Sở GTVT TP.HCM:

Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là điều kiện bắt buộc

Thứ Ba, 02/04/2019 14:18

|

(CAO) Sở GTVT TP.HCM cho rằng thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên các phương tiện vận chuyển hành khách và hàng hóa đã giúp cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời, giúp quản lý hành trình chạy xe hiệu quả và bảo đảm an toàn hơn cho hành khách trên mỗi chuyến xe.

Ngày 2-4, Sở GTVT TP.HCM cho biết vừa có văn bản kiến nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình. Cụ thể, kiến nghị sớm nâng cấp cải tiến phần mềm quản lý dữ liệu thiết bị giám sát hành trình.

Theo ông Trần Quang Lâm - Phó Giám đốc Sở GTVT, Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10-9-2014 của Chính phủ 'Về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô' quy định các xe ô tô kinh doanh vận tải như: Taxi, xe khách tuyến cố định, xe khách hợp đồng du lịch, xe container, xe tải chở hàng hóa… phải lắp thiết bị giám sát hành trình.

Nhiều trường hợp tài xế vi phạm bị phát hiện nhờ thiết bị giám sát hành trình

Cũng theo ông Trần Quang Lâm, việc lắp đặt thiết bị này có tác dụng nhắc nhở, chấn chỉnh kịp thời lái xe trong điều chỉnh tốc độ khi lưu thông trên đường, nhằm giúp họ tránh những vi phạm về Luật Giao thông đường bộ cũng như tai nạn đáng tiếc, bảo đảm an toàn cho mỗi hành khách.

Thế nên, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là rất cần thiết cho công tác quản lý cũng như ràng buộc trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải và tài xế trong việc tuân thủ pháp luật, góp phần ngăn chặn từ đầu tai nạn giao thông.

Còn đối với doanh nghiệp vận tải, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình giúp doanh nghiệp giám sát được toàn bộ các hoạt động của xe cộ, trong đó có các hành vi vi phạm của lái xe như: chạy ẩu, vượt đèn đỏ, bỏ bến, dừng đón khách không đúng quy định, không đóng mở cửa tại điểm dừng... để từ đó có hình thức xử lý vi phạm.

Thực tế, hiệu quả của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình là đã giảm thiểu được sai phạm của lái xe cũng như các vụ tai nạn, va chạm giao thông, đảm bảo an toàn trên mỗi chuyến xe.

Cùng quan điểm, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng từng phản đối ý kiến của bà Nguyễn Thị Thu Trang (công tác tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho rằng những điều kiện kinh doanh vận tải hiện nay đang áp đặt quá mức cần thiết, như vấn đề bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình trên tất cả các xe kinh doanh vận tải nhưng lại không quản lý nổi. Thế thì không cần phải đặt ra những điều kiện kinh doanh như vậy.

Theo ông Tạ Long Hỷ, lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách là ngành nghề có điều kiện. Vì thế, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình rất cần thiết và bắt buộc để bảo đảm quá trình giám sát, theo dõi và quản lý hành trình chuyến xe.

Về quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải, Hiệp hội Taxi TP.HCM cũng thông tin, lĩnh vực vận tải liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, thậm chí nhiều người. Thế nên, đối với vấn đề an toàn giao thông hiện nay, không thể nới lỏng các điều kiện kinh doanh vận tải mà phải siết chặt.

Theo Hiệp hội Taxi TP.HCM, thực tế, hiện các lái xe taxi chính thống phải chịu sự quản lý, sát hạch, đào tạo, huấn luyện kỹ năng, tác phong, quy trình phục vụ hành khách và đạo đức nghề nghiệp theo quy chuẩn đã được xây dựng bấy lâu nay bởi các bộ ngành có liên quan và các hiệp hội taxi, vấn đề này đã và đang trở thành nề nếp ổn định.

Thống kê từ Sở GTVT TP.HCM cho thấy có hàng trăm trường hợp vi phạm trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô năm 2018 thông qua thiết bị giám sát hành trình trên địa bàn thành phố. Cụ thể, Sở ban hành quyết định thu hồi 130 phù hiệu xe khách (xe chạy tuyến cố định, hợp đồng) vi phạm về tốc độ.

Bên cạnh đó, Sở có công văn nhắc nhở, chấn chỉnh 288 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định, hợp đồng, du lịch, xe buýt và xe hàng hóa rà soát, xử lý 1.412 phương tiện vi phạm về tốc độ qua kiểm tra trên hệ thống thiết bị giám sát hành trình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang