Cả đời nặng nợ “đưa đò”

Thứ Bảy, 09/05/2015 10:23  | 

|

(CATP) Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, thầy vẫn miệt mài làm việc, lúc rảnh rỗi lại cùng “con ngựa sắt” tìm đến Mạnh Thường Quân tìm nguồn tài trợ.

“Ông Bụt” của nhiều học sinh nghèo ham học

Nhắc đến thầy, người dân vùng Vườn Cau Đỏ, Q.12 và bao thế hệ học trò đều kính trọng, biết ơn. Thầy là Nguyễn Thanh Hải, quản lý Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) P.Thạnh Lộc, Q12.

TỪ CHỮ “TÂM” NGƯỜI THẦY...

Được sự chỉ dẫn của chị Hồ Thị Thanh Nhã - Phó chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc, Q.12 - chúng tôi tìm đến TTHTCĐ P.Thạnh Lộc sau cơn mưa chiều tầm tã. Bằng nụ cười hồn hậu, thầy Hải đang tận tình truyền đạt những kiến thức toán học chắt chiu cả đời cho đám học trò thuộc hàng con cháu.

Đã bước qua tuổi 74, thầy vẫn tận tụy làm tròn trách nhiệm người cha, người thầy và một đảng viên Cộng sản.

Hơn 30 năm gắn bó với nghề, từng là hiệu trưởng nhiều trường phổ thông trên địa bàn thành phố, cuối năm 2002 sau khi nghỉ hưu, thầy tiếp tục đặt nền móng cho phong trào học tập cộng đồng.

Tháng 12-2002, TTHTCĐ P.Thạnh Lộc ra đời dưới sự quản lý của Đoàn thanh niên phường, nhưng hoạt động còn rời rạc. Đầu năm 2003, sau lần đến thăm trung tâm, thầy quyết định gắn bó quãng đời còn lại với nơi này.

Đây vốn là một phân hiệu cũ chỉ có bốn phòng với bàn ghế đơn sơ, thầy Hải là người đã gắn bó với các em có hoàn cảnh khó khăn ngay từ những ngày đầu thành lập.

Chịu khó tìm hiểu, khảo sát nhu cầu bức thiết của người dân địa phương, thầy đã đưa ra nội dung hoạt động cho trung tâm về dạy chữ, rèn nghề, tư vấn... và cùng các ban ngành, đoàn thể, đồng nghiệp đang dạy ở các trường đứng ra tập hợp các em về phổ cập kiến thức.

Dù tuổi cao thầy Hải vẫn tận tình dạy dỗ các em

Không chỉ tham gia quản lý tại TTHTCĐ, giai đoạn 2004 - 2010, thầy Hải còn tham gia giảng dạy tại chùa Kỳ Quang, nơi nuôi dạy trẻ em khuyết tật. Tại đây, thầy cùng Đại đức Thích Quang Hạnh (nguyên trụ trì chùa) lập nên mô hình học tập, hòa nhập giữa người khuyết tật và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương.

Rồi thầy vận động Mạnh Thường Quân, các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Đoàn thanh niên... giúp máy tính, máy may, bàn ghế, sách vở... mở các lớp phổ cập giáo dục, đào tạo kỹ năng tin học, ngoại ngữ, các lớp dạy nghề (sửa điện, xe máy, điện cơ, thủ công mỹ nghệ, may...) tất cả đều miễn phí.

Để có đủ giáo viên đứng lớp, thầy huy động và được nhiều học trò, đồng nghiệp nhiệt tình hưởng ứng. Cô Nguyễn Thị Thanh Tuyền - Hiệu trưởng Trường tiểu học Quới Xuân, một trong những người gắn bó với trung tâm từ buổi đầu thành lập - cho biết: “Chính thầy Hải đã truyền lửa, giúp tôi thêm nghị lực, tình thương và trách nhiệm với các lớp phổ cập giáo dục”.

...ĐẾN MÙA “QUẢ NGỌT”

13 năm qua, dưới sự quản lý của thầy Hải, TTHTCĐ P.Thạnh Lộc đã xóa mù chữ, phổ cập giáo dục các cấp cho cả ngàn học sinh khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn, đào tạo nghề, hướng nghiệp cho hàng trăm em để có thể tự nuôi sống bản thân, không còn là gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Từ lớp học ban đầu chỉ khoảng 10 - 15 em, đến nay đã lên đến 120 em với 8 thầy cô giáo tình nguyện giảng dạy miễn phí. Trong số học sinh có nhiều em đến từ các phường khác, thậm chí ở tận Bình Dương tìm đến xin học...

Qua nhiều năm có nhiều lớp học trò của trung tâm đỗ tốt nghiệp cấp 3, thi đậu cao đẳng, đại học; nhiều em có công ăn việc làm ổn định... Trong các thế hệ học trò của thầy Hải nhiều người đã trưởng thành, trở thành giáo viên, hiệu trưởng, chủ tiệm sửa xe máy...

Anh Lê Văn Trường (quê Nam Định, người khiếm thị đang là nhân viên mát-xa tại TPHCM với thu nhập ổn định) bộc bạch: "Khi xung quanh chỉ toàn màu đen u ám, giữa lúc hụt hẫng nhất, tôi may mắn được chỉ dẫn đến cơ sở Kỳ Quang, được bạn bè, thầy cô cưu mang, đặc biệt thầy Hải đã động viên, khích lệ tôi tiếp tục học. Nay tôi đã tốt nghiệp cấp ba, có nghề nghiệp ổn định, nhờ tình yêu thương ấy. Thầy Hải là người cha thứ hai của tôi”.

Hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: cha mất sớm, mẹ làm thợ may không đủ nuôi 3 con ăn học, hai anh em Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Hữu Toàn (quê Thanh Hóa) đã tìm đến trung tâm xin học chữ từ khi vừa mới vào lớp 5.

Đến nay, hai em đã lên lớp 10. Với vai trò Bí thư chi đoàn của trung tâm, Thắng tích cực vận động các bạn tham gia nhiều công tác xã hội thiết thực, còn Toàn tranh thủ lúc rảnh rỗi ngoài giờ học ra Quốc lộ 1 dò tìm đinh do “đinh tặc” rải.

Không phụ công ơn dạy dỗ của thầy, em Nguyễn Hồ Ngọc (ngụ P.An Phú Đông) đã thi đậu vào trường Cao đẳng Marketing, sau đó quyết định quay trở về trung tâm tiếp tục cùng các thầy cô thực hiện sứ mệnh “đưa đò”.

Thầy Hải tâm sự: “Khi làm bất cứ việc gì nếu xuất phát từ trái tim, lòng yêu thương con người sẽ được ủng hộ. Đến đây, các em sẽ hiểu được những gì thầy cô trao cho, để sau này cho dù đi bất cứ đâu vẫn luôn ý thức được rằng trách nhiệm của mình là mang những kiến thức học được truyền lại cho những người không có điều kiện như mình, để trả ơn cho xã hội”.

Nguyễn Hiếu

Bình luận (0)

Lên đầu trang