(CAO) Tái hiện thời chiến với những hy sinh của thế hệ cha ông trên vùng đất Củ Chi, sân khấu thực cảnh “Đất thép” vừa chính thức ra mắt. Đây là công trình nghệ thuật chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-2024).
Chương trình được sự hỗ trợ của Bộ tư lệnh TP.HCM và Khu Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, UBND huyện Củ Chi, TP.HCM phối hợp với sân khấu Lê Quý Dương sáng tạo, dàn dựng.
“Đất thép” sẽ được biểu diễn phục vụ khán giả trong nước và du khách quốc tế định kỳ vào các tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần tại sân khấu Nhà truyền thống huyện Củ Chi. Chương trình có phụ đề tiếng Anh phục vụ khán giả quốc tế, với thời lượng 90 phút từ 19:00 đến 20:30, bao gồm hoạt động tham quan nhà truyền thống và trải nghiệm sân khấu biểu diễn.
Đây cũng là công trình nghệ thuật đặc biệt của UBND huyện Củ Chi nhằm thiết thực chào mừng 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (1944-2024); 50 ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975 – 2025) và các ngày lễ lớn.
Show thực cảnh được tác giả kịch bản – đạo diễn dàn dựng lấy cảm xúc từ cuộc đời có thật của Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Rành (1900 – 1979) - người đã sinh ra, lớn lên và chiến đấu cả một cuộc đời qua suốt hai cuộc kháng chiến trên vùng đất Củ Chi anh hùng.
Tác giả kịch bản – đạo diễn dàn dựng Lê Quý Dương
Chương trình có phụ đề tiếng Anh phục vụ khán giả quốc tế
Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Rành có 10 người con, 8 trai, 2 gái, 1 cháu nội và 1 cháu ngoại. Cả 8 người con trai và 2 cháu nội, ngoại của bà đều đã hy sinh anh dũng trên chiến trường Củ Chi trong hai cuộc kháng chiến. Bản thân bà là Chủ tịch Hội Mẹ chiến sĩ, trực tiếp tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Kịch bản khắc họa những con người Củ Chi đã hy sinh tất cả hạnh phúc riêng vì sự nghiệp chung của cả dân tộc. Tấm gương cao cả của những người anh hùng như Nguyễn Thị Nê, Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi, Phạm Văn Cội, Tô Văn Đực, các nam nữ thanh niên du kích và cả những chiến sĩ bộ đội Cụ Hồ từ miền Bắc vào tham gia chiến đấu trên chiến trường Củ Chi đã được dàn dựng một cách giản dị, mộc mạc.
Từ một phòng trưng bày hiện vật của Nhà truyền thống huyện Củ Chi, đạo diễn tạo nên một thiết kế sân khấu hữu dụng. Toàn bộ mặt sàn sân khấu được nâng cao 80cm tạo nên một hệ thống địa đạo ngầm bên dưới. Các không gian địa đạo chiến với từng khoang hầm được dựng đứng tạo cho khán giả cảm nhận được toàn bộ những câu chuyện diễn ra trong lòng địa đạo từ mặt cắt.
Đặc biệt, toàn bộ nhân sự nghệ sĩ, diễn viên và kỹ thuật viên tham gia chương trình Đất thép đều đang sống và làm việc tại Củ Chi. Tác giả kịch bản – đạo diễn dàn dựng Lê Quý Dương đã casting hơn 100 người để tuyển chọn diễn viên.
Để Củ Chi không bị động vì phải phụ thuộc vào nhân sự từ nơi khác tới, đạo diễn cho biết anh chỉ tuyển chọn diễn viên và kỹ thuật viên đang sinh sống tại Củ Chi để huyện hoàn toàn chủ động khi vận hành và khai thác chương trình sau này.