(CAO) Đào đường để sửa chữa, lắp đặt công trình ngầm là điều không thể tránh khỏi nhưng việc tái lập mặt đường cầu thả, qua loa đang là mối hoạ mà người đi đường đang phải đối mặt hằng ngày từ những công trình này.
Điểm mặt đường... xấu
Trước đây, đường Phan Đăng Lưu đoạn từ ngã tư Phú Nhuận (Q.Phú Nhuận) hướng về giao lộ Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) mặt đường bằng phẳng, xe cộ bon bon chạy. Tuy nhiên, sau khi công trình thi công hệ thống nước rút đi thì mặt đường ở làn xe máy biến thành chỗ thấp chỗ cao. Vệt cắt mặt đường kéo dài hơn 1km gây khó khăn cho người tham gia giao thông.
Nhà thầu thi công cẩu thả khiến mặt đường Lê Ngã nham nhở - Ảnh: Tiến Mạnh
Mặt đường Nguyễn Kiệm đoạn từ ngã sáu Gò Vấp về ngã năm Nguyễn Thái Sơn (Q.Gò Vấp) cũng nhấp nhô, “gợn sóng” không kém. Nhiều đoạn, người đi đường phải tìm cách né nắp hố ga do nhô quá cao. “Đi đường mà xe cứ nảy cà tưng cà tưng thì đàn ông còn khó chịu huống chi là phụ nữ mang bầu. Đó là chưa kể nhiều đoạn mặt đường bị xẻ ngang, lõm sâu, nếu không rành đường thì người lái xe máy dễ bị lạc tay lái”, chú Trần Xuân Tâm, tài xế xe ôm cho biết.
Đường Âu Cơ, Trường Chinh, Lý Thường Kiệt, Cách Mạng Tháng Tám, Bạch Đằng, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Oanh... cũng chung số phận. Đặc điểm chung của các con đường này là mặt đường bị lõm xuống hoặc nhô lên như sống lưng trâu. Nguyên nhân chính là do nhà thầu thi công tái lập mặt đường không bằng so với mặt đường hiện hữu.
Chắp vá chằng chịt - Ảnh: Tiến Mạnh
Thực trạng này không chỉ xảy ra ở các tuyến đường lớn, xuyên tâm mà còn diễn ra ở các đường nhỏ. Sau khi “giải phẫu” đường Lê Ngã (Q.Tân Phú) để thi công hệ thống ống nước mới, nhà thầu chỉ trải một lớp nhựa mỏng. Lâu ngày, xe cộ qua lại khiến mặt đường sụp xuống. Cô Nguyễn Duy Huệ, người dân trên đường này bức xúc: “Họ trải nhựa cho có rồi rút đi. Trời mưa nước đọng thành vũng gây nguy hiểm cho người đi đường vừa khiến đường xuống cấp nhanh hơn. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên chính quyền nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”.
Tai nạn rình rập
Mặc dù được tháo dở hơn 1 năm nhưng đến nay mặt đường Kinh Dương Vương, đoạn qua trạm thu phí cũ vẫn chưa được tái lập hoàn chỉnh. Mặt đường bong tróc làm nhiều người đi đường gặp nạn khi tham gia giao thông.
Điển hình, khoảng 17 giờ ngày 7-2, người đàn ông trung niên điều khiển xe máy BS: 86K6 – 4742 lưu thông trên đường Kinh Dương Vương, hướng từ vòng xoay An Lạc về bùng binh Mũi Tàu. Do mặt đường lồi lõm nên khi đến trước nhà số 293 Kinh Dương Vương (trạm thu phí cũ, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM), chiếc xe máy loạng choạng rồi té ngã xuống đường. Người đàn ông bị trượt dài một đoạn hơn 20m, trọng thương và được người dân chuyển vào bệnh viện cấp cứu. Chú Trần Kim S., tài xế xe ôm khu vực này bức xúc: “Đường xấu mà đèn đường hoạt động thất thường nên khu này hay xảy ra tai nạn lắm. Xe máy nào chạy nhanh là vấp ổ gà té dập đầu”.
Đến nay mặt đường Kinh Dương Vương chưa được tái lập hoàn chỉnh, luôn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Trong ảnh là hiện trường vụ tai nạn ngày 7-2-2015 - Ảnh: Tiến Mạnh
Tương tự, đường Kinh Dương Vương đoạn qua giao lộ Đỗ Năng Tế (trước cổng bến xe Miền Tây) mặt đường chắp vá nham nhở vừa mất mỹ quan đô thị vừa không an toàn cho người đi đường. Ghi nhận, mặt đường tại khu vực này bị băm thành rãnh chằng chịt hoặc nhô cao hơn 20cm trông giống như gò đất ngoài đồng.
“Xe cộ đông đúc, đường hẹp và xấu nên ngày nào cũng có đụng xe hết. Không biết sau này có nâng đường hay không nhưng mà họ làm nắp hố ga nhô cao quá gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân”, cô Tính chủ quán nước giải khát lo ngại. Qua quan sát, chúng tôi ghi nhận có hàng trăm lượt xe buýt đi vào làn xe hai bánh để vào trạm đón, trả khách mỗi ngày nên tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thiết nghĩ, các Khu quản lý giao thông đô thị cần sớm rà soát, có biện pháp xử phạt, chấn chỉnh để không gây bức xúc cho người dân và nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Tiến Mạnh