Bình Thuận:

Trắng tay sau khi hiến đất, đổi đất xây nhà công vụ

Thứ Sáu, 02/06/2023 17:27  | Trung Hiếu

|

(CATP) Đồng ý hiến đất, đổi đất để xây nhà ở công vụ, bà Cao Thị Tuyết (SN 1963, ngụ xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận) không nghĩ có ngày bản thân lại phải tất tả ngược xuôi đi đòi lại phần đất đã được hoán đổi. Sự tin tưởng ban đầu đối với chính quyền địa phương, sau tất cả, chỉ còn là sự vô vọng...

Hoán đổi vì việc chung

Gởi đơn khiếu nại đến Chuyên đề Công an TPHCM, bà Cao Thị Tuyết bức xúc tường trình lại vụ việc. Năm 1986, bà Tuyết (nữ y tá) tình nguyện từ vùng xuôi lên vùng cao để công tác tại Bệnh xá khu vực Đông Giang (xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc). Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số K'ho sinh sống.

Trong thời gian sống và làm việc tại đây, bà Tuyết có phát dọn và khai hoang 1 thửa đất với diện tích khoảng 5.000m2 (cạnh khu đất của bệnh xá Đông Giang cũ). Hàng năm, bà đều canh tác trên mảnh đất này, như trồng ngô, đậu và một số loại cây ăn quả khác...

Đến năm 2003, huyện Hàm Thuận Bắc có kế hoạch xây dựng nhà ở công vụ cho cán bộ y tế, giáo viên về sinh sống và làm việc tại địa phương. Lúc này, lãnh đạo xã Đông Giang gặp bà Tuyết trao đổi và đề nghị bà hoán đổi 1.000m2 đất cho xã để làm nhà ở cho giáo viên và nhân viên y tế. Đổi lại, địa phương sẽ cấp cho bà một lô đất khác. Vì nhu cầu chung của cả tập thể, bà Tuyết đã đồng ý.

Vào thời điểm đó, UBND xã Đông Giang có lập 1 biên bản viết tay về thỏa thuận trên, đưa cho bà Tuyết ký và thu về lưu tại xã. Theo bà Tuyết, cũng trong năm 2003, bà đã yêu cầu Phòng địa chính huyện cử người đo đạc phần đất xây dựng nhà tập thể, đồng thời đo cả phần đất hoán đổi là thửa đất tại xóm 8 (thôn 2, xã Đông Giang), có chiều rộng mặt đường 15m, chiều dài 35m, tổng diện tích 525m2; vị trí tứ cận cũng được xác định cụ thể.

Ngày 22/11/2005, UBND xã lập biên bản về "Định vị mặt bằng xây dựng nhà công vụ giáo viên". Bà Tuyết đã giao cho địa phương 1.000m2 để xây dựng khu nhà ở cho giáo viên và cán bộ y tế, có chứng thực. Gần 4 năm sau, bà Tuyết làm đơn xin phép xây dựng nhà ở trên diện tích đất hoán đổi và được UBND xã đồng ý. Tuy nhiên, do thời điểm này con gái vào đại học, cần nhiều chi phí nên bà đã tạm gác việc xây nhà để lo cho con ăn học.

Ngày 11/11/2013, UBND xã Đông Giang đã làm thủ tục về việc "Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất" và làm đơn đề nghị cấp GCNQSDĐ cho thửa đất hoán đổi cho bà Tuyết diện tích 400m2, có xác nhận của Chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã.

Theo bà Tuyết, phần đất được hoán đổi cho bà hiện đang được 1 doanh nghiệp sử dụng làm cửa hàng vật liệu xây dựng

Bất ngờ bị chiếm đất

Những tưởng mọi việc đã xong, tháng 4/2018, bà Tuyết đến UBND xã Đông Giang gặp cán bộ địa chính để hỏi về giấy CNQSDĐ thửa đất trên thì được biết vẫn chưa được cấp. Vì muốn tiếp tục xin cấp giấy CNQSDĐ nên bà Tuyết đã tiến hành đổ đất cho bằng phẳng để thuận tiện cho việc đo đạc nhưng đã bị UBND xã Đông Giang cho lực lượng xuống ngăn chặn và cho biết, phần đất này thuộc dự án làm chợ.

Tháng 12/2020, UBND xã lấy thửa đất hoán đổi của bà Tuyết cho một doanh nghiệp địa phương thuê. Nhưng sau đó, biết thửa đất đang trục trặc nên doanh nghiệp này đã dừng xây dựng hoạt động. Ngày 10/8/2021, bà Tuyết đã khiếu nại sự việc lên UBND xã Đông Giang. Tại một cuộc đối thoại sau đó, UBND xã Đông Giang không đồng ý giao đất mà lãnh đạo tiền nhiệm đã xác nhận. Bất chấp những lý lẽ, hồ sơ chứng từ có liên quan của người trong cuộc, hơn 1 tháng sau, UBND xã ban hành Quyết định số 137/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại, nêu rõ: "Không chấp nhận nội dung khiếu nại của bà Tuyết, vì không có cơ sở pháp lý”. Đồng thời, UBND xã cử lực lượng tháo dỡ toàn bộ hàng rào của thửa đất được hoán đổi này. Quá ấm ức, bà Tuyết tiếp tục làm đơn khiếu nại gởi UBND huyện Hàm Thuận Bắc và UBND xã Đông Giang. Ngày 05/11/2021, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Bắc ban hành Quyết định số 13/QĐ-PTN&MT về việc thành lập Tổ xác minh nội dung khiếu nại của bà Tuyết.

Tiếp xúc với bà Tuyết, chúng tôi mới thấu hiểu hết sự oan ức trong vụ việc này. Bà kể trong nước mắt: "sau nhiều lần lập biên bản làm việc về nội dung khiếu nại, nhưng Đoàn xác minh của huyện vẫn chưa có kết luận. Đến ngày 17/3/2022, Đoàn tiếp tục tổ chức cuộc đối thoại. Lúc này, họ yêu cầu tôi rút đơn. Tôi chỉ nghĩ đơn giản phía chính quyền địa phương cần có thời gian để xem xét lại và đưa ra kết luận xác đáng nên đã tạm thời đồng ý rút đơn kiện. Không ngờ, UBND xã Đông Giang và huyện Hàm Thuận Bắc đã lấy đó làm cơ sở để không giải quyết khiếu kiện, khiếu nại kể từ đó trở về sau. Điều này có nghĩa là phía chính quyền địa phương đã "lấy trắng" thửa đất đã được hoán đổi trước đó”.

Không còn cách nào khác, bà Tuyết đã làm đơn khiếu nại gửi UBND tỉnh Bình Thuận. Nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ. Trong khi đó, hiện thửa đất được hoán đổi cho bà Tuyết đã được một doanh nghiệp mở cửa hàng bán vật liệu xây dựng (!?).

Sự thật cần phải được làm rõ

Từ khi bà Tuyết làm tờ đơn với vài dòng ngắn ngủi, nội dung xin rút đơn khiếu nại đã gởi đến UBND huyện Hàm Thuận Bắc để xem xét giải quyết, thì chính quyền địa phương đã xem đó là một "bằng chứng" để tuyên bố vụ việc khiếu nại đã thật sự chấm dứt. Và bà Tuyết cũng không còn lý do gì để đâm đơn khiếu nại về phần thửa đất được hoán đổi này nữa.

Trước đó, UBND xã Đông Giang đã từng ban hành quyết định bác bỏ nội dung khiếu nại yêu cầu sử dụng phần đất được hoán đổi của bà Tuyết vào tháng 9/2021, trong đó ghi rõ: "việc UBND xã Đông Giang lấy 1.000m2 của bà Tuyết vào năm 2005 để xây dựng nhà ở tập thể giáo viên và cán bộ y tế là có thật, còn việc hoán đổi đất quy hoạch cho bà là hoàn thoàn không có và không có giấy tờ chứng minh".

Bà Tuyết cho biết, đây là sự phủ nhận sạch trơn và không còn chút tình người; vì khi lãnh đạo UBND xã Đông Giang xuống trao đổi về việc hoán đổi đất, giữa đôi bên cũng đã có ký một biên bản thỏa thuận. Lúc đó, bà hoàn toàn tin tưởng vào lãnh đạo xã nên không yêu cầu được giữ hoặc photo tờ giấy đó. Để đến giờ, phía huyện, xã khẳng định: không có giấy tờ gì để chứng minh...

Là một y tá, bà Tuyết sống và làm việc từ thời bao cấp với bộn bề khó khăn. Cả một quá trình lao động với bao vất vả mới có được phần đất cho riêng mình. Vì việc chung nên dẫu biết có thiệt thòi, bà vẫn không ngần ngại hiến - hoán đổi đất. Nhưng điều cay đắng nhất cho đến giờ là bà không có gì trong tay, mà còn phải tất tả ngược xuôi đi kiện đòi lại phần đất "vốn dĩ đã thuộc về mình".

Được biết, bà Tuyết sinh ra và lớn trong trong gia đình truyền thống cách mạng, ông nội, bố và anh trai đều là liệt sĩ, mẹ của bà Tuyết là "bà mẹ Việt Nam Anh hùng". Với những gì bà Tuyết đã tình nguyện làm việc cũng như hiến đất (thông qua việc đổi đất), liệu bà có xứng đáng nhận được sự thờ ơ và phủi bỏ toàn bộ trách nhiệm của chính quyền địa phương hay không? Câu hỏi này rất mong UBND tỉnh Bình Thuận và các cơ quan hữu trách sớm vào cuộc, làm rõ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang