Xe ôm “sờ-mát-phôn”

Thứ Hai, 18/05/2015 08:53  | An Hòa

|

(CATP) Từ những dòng quảng cáo về loại hình xe ôm giá rẻ (grabbike - chạy trên hệ điều hành thông minh của điện thoại) xuất hiện lần đầu tiên tại TP.Hồ Chí Minh, người viết đã nhập nghề lái xe ôm “không thể rời xa” chiếc điện thoại thông minh.

Gia nhập

Để tham gia vào tổ chức này cần tuân theo những quy định nghiêm ngặt của nhà tuyển dụng, trong đó không thể thiếu cà vẹt xe máy, bảo hiểm xe máy, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, bằng lái và giấy xác nhận nhân thân của công an phường nơi cư trú.

Hai giờ chiều một ngày đầu tháng 5, tôi có mặt tại bãi giữ xe siêu thị Big C (giao lộ Tô Hiến Thành - Sư Vạn Hạnh, Q10) để leo lên tầng ba là nơi tuyển dụng của Công ty Grabbike. Lúc này đã có nhiều người nghe các nữ nhân viên “thao giảng” về cách trở thành tài xế của công ty.

 
Phần mềm hiển thị từ đường Đinh Tiên Hoàng (Q1) về đường Bạch Đằng (Q.Tân Bình) chỉ có 15 nghìn đồng - Ảnh: Báo CATP

Các bác tài phải có điện thoại smartphone, đăng ký chạy khung giờ 4 hoặc 8 giờ mỗi ngày, được tặng lương 75 nghìn đồng hoặc 150 nghìn đồng/ngày. Nếu chạy 8 giờ thì được công ty hỗ trợ hai lít xăng. Công ty khuyến cáo chạy 8 giờ đạt 12 cuốc sẽ được thưởng.

Trong căn phòng chừng 15m2, các nam nhân viên thi nhau cài phần mềm trên điện thoại cho tài xế. Phần mềm này có chức năng định vị GPS, sẽ quản lý được tài xế, cung cấp số điện thoại và khu vực chờ của khách hàng, định giá tiền để tài xế lấy của khách. Bước đầu công ty cấp một tài khoản ảo 500.000 đồng cho tài xế.

Ngồi cạnh tôi đa phần là các bạn sinh viên muốn tìm việc làm thêm, vì đọc được quảng cáo rất hấp dẫn “lương tối thiểu 4,5 triệu đồng/tháng” nên tới xem thử. Một số bác xe ôm “chạy rong” ngoài đường thấy lương cao cũng muốn gia nhập, nhưng ú ớ vì việc cài đặt trên điện thoại quá mới mẻ. Họ liên tục hỏi nhân viên tiền lấy được của khách có phải nộp về công ty không, nếu không chạy nữa thì sao...?

Sau khi kiểm tra bản chính các loại giấy tờ của từng người, nhân viên công ty còn cố tình chụp lại chân dung của tài xế. Chụp hình chán chê xong, nhân viên công ty đối chiếu từng bản sao với bản chính. Nhiều người quên một trong các loại giấy tờ trên thì phải về nhà làm. Sau khi ký hợp đồng, tôi được phát một áo thun đồng phục màu xanh, 75 nghìn đồng tiền card điện thoại mà công ty hỗ trợ.

Hôm sau, tôi ra đường tìm khách thì ai cũng...ngước nhìn vì lạ đời, bởi phía sau áo có dòng chữ nổi bật “chạy xe ôm theo kiểu mới”.

Khi tài xế nhận cuốc xe thì khách hàng sẽ thấy được chân dung tài xế - Ảnh: Báo CATP

Khi được công ty cấp tài khoản, tôi vào phần blog tài xế để nhận cuốc xe ôm. Cứ vài phút, một số lộ trình của khách sẽ hiện lên kèm theo giá tiền. Chẳng hạn từ đường Nơ Trang Long (Q.Bình Thạnh) sang cảng Cát Lái (Q2) giá 38 nghìn đồng, từ đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) sang đường Cách Mạng Tháng Tám (Q. Tân Bình) là 21 nghìn đồng... Màn hình hiển thị yêu cầu của khách trong vòng 20 giây, tài xế xe ôm cần chạy sẽ nhấp vào đó, từ chối thì bấm nút bỏ qua.

Do công nghệ mới quá nên nhiều ngày tôi phải loay hoay vì không thấy hiển thị số máy của khách hàng. Nếu như có số máy này thì tôi sẽ “a-lô” khách trước khi chạy đến. Trong khi đó, màn hình thay đổi liên tục làm kẻ ngoại đạo như tôi phải ngồi... chờ thời cơ. Qua vài ngày hết bấm lại lấy tay quẹt trên màn hình, tôi gọi về tổng đài đề nghị hỗ trợ. Giọng một nữ tiếp viên hứa: “Sẽ có một bạn gọi lại cho anh ngay thôi!”.

Hóa ra, khi có thông tin của khách hàng đặt xe, trung tâm thông tin của công ty sẽ định vị tài xế nào ở gần nhất và chuyển giao thông tin. Nguyên nhân thiếu thông tin là không có vị khách nào đặt xe ở gần vị trí mà tôi đang đứng đợi. Điều đó buộc tôi và các tài xế khác phải di chuyển về hướng Q1, Q5... để tìm khách.

Cuốc xe đầu tiên

Sau những lần “bắt” khách hụt vì bỡ ngỡ với công nghệ mới, tự dưng màn hình của tôi xuất hiện số điện thoại của một khách hàng tên Khánh, hành trình từ khu chung cư 18 tầng Miếu Nổi (P3, Q.Bình Thạnh) sang đường Đặng Thị Nhu (P.Nguyễn Thái Bình, Q1), giá tiền là 14 nghìn đồng. Từ trong quán cà phê, tôi gọi cho Khánh và hẹn đón tại lối ra của chung cư nằm sát với bờ kè Trường Sa.

Tới nơi, tôi gọi lại cho Khánh và trông thấy một cô gái nhỏ nhắn, chừng 20 tuổi song ăn mặc rất bốc lửa, khiêu gợi. Khánh nhuộm tóc vàng hoe, mặc quần jean ngắn cũn cỡn. Tôi nhanh chóng đưa khách hàng nón bảo hiểm và chạy qua cầu Trần Khánh Dư để sang đường Hai Bà Trưng (Q1).

Ngày đầu làm xe ôm “hiện đại” - Ảnh: Báo CATP

Ngồi sau xe, Khánh yêu cầu tài xế: “Anh chạy theo đường Phạm Ngọc Thạch, rẽ phải tại đường Alexandre de Rhodes, ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa”. Trên đường đi, Khánh nói thường chọn dịch vụ xe ôm kiểu này vì giá rẻ, ngày nào cô cũng đi cả. Khánh tải art (biểu tượng của hãng xe ôm vào điện thoại), gửi yêu cầu và sẽ có tài xế hẹn đón. Năm phút sau, Khánh nói điểm đến của cô là một tòa nhà gần đó, rồi móc ví ra toàn tiền lẻ 1 - 2.000 đồng đưa cho tôi và bước lên tiền sảnh của tòa nhà cao tầng.

Đưa Khánh tới điểm yêu cầu, tài xế theo quy định phải bấm nút trả khách. Nhưng do điện thoại của tôi không có 3G và wifi nên không thể làm theo yêu cầu của công ty. Đồng hồ lúc này chỉ 12 giờ trưa, nắng mỗi lúc một oi nồng, tôi vội tấp vào một quán cà phê bên đường để dùng “ké” wifi của quán nhằm đón những vị khách tiếp theo.

Khi tính tiền trái dừa, “phòng hờ” khi có khách gọi bất ngờ, tôi choáng váng vì trái dừa có giá tới 40 nghìn đồng, trong khi chạy cuốc xe mệt nhoài lúc này chỉ có 14 nghìn đồng. Đúng là tiền làm ra khó, mà ăn uống thì quá tốn kém.

Vài phút sau, màn hình điện thoại hiện lên số máy của khách hàng. Điểm đón là gần quán cà phê mà tôi đang ngồi, điểm đến là đường Lâm Văn Bền (Q7). Khác với vị khách đầu tiên hay nói, vị khách lần này là một thanh niên xăm hình đầy cánh tay, khuôn mặt hung tợn. Anh ta yêu cầu tôi phải chạy nhanh tới một con hẻm bên Q7. Vài phút, điện thoại của anh ta nổi lên nhạc chuông. Anh ta hét vào máy, văng tục rồi im lặng.

Tôi tăng ga chạy như điên. Nếu chậm, anh ta lại thúc mạnh tay vào hông người lái, hay cố tình gác đôi tay rắn chắc lên cổ tài xế rồi lạnh lùng nói như quát: “Nhanh lên kẻo tao muộn giờ hẹn mất!”. Tới một con hẻm, anh ta bước xuống xe dặn tôi đợi ít phút để chở về Q1. Đồng hồ trôi qua chầm chậm, năm phút rồi nửa tiếng mà cũng không thấy bóng dáng tên giang hồ kia. Tôi chạy xe vào hẻm để tìm hắn nhưng không thấy tăm hơi. Biết bị lừa, tôi lủi thủi chạy xe ra về.

(Còn tiếp)

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang