Đi tìm nguồn gốc 'Võ Tiên Sư'

Chủ Nhật, 18/02/2018 14:02

|

(CATP) Thư gửi về Báo CATP, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: “Võ Tiên Sư là ai? Người này có công trạng gì mà người dân ở nhiều vùng lập đền, miếu thờ phụng nhiều đến vậy?”…

Qua tìm hiểu và hỏi chuyện các bô lão, chúng tôi biết được nhiều điều thú vị về Võ Tiên Sư.

Hiểu thế nào về Võ Tiên Sư?

Tại TP.HCM nói riêng và nhiều khu vực ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ nói chung, hiện có nhiều nơi thờ “Võ Tiên Sư”. Giải thích về “Võ Tiên Sư”, ông Nguyễn Minh Tú (SN 1957, Trưởng ban Trị sự Võ Tiên Sư ở số 192 Phan Văn Trị, KP1, P12, Q.Bình Thạnh - trước đây là đường làng 22, ấp Trung, xã Bình Hòa, Gia Định, gọi tắt là nhà võ ấp Trung) cho biết: Ngày trước, từ “võ” trong “Võ Tiên Sư” được ghi bằng “vỏ hỏi” (vỏ) chứ không phải “võ ngã” (võ). “Vỏ” được hiểu là một cơ sở tín ngưỡng có quy mô lớn hơn am tự, miếu mão và nhỏ hơn đình, chùa.

Tuy nhiên, trong dân gian quen ghi “võ ngã”, bây giờ sửa lại, người ta cho rằng mình ghi sai chính tả, thành ra cứ để vậy. Chữ khác nhau nên nghĩa cũng khác nhau và điều này đã gây ra một sự hiểu lầm. Không ít người cho rằng “Võ Tiên Sư” là một nhân vật lịch sử nào đó thuở xưa mang họ “Võ”, có nhiều công trạng nên sau khi chết đi được dân làng lập miếu thờ.

Tương tự quan điểm của ông Tú, ông Nguyễn Văn Tâm (SN 1958, người trông coi Võ Tiên Sư Bình Chánh 2, ở KP.8, P.Hiệp Bình Chánh) cho hay, theo các bô lão kể lại, “vỏ” là một cơ sở tín ngưỡng dạng như cái nhà chứ không phải một họ. Nhà vỏ là một chi, nhánh có phạm vi ảnh hưởng nhỏ hơn đình. Ở đình, người ta có nguồn gốc, tên tuổi, sắc thần, còn ở nhà vỏ thì không có.

Đình thờ Võ Tiên Sư liên khu 3, 4, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức

Theo từ điển Hán Nôm, “Tiên sư” có nghĩa là người sáng lập ra một nghề và được coi là ông tổ của nghề đó. Người thầy chết đi, học trò xưng người quá cố là Tiên sư. Nhà nho xưng Khổng Tử là “Tiên sư” 先師 , hoặc cũng có thể nói là “chí thánh Tiên sư” 至聖先師 . “Tiên sư” còn được hiểu nôm na là tổ tiên ông bà xa xưa. Dân gian có câu “Tiên sư nhà mày”, ý muốn nói đến tổ tiên nhà ai đó. Từ “Tiên sư” cùng với các từ “Nghệ sư”, “Thánh sư”, đều có nghĩa là người truyền nghề. Nhiều nơi, những người làm cùng một nghề, buôn bán một thứ hợp nhau thành phường, hội, có miếu thờ riêng. Ngày giỗ của Thánh sư gọi là giỗ phường, cúng giỗ tại miếu. Những phường to thường có tài sản, ruộng vườn riêng để lấy hoa lợi dùng trong việc thờ tự, trùng tu miếu mão.

Người Việt vốn có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, quá trình dựng làng, lập ấp thường xuất hiện người tài giỏi có thể khai khẩn đất đai, truyền dạy nghề nghiệp, kể cả nghề làm hương sắc, quan lại nên được người dân kính trọng tôn làm thầy. Khi người đó mất đi, nhằm tưởng nhớ công lao của họ, dân làng liền lập nhà võ để thờ cúng. Do đó, “Tiên sư” còn được hiểu là người vừa truyền bá nghề nghiệp, vừa khai hoang, lập làng.

Nếu có điều kiện, dân làng sắm thêm cặp hạc cưỡi rùa, tứ trụ có rồng chầu, câu đối sơn son thiếp vàng cho đình thờ Võ Tiên Sư

Ông Nguyễn Văn Sanh (SN 1946, Trưởng hội Cứu tế Võ Tiên Sư liên khu 3, 4, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) kể, ngày xưa, khu vực từ cầu Bình Lợi trở vào vùng Bình Thạnh tập trung nhiều tiểu thương, hương sắc sinh sống. Từ cầu Bình Lợi trở ra bao gồm vùng Bình Triệu, Gia Định có địa hình thấp trũng, sông ngòi bao bọc tạo điều kiện thuận lợi cho bà con trồng lúa nước, nuôi tôm, cá, do đó nhà võ mang đậm nét đặc trưng của nền văn hóa nông nghiệp. Vùng Hiệp Bình Chánh, Bình Triệu xưa, người ta có các võ gồm: Trung Nhất, Trung Nhì, Đông Hưng, Đông Lân, Bình Triệu... Các nhà võ được xây dựng từ lâu, không ai nhớ rõ xây vào thời kỳ nào, thờ cúng ông nào.

Làng Bình Hòa xưa, mỗi thôn, ấp có một nhà võ để thờ Tiên sư của mình, sau này chỉ còn một cái tại ấp Trung. Tương truyền, nhà võ ấp Trung đã có trên dưới 100 năm. Không ai rõ lai lịch người truyền nghề, lập ấp, chỉ nghe đó là một người đàn ông họ Lê, tên Thi. Có người cho rằng đó là ông Lê Văn Thi, cháu của tả quân Lê Văn Duyệt, người có công dạy dỗ dân chúng làng Bình Hòa. Trải qua nhiều thời kỳ, nhà võ là nơi thờ phụng Tiên sư, đồng thời là chốn công đường, hội họp của các tổ chức, đoàn thể, câu lạc bộ, đội nhóm, là trụ sở hành chính của ấp.

Giữ gìn nét truyền thống xưa

Về kiến trúc, nhà võ thường là nhà cấp bốn, lợp ngói âm dương, có kết cấu bốn mái được mô phỏng theo lối kiến trúc của đình chứ không theo kiến trúc chùa chiền. Nhà được làm kiểu tứ trụ, dạng như nhà bốn mái ở nông thôn Nam Bộ xưa, với 4 cột cái ở giữa và được mở rộng bởi các hàng cột con, bao gồm 16 cột lớn nhỏ. Giàn cột kèo đầu hồi được trang trí chạm khắc tương đối cầu kỳ.

Nhà võ không có tượng thờ, chỉ có một bàn thờ cái ở giữa để thờ vị Tiên sư chính. Hai bên “tả”, “hữu” có hai bàn thờ nhỏ hơn được cho là thờ hai vị Tiên sư phó. Trong nhà vỏ, ngoài chiếc mõ bằng gỗ rất lớn, dài trên dưới 1,25m, một chiếc trống gỗ bọc da, chiếc chiêng, bát nhang, cặp chân đèn, bình bông, mâm đựng trái cây..., ba cặp liễn đối thì bức hoành phi là thứ có giá trị nhất. Dân làng nào có điều kiện thì có thể sắm thêm cặp hạc cưỡi rùa, tứ trụ có rồng chầu, câu đối sơn son thiếp vàng và một số vật dụng khác.

Ông Hồ Văn Hải (SN 1956, phụ trách bộ phận nghi lễ Võ Tiên Sư liên khu 3, 4, P.Hiệp Bình Phước) kể, một số nơi, mỗi nhà võ, người dân tự định ra một ngày cúng giỗ riêng, nhưng cũng có nơi, nhiều nhà võ lân cận, người ta sẽ thống nhất với nhau về một ngày cúng. Có thể người ta chọn cúng vào ngày bắt đầu mùa vụ, còn gọi là “thượng điền” hoặc khi thu hoạch xong, gọi là “hạ điền”.

Giỗ Tiên sư được tiến hành uy nghiêm, có tổ cúng tế, khăn đóng, áo dài.

Cúng giỗ “Tiên sư” thường cúng mặn chứ không cúng chay. Giỗ được tiến hành bằng những lễ nghi trang trọng, có tổ cúng tế, khăn đóng, áo dài chỉnh tề, dân chúng quanh vùng mang lễ vật, thường là heo quay, gà, vịt, xôi, bánh, hoa quả... đến giỗ. Khi cúng, bà con vái thần Nông, Thượng quân, Trung quân, Hạ quân. Khẩu hiệu vái nhang thường là “cầu cho mưa thuận gió hòa, Quốc thái dân an”.

Việc xây dựng và cúng kiếng tại nhà võ chủ yếu mang tính tự nguyện, tùy hỷ, ai có bao nhiêu thì cúng, đóng góp bấy nhiêu, không có cũng không sao. Nhà võ và các lễ cúng giỗ Tiên sư tuy đơn sơ nhưng vẫn tạo vẻ uy nghiêm, thiêng liêng, mang đậm giá trị văn hóa dân gian đặc sắc của đất Nam Bộ.

Hơn 600 võ sư, võ sinh tham gia hội diễn võ thuật cổ truyền
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang