Kon Tum: Vì sao người dân rời bỏ khu tái định cư?

Thứ Tư, 25/10/2023 08:41  | Chí Dũng

|

(CATP) Người dân khi được vận động về khu tái định cư cũng mong muốn có cuộc sống ổn định, ấm no hơn. Tuy nhiên thực tế, nhiều dự án khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang bộc lộ nhiều bất cập, khiến người dân chẳng mặn mà với nơi ở mới.

Dân tái định cư bán đất trái phép

Dự án quy hoạch bố trí dân cư tại xã Đăk Hring (nay là xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) triển khai trong giai đoạn 2009 - 2015, bố trí ổn định cho 300 hộ (1.500 nhân khẩu) thiếu đất sản xuất do ngập lòng hồ thủy điện Plei Krông. Tổng diện tích quy hoạch dự án là 690 héc-ta, với mức đầu tư là 149 tỷ đồng.

Sau hơn chục năm triển khai dự án, khu tái định cư Đăk Hring vẫn vắng bóng người dân và đang bộc lộ nhiều bất cập. Rất ít người dân nhường đất cho thủy điện Plei Krông chọn lên đây định cư. Đến nay, chỉ có 126 hộ đến khu tái định cư, so với mục tiêu bố trí cho 300 hộ của dự án. Trong số này chỉ có 84 hộ ở cố định tại khu tái định cư, 42 hộ còn lại chỉ lên đây chăm sóc cây cà phê được cấp rồi về lại làng cũ ở.

Anh A Điêu, Thôn phó thôn Pa Cheng, xã Đăk Long cho biết: "Gia đình mình nhường đất cho thủy điện Plei Krông nên thuộc diện phải di dời. Khi lên đây tái định cư, gia đình 3 người được hỗ trợ 390 cây cà phê, một ít tiền xây nhà. Trước khi di dời, phía chính quyền địa phương hứa cấp đất sản xuất, nhưng mình lên đây được gần 10 năm rồi mà chưa cấp. Do không có đất sản xuất nên nhiều người vẫn chưa vào khu tái định cư ở".

Cũng theo anh Điêu, thời gian qua xuất hiện tình trạng mua bán đất trong khu tái định cư. Các hộ được cấp đất tại khu tái định cư nhưng không lên ở đã bán lại cho người khác. Các hộ chỉ thỏa thuận mua bán bằng giấy viết tay nên giá rất rẻ. Theo quy định, trong vòng 10 năm đầu, đất ở khu tái định cư này không được sang nhượng. Sự việc đã được thông báo lên cấp trên để có biện pháp ngăn chặn việc mua bán đất trái phép ở khu tái định cư.

Mới đây, trong báo cáo của UBND tỉnh Kon Tum cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế tại Dự án quy hoạch bố trí dân cư Đăk Hring. Cụ thể, số hộ di dân lên khu tái định cư chưa đạt so với mục tiêu dự án đề ra. Bên cạnh đó, quỹ đất sản xuất tại khu tái định cư không bảo đảm. Cụ thể, theo mục tiêu dự án được duyệt, các hộ thuộc đối tượng tái định cư di dời lên nơi ở mới và được nhận 20.000m2/hộ để canh tác sản xuất, tuy nhiên đến nay, bình quân 1 hộ mới nhận được hơn 6.705m2 đất sản xuất.

Điểm tái định cư Măng Rao, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei chỉ có 1 hộ đến ở

Dân đến ở khu tái định cư rồi bỏ đi

Tương tự, dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đăk Glei với diện tích 60 héc-ta, tổng mức đầu tư hơn 145 tỷ đồng cũng đang bị dân "chê”.

Mục tiêu dự án sẽ xây dựng 9 điểm tái định cư và ổn định tại chỗ cho 2 điểm, với 662 hộ (2.148 nhân khẩu) trên địa bàn huyện. Trong giai đoạn từ năm 2010 - 2020, huyện đã đầu tư xây dựng hoàn thành cơ bản đầy đủ và đồng bộ các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu để phục vụ đời sống, sản xuất tại các khu tái định cư. Tuy nhiên, đến nay người dân về khu tái định cư không được như kỳ vọng.

Cụ thể, trong giai đoạn 1 của dự án (từ năm 2010 - 2018) chỉ có 196 hộ/248 hộ đến ở. Trong số các hộ đến ở khu tái định cư, 53 hộ đã quay về làng cũ. Giai đoạn 2 (từ năm 2018 - 2020) mục tiêu bố trí cho 273 hộ, tuy nhiên chỉ có 152 hộ đến các điểm tái định cư sinh sống.

Đặc biệt tại điểm tái định cư Măng Rao, xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei (nằm trong dự án) dự kiến bố trí cho 64 hộ ở vùng ngập lụt đến tái định cư, nhưng đến nay chỉ có 1 hộ đến ở. Chị Y Dung (hộ duy nhất ở khu tái định cư - điểm Măng Rao) cho biết, chỗ ở trước đây của gia đình thường xuyên bị ngập lụt nên chuyển đến khu tái định cư. Tuy nhiên, chỗ ở hiện tại cách đất sản xuất của làng cũ hơn 8km. Nhiều hộ trong làng cũng không mặn mà chỗ ở mới, do quá xa đất sản xuất.

Còn khu tái định cư thủy điện Đăk Đrinh (huyện Kon Plông) có vẻ đẹp thơ mộng "riêng một góc trời" trên ngọn đồi cao. Trong khu tái định cư này, những căn nhà đẹp như biệt thự thu nhỏ nhưng chỉ lác đác người ở. Nhiều ngôi nhà đẹp nhưng "cửa đóng then cài", cỏ mọc bao quanh. Lâu không có người ở, các biệt thự thu nhỏ đã dần xuống cấp.

Khu tái định cư thủy điện Đăk Đrinh thực hiện di dân từ tháng 8/2013, số hộ đã di dời đến khu tái định cư là 192 hộ (843 nhân khẩu). Mỗi hộ đến đây tái định cư được cấp từ 800 - 1.000m2 (gồm đất ở và đất vườn), đất trồng cây hàng năm 10.000m2, đất trồng lúa nước 2.000m2.

Theo thống kê, đến nay có 50 hộ ở khu tái định cư thủy điện Đăk Đrinh đã trở về lại làng cũ cách đó 10km. Người dân rời bỏ khu tái định cư do thiếu nước sinh hoạt, đất canh tác, lại nằm trên đồi cao... Ngoài ra, những ngôi nhà ở khu tái định cư được xây theo kiểu nhà sàn bê-tông, mái ngói (mỗi căn trị giá từ 400 - 600 triệu đồng) không phù hợp với phong tục người dân địa phương.

Ngoài ra, Dự án khu tái định cư thủy điện Đăk Đrinh được phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 298,5 tỷ đồng, tuy nhiên dù đã trải qua cả chục năm nhưng mới giải ngân 270,7 tỷ đồng, còn hơn 27 tỷ đồng chưa chi trả cho các hộ dân bị thu hồi đất.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, trong thời gian tới, để các khu tái định cư phát huy hiệu quả, đơn vị sẽ phối hợp các sở, ngành, địa phương lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, Sở cũng đề nghị các địa phương có khu tái định cư tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân đến ở. Đối với các khu tái định cư thiếu đất sản xuất thì rà soát đất còn dư để bố trí cho các hộ tái định cư.

Bình luận (0)

Lên đầu trang