Bến Tre: Tòa cấp sơ thẩm đảo ngược… bản án sơ thẩm

Thứ Năm, 13/07/2023 09:09

|

(CATP) Trải qua 4 năm thụ lý, sau khi xem xét toàn diện hồ sơ, TAND H.Mỏ Cày Nam (tỉnh Bến Tre) đã đưa vụ án ra xét xử, tuyên bản án sơ thẩm năm 2017. Do bản án bị tòa phúc thẩm tuyên hủy, TAND H.Mỏ Cày Nam thụ lý lại từ giữa năm 2017 rồi "ngâm" hơn 5 năm mới mở phiên tòa với phán quyết khiến bị đơn… kêu trời.

Từ tòa gọi tên bị đơn…

Có mặt tại tòa soạn Chuyên đề CATP, ông Trần Văn Đời (SN 1967) và vợ là bà Trần Thị Trông (SN 1965, ngụ xã Ngãi Đăng, H. Mỏ Cày Nam), trình bày: Đang yên ổn làm ăn, bất ngờ ông Đời nhận được văn bản của TAND H. Mỏ Cày Nam, xác định ông là bị đơn trong vụ tranh chấp "thừa kế" được tòa thụ lý ngày 22/4/2013. Tài sản yêu cầu chia là phần đất do ông sử dụng ổn định suốt hơn ¼ thế kỷ, được UBND H.Mỏ Cày cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) từ năm 1997.

Nguyên đơn vụ án là 4 anh chị của ông Đời, gồm các ông, bà: Trần Thị Rỉ Trần Thành Mến, Trần Thị Tư, và Trần Thị Nga. Cả 4 người này và ông Đời là con của cụ Trần Văn Rẩy (mất năm 1975) và cụ Phan Thị Án. Vợ chồng cụ Rẩy còn có con trai đầu tên Trần Văn Mến, mất năm 1968. Ông này có con gái Trần Thị Phương là nguyên đơn thứ năm trong vụ kiện.

Theo đơn khởi kiện, khi còn sống, vợ chồng cụ Rẩy tạo lập được 12.730m2 đất, trong đó có 2 thửa số 1218 và thửa 1541 đo đạc thực tế 8.998,5m2, tọa lạc ấp Bình Sơn, xã Ngãi Đăng. Do cha mẹ mất không để lại di chúc nên nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế 2 thửa đất trên. Trên thửa 1218 có căn nhà của ông Mến. Ông Mến cho rằng, ông được cụ Án cho một phần thửa đất 1218, cất nhà ở năm 1990. Ông đồng ý nhập phần đất ông đang ở (đo đạc thực tế 1.299,5m2) để chia thừa kế cho 6 người toàn bộ diện tích 8.998,5m2. Cụ thể: 5 nguyên đơn mỗi người nhận 1.499m2; còn lại 1.503,5m2 giao ông Đời.

Ông Đời nêu ý kiến: Cha mẹ ông tạo lập được 25.700m2 đất, gồm 11.000m2 đất vườn và 14.730m2 đất ruộng. Khi cha mất, cụ Án đã chia đất cho các con, ai cũng có phần; riêng ông được 12.730m2. Sở dĩ mẹ cho nhiều vì ông là con trai út, sống chung với cụ Án từ nhỏ, quản lý canh tác phần đất này nuôi mẹ và thờ cúng ông bà. Ông đã đăng ký kê khai phần đất mẹ cho từ năm 1989, được cấp GCNQSDĐ ngày 29/8/1997 gồm các thửa 1218, 1541, 721 và 495. Từ khi đăng ký kê khai đến khi được cấp GCNQSDĐ, không ai có tranh chấp hay khiếu nại. Gia đình sử dụng đất ổn định liên tục suốt mấy chục năm, ông nhiều lần mang khu đất thế chấp vay tiền ngân hàng để làm ăn...

Vợ chồng ông Đời trình bày vụ việc với phóng viên

Năm 2003, thấy hoàn cảnh ông Mến khó khăn, ông Đời cho mượn một phần đất vườn thuộc thửa 1218 để ông Mến cất nhà ở tạm. Hai bên giao kết, khi con ông Đời trưởng thành, ông Mến sẽ trả lại đất nhưng đến nay chưa trả. Do đó, ông Đời có yêu cầu phản tố, buộc ông Mến trả lại phần đất cho mượn, đo thực tế 1.299,5m2. Do GCNQSDĐ được cấp cho "hộ Trần Văn Đời" gồm 5 nhân khẩu, trong đó có cụ Án. Khi cụ Án mất năm 2006, có 1/5 phần đất tranh chấp 8.998,5m2 là di sản của cụ (1.799,7m2) được chia đều cho các đồng thừa kế, mỗi người được 299,5m2.

… Đến một thập niên "đáo tụng đình"

Sau 4 năm thụ lý, thu thập, nghiên cứu toàn diện hồ sơ, TAND H.Mỏ Cày Nam đã mở phiên tòa ngày 13 và 14/3/2017 với HĐXX do thẩm phán Huỳnh Minh Trí ngồi ghế chủ tọa, tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hộ ông Đời được trọn quyền sử dụng phần đất 1.799,7m2. Bị đơn phải hoàn lại cho 5 đồng thừa kế của cụ Án giá trị QSDĐ, mỗi người nhận một kỷ phần 299,5m2.

Theo HĐXX, do diện tích đất ít nên giao cho hộ ông Đời tiếp tục quản lý sử dụng và có nghĩa vụ hoàn trả giá trị cho các đồng thừa kế theo kết quả định giá, mỗi người 44,99 triệu đồng. HĐXX buộc ông Mến di dời nhà, trả lại cho hộ ông Đời phần đất cho mượn 1.299,5m2 (có 661,54m2 đất huyện lộ giao thông). Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 09/5/2017, TAND tỉnh Bến Tre tuyên hủy án sơ thẩm nêu trên.

Thụ lý lại vụ án ngày 26/6/2017 nhưng đến ngày 15/9/2022 (hơn 5 năm 2 tháng), TAND H.Mỏ Cày Nam mới mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 với HĐXX do thẩm phán Nguyễn Thị Hồng Diễm làm chủ tọa, tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu của các nguyên đơn. Cụ thể: Ông Mến được hưởng thừa kế của cụ Rẩy và cụ Án phần đất 1.144,2m2. Bà Tư được hưởng 1.386,7m2; trên đất có 140m2 chuồng trại xây mới và 130,2m2 chuồng trại xây cũ của vợ chồng ông Đời. Bà Rỉ được hưởng 1.774,4m2 cùng cây trồng trên đất. Bà Nga được hưởng 1.482,9m2 cùng cây trồng trên đất. Bà Phương được 1.405,8m2 cùng cây trồng trên đất.

Một góc phần đất do hộ ông Đời sử sụng hơn 30 năm bị buộc chia thừa kế

HĐXX buộc ông Đời, bà Trông có nghĩa vụ giao trả đất và phải trả lại cho ông Mến 208,37 triệu đồng; trả bà Tư 87,12 triệu; trả bà Nga 9,87 triệu. Ông Đời còn phải nộp hơn 35,2 triệu đồng án phí. Đồng thời, kiến nghị thu hồi GCNQSDĐ do UBND H. Mỏ Cày (nay là UBND H.Mỏ Cày Nam) cấp ngày 29/8/1997. Quá trình thi hành án, đường ranh chung của các thửa đất được chia nếu trúng vào cây trồng, vật kiến trúc thì đốn bỏ, tháo dỡ, di dời hoặc đập bỏ không phải bồi thường...

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 06/3/2023, TAND tỉnh Bến Tre với HĐXX gồm 3 thẩm phán: Lê Minh Đạt (chủ tọa), Nguyễn Hữu Lương và Nguyễn Thế Hồng y án sơ thẩm lần 2.

Có căn cứ để giám đốc thẩm

Ông Đời nói trong nước mắt: "Bản án sơ thẩm lần 2 đảo ngược hoàn toàn án sơ thẩm lần 1, gây nỗi oan thấu trời! Bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt của tôi và gia đình đã đổ trên mảnh đất này suốt hơn 30 năm, phút chốc mất trắng. Hệ thống chuồng trại chăn nuôi được đầu tư rất tốn kém phải "bứng đi" để giao đất cho các nguyên đơn. Đã vậy, vợ chồng tôi còn bị buộc trả ngược lại cho các anh chị hơn 300 triệu đồng, nộp án phí hơn 35,2 triệu... Trông chờ "đèn trời soi xét", nhưng bản án phúc thẩm khiến vợ chồng chỉ còn biết gào thét kêu trời! Bản án này đã đẩy gia đình tôi vào đường cùng!".

Luật sư Nguyễn Anh Tài (Đoàn luật sư tỉnh Tiền Giang) và nhóm luật sư trợ giúp pháp lý cho bị đơn, chỉ ra các căn cứ để giám đốc thẩm vụ án. Những căn cứ này đã được nêu rõ trong bản án sơ thẩm lần 1.

Thứ nhất, cụ Rẩy và cụ Án đã tạo lập 25.700m2 đất. Phần di sản của cụ Rẩy để lại sau khi mất do cụ Án thừa hưởng và cụ đã phân cho các con. Cụ thể, cho bà Rỉ 4 công (4.000m2), ông Mến hơn 3 công; bà Tư 1 công; bà Nga 1 công (cho ông Mến mượn đang canh tác đến nay); bà Phương 20 triệu đồng tương đương 1 công. Các phần đất được cụ Án cho, ai nấy đều tự đi đăng ký kê khai để được cấp GCNQSDĐ và không ai tranh chấp.

Thứ hai, phần đất còn lại 12.730m2, ông Đời là con út ở chung hộ với cụ Án đã đăng ký kê khai đo đạc năm 1989 theo chủ trương, được cấp GCNQSDĐ năm 1997, cho "hộ ông Đời" (gồm cụ Án, vợ chồng ông Đời và hai con). Cụ Án mất năm 2006, ông Đời là người trực tiếp quản lý phần di sản này.

Về quy trình cấp GCNQSDĐ: Quá trình đăng ký kê khai, sau đó thông qua Hội đồng xét duyệt đăng ký đất và công khai danh sách niêm yết được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Trong danh sách đăng ký kê khai cũng có hộ bà Tư. Do đó, khi còn sống, cụ Án đã định đoạt phần tài sản (12.730m2) cho hộ ông Đời là có cơ sở. Chính Chủ tịch UBND H.Mỏ Cày Nam Võ Văn Út khẳng định bằng văn bản số 2103/UBND-NC ngày 24/8/2022, gửi tòa sơ thẩm: "GCNQSDĐ cho hộ ông Đời ngày 29/8/1997 là phù hợp với quy định của pháp luật".

Thứ ba, quy trình cấp GCNQSDĐ thửa 1218 cho hộ ông Đời là đúng quy định pháp luật. Ông Mến cho rằng phần đất này được mẹ cho và cất nhà tại đây vào năm 1990 nhưng không có tài liệu chứng minh. Ông cũng không có đăng ký kê khai từ đó cho đến nay. Do đó, HĐXX có cơ sở để chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn đòi lại diện tích đất cho mượn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang