Volkswagen Beetle - Mẫu xe duyên dáng mọi thời đại

Chủ Nhật, 24/05/2015 07:32  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Sáng nay 24-5, tại quán cafe trên đường Cách Mạng Tháng 8, Quận 3, nhóm yêu xe Volkswagen hay còn gọi là xe "con bọ" đã có cuộc họp mặt trao đổi kinh nghiệm thú vị.

Volkswagen trong tiếng Đức có nghĩa là “Xe của dân”. Hãng xe do đích thân Adolf Hitler đặt tên cho tập đoàn xe hơi lớn nhất châu Âu. Với hãng xe này, Hitler tham vọng sẽ sản xuất một chiếc xe phổ thông như chiếc xe Ford Model T của Mỹ.

Chiếc Beete xe “con bọ” được ra đời từ ý tưởng về một dòng xe nhỏ 4 chỗ, giá rẻ dưới 1.000 mark (khoảng 250USD) và tiết kiệm cho người dân Đức của nhà độc tài Adolf Hitler, nhằm tìm sự ủng hộ của người dân vào thời điểm bấy giờ.

Các thành viên trong hội xe cổ "tham khảo" các chi tiết trên một chiếc "con bọ" - Ảnh chụp sáng ngày 24-5 

Ngày 17-7-1946, chiếc Volkswagen Beete xe "con bọ" lần đầu tiên được đưa tới đại lý Gottfried Schultz, Essen (Đức). Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc, đây là mẫu xe dân dụng được bán cho người dân nước này, tức 13 năm sau lời hứa Adolf Hitler mới thành sự thật.

Hai chiếc con bọ cổ đọ dáng - Ảnh chụp sáng ngày 24-5

Đến năm 2003, Beetle không hề được thiết kế lại và chiếc xe cuối cùng xuất xưởng tại Mexico mang số thứ tự 21.529.464. Đây là con số khủng khiếp mà không một mẫu xe nào trên thế giới có thể chạm tới được, nhất là chỉ với một kiểu thiết kế trong suốt 65 năm.

Cứ ngỡ chiếc xe “con bọ” đã quá già cỗi đối với một thành phố trẻ và năng động như TP.HCM. Nhưng hoàn toàn ngược lại, đối với mỗi thành viên, chiếc xe mang trong mình những hoài niệm riêng về một Sài Gòn hoa lệ.

Dàn xe bọ cổ - Ảnh chụp sáng ngày 24-5

Với kiểu dáng thiết kế đặc biệt, chiếc xe khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh một cô gái nhỏ nhắn với những đường cong quyến rũ. Tuy nhiên, những chiếc xe “con bọ” ngày nay, đa phần đều đã qua đại tu, phục chế, chỉ còn vài chiếc là giữ được nguyên bản và được đánh giá đúng với tiêu chí xe cổ (xe sản xuất từ 1948-1958).

Kiểu dáng chiếc xe này vẫn không thay đổi suốt 65 năm - Ảnh chụp sáng ngày 24-5

Nhưng với người đam mê dòng xe này, dù là “bọ mới” hay “bọ cổ”, “bọ zin” hoặc “bọ lai” thì họ vẫn mong muốn sở hữu được một chiếc và thiết kế chiếc xe theo sở thích cá nhân.

Ông Phạm Mạnh Hùng – Trưởng nhóm xe "con bọ" Volkswagen TPHCM cho biết: “Nhóm chơi xe cổ có gần 60 thành viên tham gia. Chiếc xe được ưa chuộng bởi kiểu dáng của nó phù hợp cho tất cả mọi người, thêm là có giá mềm, máy móc nếu được phục hồi có thể sử dụng tốt. Dù đi làm, đi dạo, đi du lịch chiếc xe đều có thể đáp ứng được."

Một thành viên trong nhóm xe cổ đang chỉ các chi tiết được mua từ nước ngoài - Ảnh chụp sáng ngày 24-5

Chi phí bảo dưỡng của xe Volkswagen không mấy đáng kể, chỉ trừ khi đại tu toàn bộ xe thì mới tốn tiền. Do động cơ khó kiếm đồ thay thế nên nhiều lúc tiền sửa còn cao gấp mấy lần một chiếc xe được mua lại đang còn chạy tốt.

Chẳng hạn, trong dòng xe này, đời 1100 thì rất khan hiếm nên mức giá cao. Giá thấp nhất để sở hữu được một chiếc con bọ còn tạm được khoảng 70 triệu đồng. Trong nhóm có nhiều anh em phục chế toàn bộ chiếc xe của mình, sưu tầm đồ zin theo xe nên chi phí của chiếc xe lên đến 300 – 400 triệu đồng là bình thường. Tùy tính cách của anh em, có người mua xe làm sẵn, có người mua xe nát về làm lại theo ý thích.

Nội thất bên trong một chiếc "con bọ" cổ - Ảnh chụp sáng ngày 24-5

"Điểm nhận dạng đời xe có thể nhìn từ bóng đèn chính, đèn xi nhan, cảng trước xe. Những chiếc xe đời mới thì kính trước bo cong còn đời xưa thì kính thẳng. Đối với xe “con bọ” động cơ, điện sửa chữa rất đơn giản, không phức tạp.

Chủ yếu là kiểm tra xăng và lửa của xe, hí hoáy một chút là xe có thể nổ lại ngay, không có trường hợp phải nằm đường. Có lần đoàn đi Campuchia có chiếc xe bị hư máy phải hạ máy xuống giữa đường, tháo 1 pittong, 1 tay dên ra. Chỉ để lại 3 máy hoạt động nhưng xe vẫn nổ và chạy bình thường”, ông Hùng kể với PV báo CATP.

Bình luận (0)

Lên đầu trang