Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi của nền kinh tế

Thứ Bảy, 30/05/2020 21:25

|

(CAO) Hội thảo Hàng không Việt trỗi dậy và sự phục hồi của nền kinh tế được tổ chức vào chiều 30-5, tại TP.Quy Nhơn, Bình Định. Hội thảo diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đất nước vừa trải qua khó khăn từ sự tác động của đại dịch Covid-19.

Hai trong số những ngành khó khăn nhất từ sự tác động của đại dịch là hàng không và du lịch.

Tại buổi tọa đàm, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết để ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, cơ quan quản lý nhà nước đã chuẩn bị các kịch bản nhằm kích cầu du lịch và vận chuyển hàng không sau dịch.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Động thái này được cho là kịp thời khi mà đại dịch vẫn còn hoành hành trên khắp thế giới, gây tê liệt các hoạt động kinh tế và tạo ra sự đứt gãy trong vấn đề chuyển vận - lĩnh vực liên quan đến việc sống còn của hàng không và du lịch.

Trong suốt thời gian diễn ra đại dịch, các hãng hàng không của Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways không chỉ thực hiện dừng bay, giãn cách ghế ngồi hành khách, các biện pháp phòng ngừa y tế mà còn tích cực tham gia nhiệm vụ vận chuyển đồng bào từ nước ngoài về nước, vận chuyển hàng cứu trợ, trang thiết bị vật phẩm y tế... Nghĩa là các hãng bay dù khó khăn nhưng vẫn phải thực hiện nhiệm vụ kép. Điều đó vượt khỏi thông lệ kinh doanh thông thường, nó mang một ý nghĩa nhân văn.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Và nay, khi đại dịch đã được đẩy lùi thì việc phục hồi hoạt động của các hãng bay sau hơn ba tháng bị nén đã trở nên cấp thiết.

Buổi tọa đàm do Bamboo Airways chủ trì lần này với sự góp mặt của đại diện các cơ quan quản lí nhà nước, các chuyên gia như là sự hiến kế cho sự bật dậy của lĩnh vực kinh tế mũi nhọn mang tính liên ngành.

Nhân viên của Bamboo Airways tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, Tiến sĩ Trần Du Lịch đặt vấn đề về giải pháp an toàn làm nền tảng trong nỗ lực phục hồi sau dịch. Dịch vụ được lựa chọn phụ thuộc vào niềm tin của người tiêu dùng. Chuyên gia kinh tế lấy ví dụ, như tại nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn - nơi diễn ra tọa đàm, thấy khách xếp hàng đợi check-in, cho thấy người dân đã yên tâm về sự an toàn.

Mặt khác, chúng ta có một lợi thế về du lịch mà ít quốc gia nào có được. Đó là sự phân bố cảnh quan trải dài trên khắp đất nước và kèm theo đó là các sân bay địa phương luôn sẵn sàng đón, đưa du khách.

Tiến sĩ Trần Du Lịch

Tiến sĩ Trần Du Lịch đề xuất, để giúp cho sức bật của các hãng hàng không đạt tối ưu về phía các hãng bay nên sắp xếp thời gian hợp lý trong hoạt động chuyển vận, phối hợp tốt với các lĩnh vực liên quan.

Về phía quản lí nhà nước, cơ quan chức năng cần tạo cơ chế mở hợp lí để tạo môi trường thuận lợi hơn nữa nhằm giúp cho sức bật của các hãng bay được cộng lực trỗi dậy, vươn cao và bay xa, hoà vào xu thế phát triển bền vững nền kinh tế đất nước hậu covid-19.

Theo các chuyên gia, hiện hàng không nội địa đang còn rất nhiều dư địa để phát triển. Từ sự thuận lợi của địa du lịch, địa kinh tế, đến sự phân bố rộng khắp các khu du lịch nghỉ dưỡng, cùng với hệ thống hạ tầng đồng bộ phục vụ hoạt động hàng không... tất cả sẽ là đòn bẩy làm tăng sức bật của khu vực kinh tế này.

Theo thống kê của Cục hàng không Việt Nam, những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến ngành Hàng không là một trong những ngành kinh tế chịu tổn thất nặng nề nhất, với ước tính có thể lên đến con số hơn 40.000 tỷ đồng.

Ngay sau khi có quyết định khôi phục lại thị trường nội địa, các hãng hàng không đã lập tức công bố kế hoạch nối lại các đường bay trong nước theo sự điều hành của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam từ ngày 1-6.

Bình luận (0)

Lên đầu trang