Tuy nhiên, những ngày qua, dư luận xã hội có nhiều băn khoăn về những quy định trong thông tư này, đặc biệt là việc CSGT có quyền trưng dụng phương tiện giao thông, liên lạc của người dân.
Báo Công an TP Hồ Chí Minh đã phỏng vấn Thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh- Phó trưởng phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT), Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an về vấn đề này.
P.V: Xin đồng chí cho biết, theo quy định của pháp luật trong trường hợp nào thì CSGT có quyền trưng dụng phương tiện của tổ chức, cá nhân?
Thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh: Tại Khoản 15 Điều 15 Luật Công an nhân dân quy định một trong những nhiệm vụ và quyền hạn của Công an nhân dân: “Quyết định hoặc kiến nghị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi gây nguy hại hoặc đe dọa gây nguy hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, đồ vật khi có căn cứ xác định liên quan đến hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của phát luật.
Huy động, trưng dụng theo quy định của pháp luật phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng, điều khiển phương tiện đó trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc nguy cơ xảy ra”.
Khoản 18 Điều 2 Nghị định 106/2014/NĐ-CP ngày 17/11/2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an cũng quy định: “Trong trường hợp cấp thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội (TTATXH), đấu tranh phòng, chống tội phạm hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, được huy động, trưng dụng phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển sử dụng phương tiện đó; trong tình huống có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, TTATXH được huy động tiềm lực khoa học và công nghệ phục vụ công tác công an theo quy định của pháp luật.”
Thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh- Ảnh: Thanh Hòa
Căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Bộ Công an đã ban hành quyền hạn của lực lượng Cảnh sát giao thông tại Thông tư số 01/2016/TT-BCA ngày 4-1-2016 của Bộ Công an quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông.
Đây là quyền hạn chung của lực lượng Cảnh sát giao thông, khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát đều có chương trình, kế hoạch công tác đã được lãnh đạo có thẩm quyền phê duyêt; cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ đều phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Công an.
P.V: Việc lực lượng CSGT được phép trưng dụng các loại phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó theo quy định của pháp luật tại Thông tư số 01/2016/TT-BCA được hiểu cụ thể như thế nào?
Thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh: Gần đây có một số ý kiến dư luận cho rằng lực lượng Cảnh sát giao thông có thể tự ý trưng dụng các loại phương tiện giao thông; phương tiện thông tin liên lạc; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người điều khiển, sử dụng các phương tiện, thiết bị đó ở bất kỳ thời điểm nào. Việc hiểu như vậy là chưa chính xác. Việc trưng dụng phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật.
P.V: Trong thông tư số 01/2016/TT-BCA còn có nội dung, CSGT từ ngày 15-2-2016 có quyền kiểm tra giấy tờ của người ngồi trên phương tiện đang bị kiểm soát, được trưng dụng các loại phương tiện. Vậy việc kiểm tra giấy tờ của người ngồi sau phương tiện vi phạm nhằm mục đích gì, trường hợp người ngồi sau phương tiện bị kiểm tra không mang giấy tờ hoặc thiếu giấy tờ thì sẽ bị xử lý như thế nào?
Thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh: Trường hợp thông qua kiểm tra, kiểm soát người và giấy tờ của người điều khiển phương tiện, nếu phát hiện ra những dấu hiệu vi phạm (tội phạm hình sự bị truy nã, buôn bán, vận chuyển mà túy, hàng cấm…) thì CSGT có thể kiểm tra giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện đang kiểm soát. Việc kiểm soát này chỉ mục đích nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh chống các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn xã hội.
CSGT chỉ kiểm soát các giấy tờ có liên quan đến người và phương tiện, gồm: Giấy phép lái xe; Giấy đăng ký xe; Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đường bộ; Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới và Giấy tờ khác có liên quan đến người, phương tiện hoạt động vận tải. Khi kiểm soát phải đối chiếu giữa các giấy tờ với nhau, giữa giấy tờ có liên quan với thực tế người, phương tiện, hàng hóa vận chuyển trên phương tiện.
Cảnh sát giao thông được trưng dụng phương tiện theo quy định của pháp luật - Ảnh minh họa
P.V: Trong trường hợp lực lượng CSGT dừng xe nhưng không thông báo lỗi vi phạm, người dân có được đề nghị xem kế hoạch tuần tra kiểm soát (TTKS) và nguyên nhân dừng phương tiện không?
Thiếu tá Tạ Thị Hồng Minh: Theo quy định pháp luật, các trường hợp CSGT tự ý dừng xe, kiểm soát, mà không đúng thẩm quyền, thông báo rõ lý do kiểm soát… là hành vi pháp luật không cho phép. Hành vi này có thể bị khiếu nại theo luật khiếu nại hoặc có thể bị khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính hiện hành.
Khi dừng xe, CSGT phải thông báo lỗi vi phạm hoặc lý do dừng xe kiểm soát. Người dân có quyền hỏi lỗi vi phạm và chứng minh mình không vi phạm. Tuy nhiên, người dân không được quyền kiểm tra kế hoạch TTKS vì đây là tài liệu nghiệp vụ của ngành Công an, việc kiểm tra thuộc quyền của lực lượng thanh tra, kiểm tra trong lực lượng công an nhân dân. Người dân có quyền khiếu nại, khiếu kiện nếu không đồng ý với quyết định xử phạt.
Thông tư 01 mới ban hành ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm của cán bộ thực thi công vụ, đồng thời cũng tạo thuận lợi cho mọi người dân giám sát, giúp đỡ lực lượng Cảnh sát giao thông hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, theo pháp luật Việt Nam, hành vi bỏ mặc người bị tai nạn giao thông đã vi phạm điểm đ khoản 3 điều 11 của Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ.
Mức xử phạt phải nhận từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài ra, việc không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng khi có đủ các dấu hiệu thỏa mãn sẽ cấu thành tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự.
Các tổ chức, cá nhân phải có trách nhiệm giúp đỡ, cộng tác với lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ, điều đó thể hiện trách nhiệm của công dân và tính nhân văn trong đời sống xã hội.