Nhà xe kêu, chủ BOT cùng… than vì hàng loạt trạm thu phí BOT tăng giá

Thứ Bảy, 26/12/2015 12:26  | Xuân Hoài

|

(CAO) Theo lộ trình, ngày 1-1-2016, nhiều trạm thu phí BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao) tăng giá vé khiến nhà xe, tài xế “kêu trời”. Ngày 25-12, Bộ GTVT có công văn đề nghị một số đơn vị, doanh nghiệp BOT lùi lại ngày 1-6-2016 mới tăng giá vé nhưng xem ra sự việc cần xem xét lại…

Nhà xe “kêu trời”

Bà Trương Thúy Linh, chủ xe khách chất lượng cao Hoàng Hải chạy tuyến Đà Nẵng - Đông Hà và một số tuyến liên tỉnh, du lịch nước ngoài than thở: “Doanh nghiệp chúng tôi cũng như nhiều đơn vị khác đang lo sốt vó. Đúng ra nếu có tăng thì cũng phải theo lộ trình từ từ, ví dụ như tăng từ 10-20%, rồi sau đó tăng tiếp để cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải dễ xoay trở, ai ngờ “đùng một cái” tăng vọt đến 70-80%. Trong khi đó, nhà xe không thể lấy lý do vì TTP tăng giá vé để lấy thêm tiền của hành khách được”.

Còn ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc công ty Hoàng Hải Tùng (Đà Nẵng) cho biết: “Việc tăng giá vé đồng loạt tại các TTP BOT trên toàn quốc như thế khiến doanh nghiệp vận tải chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Với hơn 50 đầu xe du lịch, chạy trải dài hành trình Bắc - Nam khiến thiệt hại kinh tế khá lớn vì trước đó đã nộp phí đường bộ khi đăng kiểm rồi, giờ lại tăng giá vé tại các trạm thu phí BOT nữa”.

Trạm thu phí của Cty 545 tại thị xã Điện Bàn thu mức phí mới vào ngày 1-1-2016

“Biết là Bộ Tài chính ra thông tư, khó điều chỉnh nhưng nguyện vọng doanh nghiệp chúng tôi cũng như nhiều nhà xe khác là Nhà nước nên cân chắc kỹ trước khi ban hành một cơ chế, chính sách liên quan đến 'vận mệnh' doanh nghiệp, đơn vị vận tải, vì vốn chúng tôi đã phải chịu rất nhiều thuế phí”, ông Tùng kiến nghị.

Ông Võ Thành Nhân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mai Linh Miền Trung nhìn nhận: “Trong tình hình kinh doanh khó khăn, một mặt đơn vị kinh doanh hạ giá vận tải, hạ giá taxi để đáp ứng nhu cầu của khách nhưng nhiều khoản thuế phí tăng, đặc biệt là TTP BOT tăng cao ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh của doanh nghiệp”.

Chủ trạm thu phí BOT “khó xử”?

Ông Hồ Anh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV BOT 545 cho rằng, trước đây, giai đoạn 1, Cty đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ (QL) 1 khoảng 14km (từ Km933+947) với số tiền hơn gần 1.000 tỷ đồng và được đặt TTP BOT ở Hòa Phước và phía Nam hầm Hải Vân (Đà Nẵng), bắt đầu thu phí từ năm 2010, trong thời gian khoảng 23 năm.

Cty tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2, nâng cấp, mở rộng tuyến QL1 từ Km955+987 với tổng vốn đầu từ hơn 1.400 tỷ đồng (trong đó vốn vay ngân hàng khoảng 80%) và đã được phép dời TTP từ Hòa Phước (Đà Nẵng) về đặt tại Km944 (Điện Bàn, Quảng Nam). Còn TTP ở Nam hầm Hải Vân sẽ bàn giao lại cho Nhà nước ngày 1-1-2016…

Với mức thu phí mới này khiến nhà xe, tài xế gặp nhiều khó khăn

“Chúng tôi cũng dự trước tình hình các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và tài xế sẽ phản ứng trước việc thu phí giá mới này nhưng cũng mong họ chia sẻ và hiểu vì chúng tôi cũng rất 'khó xử'. Chúng tôi được Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép thu mức phí mới. Nếu như trước đây, mức thu cũ thì đối với không đủ vốn đề đầu tư, nâng cấp thêm. Do xe quá tải ngày càng nhiều nên nền và mặt đường ngày càng yếu, xuống cấp, cần vốn đầu tư. Vì thế, đầu năm 2016, Cty tiếp tục nâng cấp giai đoạn 1”, ông Sơn nói.

Ông Sơn trăn trở: “Theo tính toán, một TTP BOT trong vòng một năm thu được khoảng hơn 100 tỷ đồng. Số tiền thu được trong vòng 5 năm chưa đủ để hoàn vốn, chỉ mới đủ trả ngân hàng và các chi phí khác. Với mốc dự tính khoảng 23 năm thu phí mà Cty được phê duyệt chỉ tương đối. Nếu trong quá trình thu phí mà 'về đích' sớm hơn 23 năm thì sẽ bàn giao cho Nhà nước. Chúng tôi bỏ ra nguồn kinh phí khá lớn nhưng khi vào khai thác, thời gian đầu tập trung trả lãi và gốc cho ngân hàng, về sau Cty mới thu hồi vốn. Chúng tôi đầu tư vào đây cũng mạo hiểm chứ không như nhiều người nghĩ đầu tư BOT là thu lãi lớn, nhưng chỉ lãi theo định mức”.

Sáng 26 -12, ông Thân Hóa, Chủ tịch HĐQT Cty 545 cho biết, đơn vị đã ấn định ngày thu phí từ 1-1-2016 nên vẫn cứ thu như dự kiến. Theo ông Hóa, Cty chưa nhận được văn bản chỉ đạo cụ thể của Bộ GTVT, hơn nữa, cũng tùy theo tình hình thực tế dự án để thực hiện lộ trình thu phí.

Ông Võ Minh Hoài, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh (Cty Trường Thịnh, đóng tại Quảng Bình) lí giải: Cty Trường Thịnh có hai TTP BOT ở Quảng Trị và Quảng Bình. Tại TTP BOT Đông Hà, trong giai đoạn 1 Cty đầu tư đoạn Đông Hà - Quảng Trị được cho thu phí mức 2 lần (mức thấp nhất 20.000 đồng/lượt xe). Năm 2014, Cty đầu tư tiếp đoạn Đông Hà - Gio Linh 10km trên 1.000 tỷ đồng nên được cho phép thu thêm 1,5 lần, tổng cộng 3,5 lần (bắt đầu từ 1-1-2016). Còn TTP BOT Quán Hàu (Quảng Bình) thì giai đoạn 1 Cty đầu tư đường tránh thành phố Đồng Hới được thu mức 2 lần, nay đầu tư thêm đường tránh lũ Lệ Thủy trên 30km nên được cho phép thu thêm 1,5 lần, nâng mức thu 3,5 lần.

“Biết nhà xe, tài xế gặp khó khi TTP BOT tăng giá vé nhưng Nhà nước không thể sử dụng vốn ngân sách đầu tư hết trên toàn tuyến, phải huy động BOT, trong khi đó với số tiền đầu tư lớn, nhiều doanh nghiệp không muốn 'nhảy' vào. Chúng tôi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để đường rộng, đẹp và thời gian hoàn vốn dài nên rất cần sự chia sẻ của nhà xe, tài xế”, ông Hoài nói.

Theo Thông tư của Bộ Tài chính áp dụng với những TTP BOT đóng tại thị xã Điện Bàn, Quảng Nam của Cty 545 từ 1-1-2016 với mức thu 3,5 lần: xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng 35.000 đồng/vé/lượt; xe từ 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn 50.000 đồng/vé/lượt; xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 đến dưới 10 tấn 75.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 10 đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 fit là 140.000 đồng/vé/lượt; xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 fit là 200.000 đồng/vé/lượt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang