'Phiên chợ chiến khu xưa' mừng ngày 30-4

Thứ Hai, 01/05/2017 10:31  | Vĩ Đồng

|

(CAO) Nhân dịp kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4 và Quốc tế Lao động 1-5, từ ngày 27-4-2017 đến ngày 2-5-2017, quán Nhà Tôi Pleiku (xã Trà Đa, TP. Pleiku, Gia Lai) sẽ tổ chức “Phiên chợ chiến khu xưa” nhằm tri ân những người tham gia kháng chiến qua hai thời kỳ của tỉnh Gia Lai.

“Phiên chợ chiến khu xưa” là nơi để các thế hệ đi trước cùng ôn lại một thời kỳ gian khó nhưng hào hùng, rừng rực nhiệt huyết trong công cuộc kháng chiến cứu quốc. Đây cũng là nơi tái hiện lại một phần cảnh sống kham khổ của cha ông xưa, để lớp trẻ ngày nay hiểu rõ hơn về công lao của các anh hùng đã ngã xuống, hi sinh vì nền độc lập dân tộc.

Người ấp ủ ý tưởng này từ mấy chục năm nay là ông Đoàn Minh Phụng - nguyên Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập báo Gia Lai, Phó ban liên lạc những người kháng chiến tỉnh Gia Lai. Ông Phụng đem chuyện này nói với ông Quỳnh Hội - chủ quán Nhà Tôi thì cả hai vợ chồng đều nhiệt liệt hưởng ứng và lên ý tưởng thực hiện.

Tem phiếu để mua hàng ở phiên chợ

Theo ông Phụng, những người tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở khắp đất nước hiện sinh sống và lập nghiệp tại Gia Lai rất nhiều. Trong khuôn viên hơn 1 héc ta của quán Nhà Tôi, Ban tổ chức cố gắng phục dựng lại hình ảnh đời sống trong đấu tranh của quân dân ba miền Tổ quốc tại khắp các chiến trường, trận địa, chiến khu, căn cứ địa, an toàn khu… thông qua các vật dụng sinh hoạt, món ăn, trang phục.

Thực đơn của phiên chợ là 42 món ăn, mang ý nghĩa kỷ niệm số năm giải phóng đất nước. Tất cả đều là những món dân dã nhưng đặc sắc của núi rừng, sông nước trên dải đất hình chữ S mà khi xưa cha ông ta đã ăn hàng ngày, để rồi làm nên cuộc kháng chiến vĩ đại vang lừng khắp năm châu.

Tại phiên chợ ẩm thực có rất nhiều món ăn mà mới chỉ nghe tên thôi, ai cũng có cảm giác tò mò, đều muốn được nếm thử, như: rau rừng xào sơn nữ, trứng rồng rô ti, nồi da xáo thịt, bao gồm các món chế biến từ lá mỳ, rau dớn, măng rừng…. “Thông qua phiên chợ này, chúng tôi muốn sẽ có ai đó lưu tâm phát triển đại trà những giống cây, lá đặc sản trên, giúp người dân địa phương có thêm một cách làm kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo”, ông Phụng chia sẻ.

Nơi tổ chức phiên chợ chiến khu xưa

Được biết, quán Nhà Tôi được chọn làm điểm tổ chức sự kiện này bởi ngoài không gian đẹp, chủ quán cũng từng là thầy giáo trong chiến khu, từng được ăn, ở sinh hoạt thân thiết với quân dân nên rất nhiệt tâm. Theo lời bộc bạch của chủ quán Quỳnh Hội thì khi được đặt vấn đề, ông đồng ý ngay bởi đây là việc làm hết sức ý nghĩa. Do đó, dù thời gian rất gấp rút nhưng ông vẫn cố gắng hết mình.

Để có hình dáng chiến khu xưa, ông đã phải cất công tìm mua nhiều loại cây lá về trang trí, sưu tầm, thu thập những vật dụng quen thuộc mà bây giờ rất khó tìm. Còn về món ăn, ông phải tự mình tham khảo thêm từ các anh chị nuôi trong kháng chiến xưa. Theo ông, điều khó khăn nhất chính là việc tìm các nguyên liệu đúng chất như trong chiến trường xưa, chẳng hạn các loại rau rừng, măng le, cà đắng… bởi mùa này rất khó kiếm.

“Chúng tôi phải nhờ bạn bè đi tận các vùng rừng giáp ranh với nước bạn Lào hái mang về nên giá thành đội lên rất cao. Cũng may là mọi người đều rất hào hứng góp công, góp của nên cũng xuôi”, ông Hội chia sẻ.

Măng - một trong những đặc sản đậm chất núi rừng được bày bán ở phiên chợ

Một trong những điểm nhấn của phiên chợ chính là mọi người đến đây không dùng tiền để trực tiếp mua đồ ăn mà dùng tem phiếu. Những tấm phiếu nho nhỏ, xinh xinh, một mặt ghi mệnh giá 10.000 đồng, mặt kia ghi chữ số 500gram, gợi cho nhiều người nhớ lại thời bao cấp đầy ắp khó khăn nhưng thắm thiết nghĩa tình.

“Nhìn thấy tem phiếu tự nhiên nhớ ngày xưa quá. Rồi những chiếc hầm trú ẩn chữ A, khiến mọi người ai cũng xúc động, thi nhau chụp ảnh, như được sống lại những tháng ngày không thể nào quên trong ký ức” - cô Nguyễn Thị Kim Oanh, cựu chiến binh phường Hoa Lư, TP. Pleiku bồi hồi nói.

Những món đồ xưa cũ gợi nhớ một thời kháng chiến

Phiên chợ chưa khai mạc nhưng những ngày này, quán Nhà Tôi liên tục tiếp đón nhiều đoàn khách với hàng ngàn cựu chiến binh trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng thức thử các món ăn từ thời chiến trường xưa. Nhiều doanh nhân, nhất là những người có cha mẹ là cựu binh khi hay tin cũng lập tức móc hầu bao ủng hộ.

“Cùng tham gia đóng góp để tổ chức phiên chợ này, tôi chỉ có nguyện vọng là làm cho cha mẹ mình vui, xem như là một món quà ý nghĩa dành tặng cho những bậc tiền nhân đã không tiếc xương máu, tuổi thanh xuân cống hiến cho Tổ quốc này”, một doanh nhân có cha mẹ là cựu binh nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang