơn. Theo tôi, trên thế giới khoảng 98% những lời trẻ em tố cáo k khi chúng bị xâm phạm với người lớnlà sự thật. Khi nói xong có thể chúng sẽ chối, vì lo sợ, các bậc phụ huynh nên động viên,cho con có cảm giác an toàn khi chia sẻ về vụ việc. 

 

Xin phép được hỏi, theo luật VN hình phạt cao nhất dành cho tội ấu dâm là bao nhiêu? (Nguyễn Ba)

Luật sư Phạm Hoài Nam: "Ấu dâm" là thuật ngữ mà chúng ta thường gọi tuy nhiên theo quy định của pháp luật Việt Nam thì các hành vi xâm hại tình dục trẻ em bao gồm: Hiếp dâm trẻ em theo điều 112 Bộ Luật Hình sự; Tội Cưỡng dâm trẻ em theo điều 114 Bộ Luật Hình sự; Tội Giao cấu với trẻ em theo điều 115 Bộ Luật Hình sự và Tội Dâm ô với trẻ em theo điều 116 Bộ Luật Hình sự.

Tuỳ theo tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả với nạn nhân thì người có hành vi xâm hại tình dục trẻ em sẽ bị xử lý theo các điều luật nêu trên và mức án cao nhất là tử hình đối với tội Hiếp dâm trẻ em, theo khoản 3, điều 112 Bộ Luật Hình sự.

 

 

Lên đầu trang