Gặp thầy, trò chế mũ bảo hiểm nếu không đội xe không...nổ máy

Chủ Nhật, 17/12/2017 08:34  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Chiếc mũ bảo hiểm với tính năng nhắc nhở người tham gia giao thông phải đội mũ trước khi chạy xe, nếu không đội thì xe không thể nổ máy của thầy và trò trường THCS Liên Sơn, xã Liên Sơn, Hòa Bình có ý nghĩa to lớn nhằm nâng cao ý thức, văn hóa của người tham gia giao thông.

“Mũ bảo hiểm thông minh” là tên gọi của loại mũ được thầy Lê Thanh Nghị - Hiệu phó trường THCS Liên Sơn và học sinh Lương Minh Hoàng – lớp 9A triển khai làm vào tháng 9 -2016 sau khi Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Lương Sơn vận động, tổ chức cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật đối với học sinh THCS trên toàn huyện.

Nhận thấy Hoàng là cậu bé ngoan ngoãn, chăm chỉ và đam mê nghiên cứu các kỹ thuật ứng dụng, thầy Nghị đã chọn em làm “con át chủ bài” cùng xây dựng ý tưởng làm ra một sản phẩm đem đến cuộc thi do phòng GD&ĐT phát động.

Trước tình hình tai nạn giao thông xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó một phần hậu quả tai nạn chính là việc người đi xe máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm nên khi tai nạn thường để lại hệ lụy về tính mạng con người, thầy Nghị và em Hoàng đã nảy sinh ý tưởng “chế” một chiếc mũ bảo hiểm với tính năng nhắc nhở người tham gia giao thông trước khi lên xe phải đội mũ bảo hiểm để đảm bảo sức khỏe, tính mạng của bản thân và người xung quanh.

Thầy Nghị cùng em Hoàng đã miệt mài 2 tháng trời mới làm ra một sản phẩm vô cùng ý nghĩa

Cả ngày đến trường điều hành, giảng dạy, tối về, thầy Nghị lại cùng em Hoàng miệt mài vào thực hiện ý tưởng của mình. Bước đầu, hai thầy trò đi đến khắp nơi ở trong huyện tìm đủ vật liệu lắp ghép cho ý tưởng của mình, nhưng tất cả đều rời rạc.

Sau hơn một tháng thử nghiệm đủ mọi phương án, cả hai thầy trò đã đi đến thống nhất tìm các linh kiện điện tử hỏng và phần ruột, bộ điều khiển của chiếc ô tô đồ chơi của trẻ em để phục vụ cho ý tưởng của mình.

Để cho mũ bảo hiểm và chiếc mũ ăn nhịp vận hành theo nguyên lý cảm biến, chiếc mũ sẽ được lắp một bộ phận điện tử có cảm biến ở ngày rìa và một công tắc nhỏ ở trên đỉnh của mũ. Ở rìa mũ còn có một chiếc ăngten thu nhận sóng.

Đồng thời, chiếc xe máy điện cũng được lắp một bộ biến trở ở trong cốp với các linh kiện điện tử được nhặt nhạy từ đồ bỏ đi. Để chiếc xe được vận hành, buộc người lái xe phải đội mũ bảo hiểm mới khởi động được máy nổ. Khi mũ bảo hiểm được đội lên đầu, công tác nguồn sẽ khởi động, chiếc xe phát ra tín hiệu nhận “lệnh” thì xe mới nổ máy được.

Nói về nguyên lý hoạt động, Hoàng cho biết, khi đội mũ, mạch điện ở mũ sẽ phát ra tần số sóng và mạch trên xe nhận tần số sóng sẽ đóng rơle mạch điện vận hành và đóng mạch điện phát ra âm thanh tuyên truyền giao thông với nội dung: “Chúc quý khách thượng lộ bình an. Học sinh trường THCS Liên Sơn luôn chấp hành luật giao thông”.

Xe máy hoặc xe đạp điện khi dùng “mũ bảo hiểm thông minh” buộc phải đội mũ thì xe mới khởi động được

Theo chia sẻ của thầy Nghị, khó khăn lớn nhất khi vận hành là các bộ phận do có từ trường nên rất dễ bị nhiễu sóng làm cho xe và mũ không cùng một mối liên hệ với nhau. Phải qua 3 lần xử lý, tách rời các bộ phận với nhau tạo những khoảng cách hợp lý thì chiếc mũ mới hoạt động trơn tru.

Sau hơn hai tháng miệt mài làm việc, thầy Nghị và em Hoàng đã hoàn thành tác phẩm với tên gọi “mũ bảo hiểm thông minh” đem đến dự thi tại cấp huyện và tỉnh. Tác phẩm mang đi dự thi đã đạt 2 giải nhì do Phòng GD&ĐT huyện Lương Sơn và Sở Khoa học Công nghệ Hòa Bình tổ chức.

Mới đây, tác phẩm đã đạt giải nhất ở thể loại Khoa giáo trong liên hoan phim quốc gia về an toàn giao thông do Ủy ban ATGT quốc gia phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông tổ chức.

Hoàng cười hiền khô khi nói về tác phẩm phối hợp làm với thầy: “Từ nhỏ em đã đam mê nghiên cứu các kỹ thuật ứng dụng. Không biết bao lần em đã phá hỏng đồ điện tử trong nhà chỉ vì muốn được tìm tòi nguyên lý hoạt động của vật dụng.

Đỉnh mũ có một chiếc công tác nhỏ, khi đội mũ sẽ tự động lên nguồn nhận tín hiệu từ xe, giúp xe khởi động máy

Quy trình làm mũ bảo hiểm thông minh cũng không phức tạp, không tốn kém, nhưng làm sao làm để nó vận hành được đã khiến em và thầy nhiều hôm mất ngủ. Em nghĩ, để chiếc mũ đi đến thực tế và mang lại ứng dụng cao trong cuộc sống thì cần phải cải tiến nhiều sao cho đảm bảo thẩm mỹ, sự tiện dụng hơn nữa”.

Với tác phẩm “mũ bảo hiểm thông minh”, Hoàng mong muốn sẽ lan tỏa hơn nữa tới người tham gia giao thông trong việc nâng cao, ý thức khi đi trên đường để giảm thiểu hậu quả mà tai nạn giao thông gây ra cho chính bản thân và người xung quanh.

“Đây thực sự là sân chơi mà em mong muốn sẽ lan tỏa đến với nhiều bạn học sinh khác đam mê nghiên cứu kỹ thuật. Điều này giúp chúng em học đi đôi với hành, việc vận dụng kiến thức vào thực nghiệm sẽ giúp chúng em tránh được việc phải lãng phí thời gian vào các trò chơi vô bổ khác”, Hoàng chia sẻ.

Thầy Nghị cùng em Hoàng sau nhiều miệt mài cũng thành công với ý tưởng của mình

Bình luận (0)

Lên đầu trang