Con số này cho thấy nhiều người đang có suy nghĩ sẽ giấu bằng lái, chấp nhận bị phạt lỗi không có bằng lái và giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, thậm chí nhiều người còn dùng chiêu dán biển số (BS) xe để tránh bị phạt nguội. Đây là suy nghĩ sai lầm và có thể bị phạt nặng hơn.
Từ chiêu dán biển số...
Chiều 01/02/2025, trong quá trình tuần tra kiểm soát, Trạm CSGT Đồng Phú (Bình Phước) phát hiện 3 trường hợp điều khiển xe máy (XM) có hành vi che, dán BS nhằm mục đích tránh bị xử phạt trong lúc tham gia giao thông (GT).
Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện tài xế (TX) Dương Tiến B. (25 tuổi, quê Đồng Tháp) điều khiển XM 66F1-9855 lưu thông trên Quốc lộ 14 có hành vi sử dụng khẩu trang y tế dán lên BS xe; TX Dương Chung H. (22 tuổi, ở Bình Phước) điều khiển XM 62N1-7265 sử dụng băng keo đen dán lên BS và TX Nguyễn Tuấn P. (20 tuổi, ở Đắk Lắk) điều khiển XM 47F1-495.27 dùng băng keo, giấy che BS khi lưu thông trên quốc lộ này. Cả ba TX đã bị CSGT lập biên bản xử phạt với mức 5 triệu đồng/trường hợp đồng thời trừ 6/12 điểm giấy phép lái xe (GPLX) trong 1 năm.
Trước đó, cuối tháng 01 vừa qua, Phòng CSGT - Công an TP. Hà Nội đã lập biên bản, xử phạt TX ôtô dùng băng dính che BS xe. Việc xử phạt này xuất phát từ thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc ôtô Hyundai Accent với BS bị dán băng dính, cộng đồng mạng đã lên án gay gắt hành vi vi phạm của TX.
![](http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2025-2-9/6a.jpg)
Nghị định 168 đã thể hiện tính hiệu quả, giúp nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông
Nắm được nội dung trên, Đội CSGT đường bộ số 4 đã xác định được người điều khiển phương tiện và mời làm việc. Tài xế thừa nhận dùng băng dính che số 8 trên biển kiểm soát và sửa chữ F thành chữ E để tránh bị phạt nguội khi tham gia GT. Đội CSGT đường bộ số 4 đã lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) với anh T.Q.T về hành vi dán, che lấp chữ, số trên biển kiểm soát, tạm giữ GPLX để xử lý.
... Đến chiêu không có bằng lái
Mới đây, Phòng CSGT - Công an TPHCM cho biết, từ ngày 25/01 đến 02/02, tức trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trên địa bàn thành phố xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, làm 4 người tử vong và 8 người bị thương. So với cùng kỳ giảm 10 vụ (-43%), giảm 7 trường hợp tử vong (-64%), giảm 4 người bị thương (-33%).
Đây là kết quả thể hiện sự nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của lực lượng CSGT TPHCM nói riêng và Công an TPHCM nói chung. Qua đó cho thấy hiệu quả rõ rệt của Nghị định 168.
Có một con số đáng chú ý là trong 9 ngày nghỉ Tết này, lực lượng CSGT TPHCM đã lập biên bản xử lý 4.804 trường hợp vi phạm, trong đó có đến 226 trường hợp điều khiển xe không có bằng lái liên quan đến các lỗi vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy...
Còn theo thống kê của Phòng CSGT - Công an Hà Nội, từ ngày 01/01 đến 04/02 CSGT toàn thành phố đã xử lý 19.892 trường hợp vi phạm, tước 756 GPLX, trừ điểm bằng lái 2.239 trường hợp. Trong đó, 4.997 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 1.441 trường hợp vi phạm tốc độ, 2.786 trường hợp dừng đỗ sai quy định; đáng chú ý, 1.309 trường hợp không có GPLX.
Khi thông tin này được công bố, nhiều người đặt vấn đề rằng các trường hợp trên thực sự không có bằng lái xe hay có mà không xuất trình để tránh bị trừ điểm hoặc tước bằng lái có thời hạn. Mặc dù vậy, có bạn đọc cũng bày tỏ quan điểm nếu trong trường hợp đã sử dụng rượu, bia mà lái xe và bị CSGT phát hiện, lập biên bản thì sẽ cho biết không có bằng lái xe. Về trường hợp này, người vi phạm sẵn sàng chịu phạt lỗi không có bằng lái xe hoặc nộp phạt thay chủ phương tiện vì lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển, tuy nhiên sẽ không tốn thời gian thi lại bằng lái nếu bị trừ điểm và bị trừ hết điểm buộc phải thi lại.
Sẽ bị phạt nặng hơn
Theo CSGT, hiện đang có nhiều trường hợp xuất hiện suy nghĩ khi vi phạm GT sẽ không xuất trình GPLX để tránh bị trừ điểm hoặc tước bằng lái. Đây là cách nghĩ sai lầm, bởi theo CSGT, khi TX vi phạm mà không xuất trình được bằng lái xe, CSGT sẽ lập biên bản VPHC lỗi điều khiển phương tiện không có bằng lái. Ngoài ra, chủ xe còn bị xử lý thêm lỗi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển.
Cụ thể, Nghị định 168/2024 quy định đối với người điều khiển XM có dung tích xi-lanh đến 125cm3 hoặc có công suất động cơ điện đến 11kW và các loại xe tương tự mà không có bằng lái sẽ bị phạt tiền từ 2 triệu - 4 triệu đồng. Dung tích xi-lanh 125cm3 trở lên hoặc có công suất động cơ điện trên 11kW, XM ba bánh sẽ bị phạt tiền từ 6 triệu - 8 triệu đồng.
Còn đối với người điều khiển ôtô và các loại xe tương tự, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ không có GPLX sẽ bị phạt tiền từ 18 triệu - 20 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người giao XM cho người không đủ điều kiện điều khiển cũng bị phạt từ 8 - 10 triệu đồng với cá nhân và 16 - 20 triệu đồng với tổ chức; còn người giao ôtô cho người không đủ điều kiện điều khiển sẽ bị phạt 28-30 triệu đồng với cá nhân và 56-60 triệu đồng với tổ chức.
Ngoài ra, dữ liệu về bằng lái xe đã được tích hợp vào cơ sở dữ liệu nên lực lượng CSGT sẽ dễ dàng tra cứu xem người vi phạm GT có bằng lái hay không.
Cảnh sát giao thông cũng khuyến cáo, trong trường hợp người vi phạm quên mang bằng lái xe dạng thẻ cứng có thể xuất trình cho CSGT kiểm tra thông qua ứng dụng VNeID. Việc cố tình khai báo gian dối sẽ nhanh chóng được xác minh và xử lý nghiêm.
Riêng việc dán BS xe để tránh bị phạt nguội, theo Nghị định 168/2024 hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị phạt tiền từ 20-26 triệu đồng và trừ 6 điểm trên GPLX.
Như vậy, có thể thấy các hành vi này đều bị phạt nặng hơn.
CSGT sẽ xác minh, xử phạt
Theo Phòng CSGT - Công an TPHCM, trong trường hợp phát hiện vi phạm khác, người vi phạm không có bằng lái xe thì ngoài hành vi vi phạm bị xử phạt đó, CSGT sẽ lập biên bản VPHC đối với người vi phạm về hành vi điều khiển xe không có bằng lái; đồng thời chủ phương tiện hoặc đối tượng để áp dụng xử phạt như chủ phương tiện sẽ bị xử phạt về hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 điều 56 của Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia GT.
Riêng trường hợp người vi phạm (ví dụ như về nồng độ cồn) có bằng lái xe nhưng không xuất trình vì sợ trừ điểm hoặc bị tước bằng lái có thời hạn thì tại thời điểm kiểm tra người vi phạm không xuất trình được bằng lái, CSGT sẽ lập biên bản VPHC về hành vi không có bằng lái. Ngoài ra, CSGT sẽ sử dụng các biện pháp nghiệp vụ tiến hành xác minh người vi phạm có bằng lái xe hay không. Nếu quá thời hạn được ghi trong biên bản mà CSGT xác minh, phát hiện người vi phạm có bằng lái thì sẽ xử phạt hành vi không có bằng lái và người này sẽ bị trừ điểm bằng lái hoặc tước quyền sử dụng bằng lái xe có thời hạn kể từ thời điểm người vi phạm xuất trình cho người có thẩm quyền tạm giữ. Trường hợp nếu trong thời hạn hẹn được ghi trong biên bản mà CSGT xác minh, phát hiện người vi phạm có bằng lái nhưng không xuất trình thì người vi phạm vẫn bị áp dụng trừ điểm bằng lái xe hoặc tước quyền sử dụng bằng lái với hành vi vi phạm liên quan.
Phòng CSGT cũng cho biết, trường hợp người vi phạm quên bằng lái xe, không xuất trình được bằng lái xe vật lý, bằng lái xe được tích hợp trên tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) thì CSGT sẽ lập biên bản VPHC về hành vi không có bằng lái xe. Trường hợp này, trong thời hạn hẹn được ghi trong biên bản VPHC, nếu người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải xuất trình được bằng lái xe hoặc thông tin bằng lái xe được tích hợp trong TKĐDĐT theo quy định thì xử phạt hành vi không mang theo bằng lái.
Còn trong thời hạn hẹn được ghi trong biên bản mà người vi phạm (trừ trường hợp người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải) xuất trình được bằng lái hoặc thông tin bằng lái được tích hợp trong TKĐDĐT theo quy định thì không ra quyết định xử phạt đối với hành vi không có bằng lái xe, không mang theo bằng lái xe.
Các mức xử phạt không mang bằng lái
Theo Nghị định 168, người điều khiển xe máy và các loại xe tương tự kinh doanh vận tải không mang theo giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.
Đối với người điều khiển ôtô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự ôtô kinh doanh vận tải thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.