Hơn 10 năm cấm xe 3-4 bánh tự chế: Vì sao vẫn chưa hiệu quả?

Thứ Hai, 24/02/2020 22:12

|

(CATP) Ðể đảm bảo an toàn, từ năm 2008 TPHCM đã cấm xe 3- 4 bánh tự chế lưu thông, thế nhưng đến nay việc thực hiện vẫn chưa hiệu quả. Theo cơ quan chức năng, hiện thành phố có hơn 30.000 phương tiện này hoạt động, đe dọa trực tiếp đến trật tự an toàn giao thông, góp phần dẫn đến tình trạng kẹt xe phức tạp trên địa bàn.

BẤT CHẤP LÊNH CẤM

Ngày 17-2, tại khu vực Q5, Q6 - nơi có những khu chợ quy mô và các phố buôn bán tập trung thông ra với tuyến Võ Văn Kiệt, hoạt động của xe 3 - 4 bánh diễn ra tràn lan. Những người điều khiển loại phương tiện này cho hay, họ chở hàng ra bến xe, đến đại lý và người tiêu dùng... theo thỏa thuận với các chủ hàng.

Ðể tránh chốt chặn của cơ quan chức năng, tầm 4 giờ chiều là thời điểm hoạt động nhộn nhịp của loại phương tiện này; sau khi "ăn hàng", hầu hết đổ ra đường Võ Văn Kiệt rồi chạy về hướng Bình Tân, Bình Chánh như mắc cửi. Phần lớn các xe đều chở hàng cồng kềnh, chất cao che hết cả tầm nhìn, chiếm luôn làn đường xe máy. "Biết là vi phạm luật, nhưng quen như thế rồi nên chúng tôi cũng thấy bình thường" - một tài xế cho biết.

Sự xuất hiện của loại phương tiện bị cấm trên đường khiến người lưu thông bất an

Ở trung tâm thành phố cũng có sự hiện diện của những phương tiện này, đặc biệt là vào giờ nghỉ trưa và chiều tối, khi không có lực lượng chức năng kiểm soát. Cụ thể như các đường: Ðiện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám... đều là tuyến huyết mạch, giao thông ùn ứ hàng ngày, nhưng thường xuyên có xe 3 - 4 bánh tự chế chở đủ các loại hàng ngang nhiên qua lại.

Có nhiều tuyến đường loại phương tiện này còn tập trung thành bãi, đợi khách gọi điện đến chở thuê, như Lý Thường Kiệt (đoạn thuộc Q. Tân Bình), Thành Thái, Ngô Gia Tự (Q10), Nguyễn Chí Thanh (Q5), Hoàng Sa (Q1)... Những xe này ngoài việc đi giao hàng còn dùng chở xà bần, rác thải và thường lưu thông qua các tuyến trung tâm có mật độ phương tiện dày đặc, chẳng những gây bất an cho người tham gia giao thông mà còn làm mất mỹ quan đô thị.

Xe tự chế chở hàng cồng kềnh, chằng buộc không cẩn thận trên đường

Anh Nguyễn Thanh Bình (quê Ðồng Nai) chạy xe ba gác máy ngay góc ngã ba Hoàng Sa - Nguyễn Ðình Chiểu (Q1), chia sẻ, sống bằng nghề chở thuê gần 7 năm nay, trước khi đến đây, anh làm cho vựa vật liệu xây dựng trên đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh). Gom góp được vài triệu đồng, anh mua lại chiếc xe ba gác máy cũ do vựa thanh lý vì lệnh cấm, ra đây nhận chở thuê. Giờ mỗi ngày anh cũng kiếm được vài ba trăm ngàn để lo cho gia đình.

"Xe không có đăng ký lại cũ nát, chạy nhiều lúc cũng nguy hiểm cho cả bản thân lẫn người đi đường, nhưng mua chiếc mới hợp lệ giờ cũng mất vài chục triệu đồng, lấy đâu ra? Biết là vi phạm nên khi chạy phải luôn tìm cách né cảnh sát giao thông, nhưng nói thật nếu bị tịch thu thì cũng đành chịu...", anh chia sẻ. 

Người lưu thông bất an với các phương tiện bị cấm trên đường

Khu ngoại thành thì tần suất hoạt động của những chiếc xe 3 - 4 bánh tự chế càng dày đặc hơn. Ở khu vực Thủ Ðức, Hóc Môn, Q12, loại phương tiện này chủ yếu dùng chở hàng từ các chợ đầu mối đi phân phối ở những khu chợ nhỏ, cửa hàng, đại lý trong thành phố.

Vào mỗi sáng sớm, những phương tiện này thường khệnh khạng lấn tuyến và lao rất nhanh trên xa lộ Hà Nội, đường Xuyên Á, Quốc lộ 13... Còn phía Q9, Q2, Q7 là sự rầm rộ của hoạt động vận chuyển vật liệu xây dựng, trên các tuyến đường hầu như lúc nào cũng có xe 3 - 4 bánh không đủ điều kiện lưu thông, chở cát đá, sắt thép cồng kềnh, dễ gây nguy hiểm cho người đi đường. Ở Q8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè thì tràn lan đủ loại xe tự chế chở rau củ quả ngang nhiên chiếm đường "họp chợ".

Ghi nhận của chúng tôi vào chiều 20- 2, tại ngã tư Phạm Hùng - Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh, giáp với Q8) có đến hàng chục xe 3 - 4 bánh tự chế đậu dày đặc chờ người mua. Người dân sống tại đây cho biết, tình trạng kẹt xe thường xuyên xảy ra, nhưng đáng lo hơn là mỗi khi lực lượng chức năng xuất hiện, các chủ phương tiện lại tháo chạy tán loạn, dễ gây tai nạn.

Dù biết vi phạm nhưng nhiều người vẫn sử dụng xe tự chế làm phương tiện mưu sinh

LOAY HOAY TÌM GIẢI PHÁP

Nghị quyết 32 ngày 29-6-2007 của Chính phủ nêu rõ việc đình chỉ lưu hành đối với nhiều loại phương tiện, trong đó có xe 3 - 4 bánh tự chế, bắt đầu từ năm 2008. Cùng với đó, Thủ tướng cũng ban hành quyết định hỗ trợ cho các chủ xe thuộc diện bị cấm, để họ có điều kiện thay thế phương tiện hoặc chuyển đổi việc làm.

Thực hiện lệnh cấm, từ đó đến nay TPHCM đã thu hồi, tiêu hủy gần 29.000 xe 3 - 4 bánh tự chế, đồng thời chi 160 tỷ đồng hỗ trợ những người thuộc diện bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện thành phố vẫn có khoảng 30.000 xe 3 - 4 bánh tự chế hoạt động. Ðây thực sự là bài toán khó đối với giao thông thành phố vốn đang hết sức phức tạp.

Chính vì thế, mới đây UBNDTP tiếp tục chỉ đạo các quận huyện khẩn trương rà soát, thống kê số lượng, tình trạng sử dụng và thông tin liên quan đến người sử dụng phương tiện 3 - 4 bánh tự chế đang hoạt động trên địa bàn, nhằm có hướng xử lý triệt để.

Xe 3 - 4 bánh tự chế đang hiện diện nhiều nơi, bất chấp lệnh cấm

Trong khi đó, lý giải về việc tồn tại dai dẳng của xe 3 - 4 bánh trên địa bàn, nhiều quận huyện cho rằng có 2 nguyên nhân chính mà hiện nay rất khó giải quyết: một, đây là phương tiện kiếm sống của người nghèo từ khắp nơi đổ về; hai, do chi phí vận chuyển của loại xe này rẻ trong lúc nhu cầu ở thành phố rất lớn, nên có người thuê thì ắt có người chạy. Lãnh đạo một quận ngoại thành chia sẻ, nhiều lần quận đã triển khai phương án theo chỉ đạo của UBNDTP, nhưng rồi vì mưu sinh, nhiều người vẫn lén lút mua xe tự chế sử dụng.

Xe 3 - 4 bánh tự chế đang hiện diện nhiều nơi, bất chấp lệnh cấm

"Việc chuyển đổi nghề cho những người này gặp không ít khó khăn. Nhiều lần chúng tôi lên danh sách hỗ trợ tiền cho họ theo chỉ đạo của thành phố, có người đến giao nộp phương tiện cho địa phương, nhưng một thời gian sau lại tiếp tục lắp ráp xe tự chế hành nghề trở lại" - vị này nói.

Ông cho biết, năm 2019 quận của ông đã xử phạt, tịch thu hơn 500 xe. Sau những đợt ra quân thì tình trạng giảm hẳn, nhưng được một thời gian đã tăng trở lại. "Tôi thấy tăng cường xử phạt là hiệu quả nhất; còn giải pháp thống kê, xem xét hỗ trợ để thay đổi thì chỉ được một phần, vì trên thực tế chủ của những phương tiện này hầu hết từ các nơi khác đến địa phương chở hàng, buôn bán, chính quyền sở tại rất khó quản lý" - ông nêu ý kiến.

Dù biết vi phạm nhưng nhiều người vẫn sử dụng xe tự chế làm phương tiện mưu sinh

Trên thực tế, việc tịch thu khi phát hiện xe 3 - 4 bánh tự chế hoạt động vẫn đang được lực lượng chức năng thực hiện quyết liệt, tuy nhiên nhìn chung vẫn còn nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ, đặc biệt là tâm lý khi phải đụng đến kế sinh nhai của người nghèo và điều kiện đáp ứng để có thể tiến hành triệt để.

Thành phố đã nhiều lần quyết tâm "xóa" xe 3 - 4 bánh tự chế hoạt động trên địa bàn, nhưng xem ra chưa đạt hiệu quả và vì thế, đó vẫn là vấn đề nan giải trong thời gian tới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang