Làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Lễ hội Bà Chúa Xứ là di sản

Thứ Năm, 11/10/2018 21:59

|

(CAO) Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBDN tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 59 ngày 13/02/2017 về phát triển hạ tầng du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, diễn ra ngày 11/10.

Theo đó, UBND TP.Châu Đốc (An Giang) chủ động phối hợp với các sở, ngành chức năng sớm xây dựng hồ sơ, thông qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin ý kiến Chính phủ, đề nghị Unesco công nhận “Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam” là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đến năm 2025, Khu du lịch quốc gia Núi Sam trở thành trung tâm du lịch đặc sắc về văn hóa tâm linh, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước...

Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình cho biết, qua 2 năm thực hiện Chương trình hành động số 59, tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả nhất định. Hàng năm lượng du khách đến An Giang tăng từ 800.000 - 1.000.000 lượt. Ngành Du lịch đóng góp trên 1.000 tỷ đồng/năm cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Nhận thức về du lịch của cán bộ, nhân dân có những chuyển biến rõ rệt.

Lễ hội Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam

Tuy nhiên, để đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh, ngành Du lịch tỉnh cần sớm điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể về phát triển du lịch một cách phù hợp với tốc độ phát triển trong điều kiện mới và phải được thông qua HĐND tỉnh trong thời gian sắp tới để có cơ sở thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Bình, du lịch An Giang hiện nay còn mang tính tự phát, thiếu chuyên nghiệp. Tỉnh chưa tạo được quỹ đất sạch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm để kêu gọi đầu tư nhằm thúc đẩy các dịch vụ du lịch phát triển.

Công tác hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án nhìn chung còn chậm, chưa tạo được sự thông thoáng. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch thiếu chuyên nghiệp. Các khu, điểm du lịch và khu dân cư nằm lẫn lộn, dẫn đến việc triển khai các dự án du lịch gặp nhiều khó khăn, mất an ninh trật tự, chèo kéo khách, nạn chặt chém du khách, ý thức của người dân… đã làm mất thiện cảm với nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng như cầu Vàm Cống chưa hoàn thành, chưa có đường tránh quốc lộ 91… cũng là một trong những rào cản ảnh hưởng đến sự phát triển của du lịch An Giang thời gian qua.

Bình luận (0)

Lên đầu trang