Thành phố Hồ Chí Minh - điểm hẹn giao lưu văn hóa Đông Tây
Từ sau năm 1975, cùng với sự phát triển của thành phố, những khu đô thị mới dần hình thành, kéo theo đó là sự thay đổi trong văn hóa sinh hoạt của người dân. Những khu dân cư sầm uất như Nguyễn Trãi, Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ... từng bước trở thành những tuyến phố thương mại sôi động, nơi tập trung không chỉ hoạt động mua bán, kinh doanh mà còn là những không gian giao lưu văn hóa thường nhật của cư dân đô thị. Hình ảnh những chiếc xe bán hủ tiếu gõ, những quán cà phê bệt ven đường hay những tiệm tạp hóa góc phố không chỉ phản ánh sự tiện lợi trong sinh hoạt mà còn mang đậm nét văn hóa sống động của thành phố này.

Liên hoan âm nhạc Quốc tế TPHCM "Hò dô”
Bước vào giai đoạn Đổi mới từ năm 1986 và đặc biệt khi Việt Nam gia nhập ASEAN, ký kết các hiệp định thương mại quốc tế, TPHCM nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa năng động nhất cả nước. Không chỉ đóng vai trò đầu tàu phát triển kinh tế, thành phố còn là nơi giao thoa, tiếp biến văn hóa mạnh mẽ nhất, nơi văn hóa bản địa gặp gỡ các dòng chảy văn hóa khu vực và thế giới. Trong hành trình hội nhập ấy, văn hóa thành phố không chỉ tiếp thu tinh hoa bên ngoài mà còn tự khẳng định bản sắc riêng, vững vàng bản lĩnh văn hóa Việt giữa làn sóng toàn cầu hóa.
Từ cuối thập niên 80, đầu thập niên 90, làn sóng đầu tư nước ngoài kéo theo sự du nhập của văn hóa phương Tây, Nhật Bản, Hàn Quốc... vào đời sống đô thị. Hàng loạt không gian văn hóa mới được hình thành để đáp ứng nhu cầu giao lưu, giải trí của người dân và cộng đồng quốc tế sinh sống, làm việc tại thành phố. Những con phố như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn... dần mang dáng dấp khu thương mại - văn hóa sầm uất với nhà hàng Nhật, tiệm cà phê Hàn, quán ăn Thái đan xen bên những tiệm phở, quán cơm thuần Việt.
Đặc biệt, sự hình thành và phát triển của phố Tây Bùi Viện là minh chứng rõ nét nhất cho không gian giao lưu văn hóa Đông - Tây đặc trưng của thành phố. Ban đầu chỉ là khu lưu trú giá rẻ dành cho khách Tây ba lô, dần dần Bùi Viện trở thành một "sân khấu mở", nơi các nghệ sĩ đường phố biểu diễn nhạc cụ dân tộc xen lẫn rock, hip-hop, nơi tiếng Việt vang lên bên cạnh tiếng Anh, Nhật, Hàn. Người dân thành phố khi bước vào Bùi Viện cũng có cơ hội trực tiếp trải nghiệm ẩm thực, âm nhạc, phong cách sống của bạn bè quốc tế, hình thành lối sống đô thị cởi mở, phóng khoáng.

Du khách tham quan, tìm hiểu văn hóa Việt tại Q1, TPHCM
Không chỉ dừng lại ở phố Tây, nhiều sự kiện văn hóa quốc tế được tổ chức thường xuyên, biến thành phố thành điểm hẹn văn hóa khu vực. Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan Ẩm thực Đất phương Nam, Liên hoan Phim Quốc tế, Festival Nghệ thuật Đường phố hay Tuần lễ Văn hóa Pháp, Nhật Bản trở thành những "đặc sản" văn hóa, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Trong dòng chảy hội nhập ấy, thành phố vừa là nơi tiếp nhận văn hóa mới, vừa là nơi quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.
Tiếp thu tinh hoa và khẳng định bản lĩnh văn hóa Việt
Quá trình hội nhập giúp TPHCM tiếp cận với các dòng chảy nghệ thuật hiện đại, từ âm nhạc, điện ảnh, sân khấu đến mỹ thuật. Sự du nhập này không diễn ra một chiều mà được người dân thành phố tiếp thu có chọn lọc, biến hóa linh hoạt để phù hợp với đời sống văn hóa bản địa.
Điện ảnh thành phố sau đổi mới nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng làm phim thương mại của Hàn Quốc, Hollywood nhưng vẫn giữ được nét duyên dáng riêng, phản ánh rõ hơi thở cuộc sống đô thị Việt Nam. Những bộ phim như Áo lụa Hà Đông, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, hay Ròm không chỉ gặt hái thành công về doanh thu mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, vươn tầm các giải thưởng quốc tế
Âm nhạc thành phố cũng chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ. Từ dòng nhạc trẻ, nhạc pop đầu thập niên 90 đến các trào lưu hip-hop, rap, EDM hiện đại đều được nghệ sĩ Sài Gòn đón nhận và sáng tạo thành sắc thái riêng. Đặc biệt, sự trở lại mạnh mẽ của nhạc dân tộc đương đại, các ban nhạc indie kết hợp đàn tranh, đàn bầu với rock, jazz... đã tạo nên bức tranh âm nhạc vừa hiện đại vừa đậm hồn cốt dân tộc.
Trên sân khấu kịch nghệ, sân khấu TPHCM vừa giữ gìn cải lương Nam Bộ truyền thống, vừa không ngừng đổi mới với kịch nói hiện đại, sân khấu thể nghiệm, kịch tương tác. Những cái tên như Nhà hát Trần Hữu Trang, Sân khấu Thế Giới Trẻ, Sân khấu kịch Hồng Vân, sân khấu 5B... trở thành những "điểm hẹn văn hóa" quen thuộc của khán giả. Chính sự cân bằng giữa bảo tồn và sáng tạo, giữa tiếp thu văn hóa mới và khẳng định bản lĩnh văn hóa Việt đã giúp nghệ thuật sân khấu thành phố đứng vững trong dòng chảy hội nhập.

Hoạt động chiếu phim ngoài trời tại Công viên bờ sông Sài Gòn, trong khuôn khổ LHP quốc tế TPHCM lần thứ 1 năm 2024
Hội nhập và phát triển kinh tế kéo theo sự hình thành của những không gian văn hóa sáng tạo, nơi người trẻ thỏa sức bộc lộ cá tính và sáng tạo nghệ thuật. Đường sách Nguyễn Văn Bình không chỉ là nơi bán sách, mà còn là không gian giao lưu giữa các tác giả trong nước và quốc tế, nơi văn hóa đọc được tiếp thêm sức sống mới.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ trở thành sàn diễn nghệ thuật đường phố sôi động, nơi những nhóm nhảy hip-hop, các ban nhạc indie, các họa sĩ trẻ tự do sáng tạo, biểu diễn. Chính những không gian này giúp văn hóa thành phố liên tục đổi mới, trẻ trung nhưng không hời hợt, phản ánh đầy đủ tâm tư, nguyện vọng, lối sống của giới trẻ đô thị trong thời đại hội nhập.
Chính sự cởi mở, sáng tạo và bản lĩnh văn hóa Việt là yếu tố giúp thành phố không hòa tan trong dòng chảy toàn cầu hóa, mà còn định hình được vị thế riêng - một đô thị văn hóa hiện đại, năng động, nghĩa tình giữa lòng Đông Nam Á.
Giai đoạn 2010 trở lại đây, cùng với xu hướng hiện đại hóa, các không gian sinh hoạt văn hóa công cộng cũng dần được nâng cấp cả về quy mô lẫn hình thức. Những công viên văn hóa như Tao Đàn, Lê Thị Riêng... không chỉ là nơi vui chơi, thư giãn mà còn được lồng ghép nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng, từ biểu diễn nghệ thuật đường phố, trưng bày sách, hội chợ ẩm thực cho tới các chương trình văn nghệ mang đậm bản sắc Nam Bộ.
Điểm nhấn đáng chú ý trong văn hóa đô thị TPHCM 50 năm qua chính là tính cởi mở, dung hòa và sẵn sàng đón nhận mọi dòng chảy văn hóa mới. Người dân thành phố không ngại làm quen, tiếp thu những xu hướng sinh hoạt mới, từ văn hóa cà phê bệt, cà phê sân thượng, văn hóa book cafe cho tới xu hướng đi bộ phố đi bộ Nguyễn Huệ, Tôn Đức Thắng để thưởng thức nghệ thuật đường phố. Chính sự cởi mở ấy đã giúp thành phố không ngừng làm mới mình, thích ứng nhanh với mọi biến động và duy trì sức sống mãnh liệt của một đô thị văn hóa trẻ trung, hiện đại.
Dù hội nhập và hiện đại hóa, nhưng văn hóa đô thị TPHCM chưa bao giờ đánh mất những giá trị cốt lõi đã làm nên bản sắc riêng. Đó là tính cộng đồng cao, là tinh thần phóng khoáng, nghĩa tình, là sự dung dị trong sinh hoạt đời thường nhưng vẫn đầy tinh tế. Chính sự giao thoa nhuần nhuyễn giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại đã tạo nên một bản sắc văn hóa đô thị vừa đa dạng vừa thống nhất, đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng và phát triển thành phố 50 năm qua.
Những năm qua, TPHCM khẳng định vai trò là một trung tâm văn hóa lớn của khu vực Đông Nam Á với việc tổ chức hàng loạt các sự kiện văn hóa quốc tế, thu hút sự chú ý của du khách và các chuyên gia trên thế giới. Những sự kiện như Lễ hội âm nhạc quốc tế, Liên hoan phim quốc tế TPHCM, Triển lãm nghệ thuật đương đại, hay các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống từ nhiều quốc gia được tổ chức định kỳ, tạo ra không khí sôi động và hấp dẫn cho thành phố.
Trong đó, Liên hoan âm nhạc Quốc tế TPHCM "Hò dô” - Ho Chi Minh City International Music Festival 2024 HOZO - quy tụ hơn 250 nghệ sĩ trong nước và quốc tế trong lần tổ chức năm 2024. Các nhóm nhạc quốc tế nổi tiếng như Psychic Fever (Nhật Bản), Nfamady (Wales), The Big Day (Scotland), Greta (Đan Mạch), và A Train (Hàn Quốc) đã góp mặt, mang đến những giai điệu độc đáo, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại. Qua 4 lần tổ chức, Liên hoan âm nhạc Quốc tế "Hò dô” đã trở thành hoạt động nghệ thuật tiêu biểu, dần xây dựng nên thương hiệu đặc sắc của TPHCM. Sự kiện trở thành tâm điểm giao lưu văn hóa quốc tế, nơi các nghệ sĩ tài năng trên khắp năm châu hội tụ trong không gian đô thị sôi động của TPHCM, từ đó chung tay tạo nên một bản hòa ca độc đáo gửi gắm thông điệp mạnh mẽ về sự gắn kết, hòa bình, về một "Thế giới chung nhịp đập - One world, one beat".
(CATP) Ngay sau ngày đất nước thống nhất, TPHCM đối diện muôn vàn khó khăn: kinh tế kiệt quệ, cơ sở hạ tầng xuống cấp, đời sống văn hóa còn đơn sơ. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh ấy, văn hóa Sài Gòn - Gia Định trước 1975 và văn hóa cách mạng sau 1975 đã hòa quyện, tạo nên những dòng chảy đầu tiên cho văn hóa TPHCM. Các thiết chế văn hóa được từng bước xây dựng, từ những nhà văn hóa cấp quận, huyện, cho đến các câu lạc bộ văn nghệ quần chúng tại phường, xã.
DUY LUÂN - QUANG VINH - HOÀI GIANG - ĐAN QUỲNH