Thái Thùy Linh: Làm mẹ đơn thân không phải là lẽ sống của tôi

Thứ Bảy, 23/03/2019 13:03  | Hoàng Yến

|

(CAO) Cách đây nhiều năm, khi còn là sinh viên, tôi từng biết Thái Thùy Linh qua chương trình “Mang âm nhạc đến bệnh viện. Gặp Linh và thấu cảm được tấm lòng thiện nguyện của một người phụ nữ luôn tràn đầy sức sống, mạnh mẽ. Ở Linh luôn toát ra một nguồn năng lượng ít người có. Năng lượng ấy có sức truyền lan đến những người khác, để họ sống lạc quan và đầy nghị lực.

Linh lập gia đình vào năm 29 tuổi và quyết định đường ai nấy đi chỉ sau 1 năm kết hôn. Cách đây 10 năm, Thái Thùy Linh và nữ ca sĩ Phương Thanh là những người đầu tiên làm mẹ đơn thân ở Việt Nam.

Nhiều năm trôi qua, Linh tái hôn và có thêm một cậu nhóc đáng yêu. Câu chuyện với Linh là trải lòng của một “bà mẹ - chiến binh” đi qua những thăng trầm cuộc đời nhưng vẫn giữ nguyên tinh thần của một người luôn luôn máu lửa cả trong âm nhạc và cuộc sống

YÊU CON THEO CÁCH RẤT ĐẶC BIỆT

Sau khi tham dự Sao mai điểm hẹn năm 2004, Linh đang là ca sĩ triển vọng, được giới trẻ yêu thích, tại sao chị lại quyết rẽ ngang, lập gia đình rồi có con?

- Linh quyết định lập gia đình, sinh con ở thời điểm đó vì gặp người mình yêu và người ấy cũng yêu thương mình. Tính Linh rất yêu trẻ con và mong muốn có nhiều em bé. Tất nhiên là mẹ nào cũng yêu con nhưng với Linh, yêu con theo một cách rất riêng và rất đặc biệt. Khi quyết định sinh con là lúc Linh đã sẵn sàng, có đủ kĩ năng, sức khỏe cũng như tài chính để có thể sinh và nuôi dưỡng em bé một cách tốt nhất.

Nữ ca sĩ Thái Thùy Linh. Ảnh: NVCC

Với bố của bạn Nếp, bọn mình không có kết hôn. Ở thời điểm đó, vợ chồng mình chưa muốn có ràng buộc về mặt pháp luật. Mình nói với bố Nếp: “Bọn mình sẽ thử sống với nhau hai năm, nếu cảm thấy hợp nhau, cần nhau thực sự thì mới quyết định đến hôn nhân. Với em như thế này là đủ rồi”. Mình là người quyết định không làm đám cưới, không kết hôn.

Bố Nếp không ý kiến gì. Mình là người đề cao sự bình đẳng giữa nam và nữ. Thực ra có những việc bắt buộc cần sự đồng thuận của hai người. Vậy thì chuyện kết hôn này cũng vậy. Linh không phải là người dễ dàng khuất phục với những người đàn ông hoặc định kiến xã hội.

Từ nhỏ, mình đã là người có tư duy độc lập, mình làm theo những gì mình cho là đúng, hành động theo mong muốn bản thân. Bởi hạnh phúc của mình là do mình tạo dựng, bạn không thể sống theo mong muốn của người khác và chỉ có bạn mới biết mình cần gì!

Ở thời điểm cách đây 10 năm, quyết định làm mẹ đơn thân, chị gặp khó khăn hay áp lực nào nhất?

- Vì bản thân luôn chọn cách sống chủ động nên thực sự mình không gặp khó khăn gì nhiều. Tuy nhiên, trong 10 năm theo đuổi các hoạt động xã hội, thiện nguyện, đi khắp mọi nơi trên đất nước, Linh gặp vô số trường hợp đã nhắn tin, gọi điện hỏi mình về việc: Nên hay không nên làm mẹ đơn thân.

Nhân đây, mình xin đưa ra một số quan điểm của bản thân để giúp các bạn gái trước ngưỡng cửa quan trọng này. Khi quyết định có con với một người đàn ông hoặc có thể có bầu với người mình yêu. Bạn đứng trước câu hỏi, phải làm gì tiếp theo. Mình khuyên bạn thế này, việc kết hôn sẽ xảy ra nếu hai bên muốn gắn bó với nhau, tự tin, sẵn sàng đến với nhau. Nếu một trong hai bên chưa thực sự mong muốn thì đừng nên cố, vì cái cố đó sẽ gây mệt mỏi về sau.

Thái Thùy Linh sau những thăng trầm trong cuộc sống. Ảnh: NVCC

Về quyết định làm mẹ đơn thân không, bạn phải trả lời câu hỏi mang tính sống còn. Câu hỏi đầu tiên là Bạn chăm con khi không có ai bên cạnh, thì bạn có giữ ý định có em bé hay không?

Ở Việt Nam, có một cái dở là mọi tội vạ đều đổ lên đầu người con gái. Ngay lập tức chưa thay đổi định kiến xã hội thì phải bắt đầu thay đổi chính chúng ta. Đứng trước thời khắc quyết định bạn cần phải giữ phần lý trí nhiều hơn, bởi chỉ cần thiêng về một chút tình cảm, thì đó sẽ là phần yếu mềm, có khi gây khó khăn cho tương lai của bạn về sau.

Cuộc đời hiện tại là của bạn và sau đó tương lai là cuộc đời con của bạn. Nên nếu tình thương quyết định nhiều quá, đôi khi nó chỉ là ngộ nhận về sự thương hại, đòi hỏi trách nhiệm từ người đàn ông,... trong khi chưa chắc trong lòng họ đã muốn có sự gắn kết hay muốn có trách nhiệm.

Tiếp theo là vấn đề về tài chính. Tiền mua không được tất cả nhưng nó giải quyết được hầu hết mọi việc. Bạn có khả năng nuôi nuôi đứa trẻ độc lập hay không?

Sau cùng là bạn có vượt qua được định kiến xã hội không. Nhiều người đã vượt qua hai câu hỏi đầu tiên nhưng lại gục ngã ở vòng cuối. Mình biết và chứng kiến nhiều phụ nữ hiện đang sống khổ đau, cay đắng, suy nhược cả tinh thần và thể chất trong những nhà tù mang tên gia đình, chỉ vì không dám bước ra ngoài cánh cửa hôn nhân, chỉ vì không biết sẽ làm thế nào để sống sót nếu bước ra ngoài, vì không biết làm thế nào để đối diện với quá nhiều sức ép từ người thân, kinh tế, gia đình.

Khi nghe Linh phân tích như trên, nhiều bạn gái đã quyết định làm mẹ đơn thân và hạnh phúc với con của mình. Nhưng cũng nhiều bạn nói là họ chưa sẵn sàng để một mình nuôi con. Đối với mình, suy cho cùng, trong cuộc sống, sự chủ động là rất quan trọng. Khi bạn chủ động, bạn thấy nỗi buồn sống với người đàn ông chưa tốt chỉ là một phần nhỏ so với bầu trời hạnh phúc bên đứa con của bạn.

KHÔNG NÓI XẤU VỀ "NGƯỜI CŨ" TRƯỚC MẶT CON

Linh dạy dỗ con gái mình như thế nào để cháu không mặc cảm, tự ti vì không có bố bên cạnh như các bạn khác?

- Khi một đứa trẻ ra đời, bạn phải chuẩn bị tâm lí tốt cho cả bạn và con. Cá nhân may mắn hơn các bạn khác là không bị ruồng rẫy, phụ bạc gì sau khi chia tay. Con mình và bố em bé vẫn có quan hệ tốt. Khi bé Nếp được một tuổi, mình mới quyết định chia tay.

Lý do xét cho cùng là do sự chưa phù hợp chưa hai người. Có thể do mình đòi hỏi cao hơn so với quan niệm mọi người. Mình cần một người đàn ông đồng hành có sự thông cảm lớn để chia sẻ trong công việc, đời sống, chăm sóc con cái. Thời gian qua đi, mình cần người bạn đời biết cầu tiến, biết học hỏi, thay đổi và hoàn thiện bản thân. Mình tự nhận là mình khó tính.

Khi quyết định làm mẹ đơn thân, Linh luôn chuẩn bị tâm lí làm sao để bé Nếp không mặc cảm, tự ti, tủi thân. Bé Nếp đến nay 10 tuổi, tâm lí của cháu rất tốt theo đánh giá của nhiều người. Ở các môi trường cháu tham gia, Nếp được đặt biệt danh là “Happy girl”.

Nguyên tắc dạy con của mình, với những người xung quanh và đặc biệt là trong gia đình, tuyệt đối không ai được nói xấu bố đứa bé trước mắt cháu. Người Việt Nam mình đôi khi rất vô tình, vô tâm, thậm chí vô duyên. Ba chữ vô đó làm khổ người khác, thậm chí giết chết tương lai một đứa trẻ. Có những dứa trẻ mang mặc cảm theo suốt cả cuộc đời chỉ vì một câu nói đùa.

Trong gia đình mình, ai đến chơi mà nói những điều không tốt về bố đứa bé là mình đáp thẳng luôn, không ngại ngần. Việc người bố tốt hay xấu sau này tự bản thân đứa bé sẽ cảm nhận và đánh giá. Người lớn không được tiêm vào đầu đứa bé những thành kiến xấu xí.

Gia đình chính là nơi em bé sẽ sống, giao tiếp nhiều nhất. Gia đình phải thực sự là tổ ấm, nơi an toàn, là lá chắn bảo vệ và cũng là nơi hình thành nhân cách. Nếu trong gia đình toàn khí độc làm sao đứa trẻ phát triển được. Ở mọi trường hợp, người mẹ phải mạnh mẽ, sáng suốt, kiên định và độc lập.

Linh cũng có mẹo nhỏ để bé Nếp không cảm thấy thiếu vắng người bố trong gia đình. Mình cho phép con mình gọi các bác bằng bố mẹ. Em bé sẽ có nhiều người bố và người mẹ. Nên nó không cảm thấy thiếu vắng bố hoặc mẹ. Khi đó, con gái mình hiểu ra và vui sướng với chuyện có nhiều bố, nhiều mẹ - những người nó tin tưởng và cũng yêu thương nó.

Khi bé lớn hơn chút nữa, bạn phải chủ động giải thích với con. Bạn có thể đưa ra ví dụ khi nói chuyện với con như: Con chơi với bạn nhưng hai đứa không hợp nhau, con thích đồ chơi này bạn lại thích cái kia.

Có lúc bạn quát con, con có thích chơi với bạn không. Nếp bảo không. Mình mới nói tiếp: Vậy phương án đưa ra là hai đứa chơi chung hai góc và chơi đồ chơi riêng, nhưng vẫn là bạn bè của nhau. Bố mẹ cũng vậy, có thể sống riêng hai nhà vì không hợp tính nhau nhưng chúng ta vẫn yêu thương khi gặp lại mà không quát tháo, gây lộn, làm khổ nhau.

Bản thân Linh thấy, phụ nữ Việt Nam thường tự làm khổ mình, thù hằn người đàn ông rồi đổ lên đầu đứa trẻ. Cần phải tách bạch, thẳng thắn vì đây không lỗi chúng nó. Đứa trẻ là do chúng ta sinh ra và nó có cuộc đời của riêng nó. Vậy nên chúng ta phải tự giải quyết vấn đề của mình. Dừng lại việc đổ tội lên đầu con, coi nó là tội đồ cho sự mệt mỏi của mình.

Bạn phải chủ động xác định, việc nuôi con bằng tình yêu và nhận lại niềm vui từ con. Hay bạn nuôi con trong sự mệt mỏi và nhận lại là một đứa trẻ mè nheo, khóc lóc, khó chịu. Đó là quyết định của bạn!

Mình luôn khẳng định, nuôi con có thể vất vả nhưng không bao giờ khổ. Chắc chắn một điều rằng chưa có ai nghe mình than vãn, hay trách móc về việc nuôi dạy con cái,… Mình càng đặt nhiều tâm huyết, tình yêu vào con thì mình càng nhận được quả ngọt sau này.

Thái Thùy Linh trở lại với âm nhạc sau nhiều năm vắng bóng

Trong cuộc sống, có lúc nào Linh gặp khủng hoảng về tinh thần, kiệt quệ sức lực và sụp đổ về niềm tin chưa?

- Linh nói thật là cuộc sống mình quá nhiều chông gai, thử thách. Mình không thể nhớ lúc nào là khó khăn nhất. Cách đây 20 năm, em trai Linh bị tai nạn. Ròng rã một tháng mình vạ vật ở ghế đá bệnh viện để chăm em thoát khỏi cơn thập tử nhất sinh. Sau đó, khi em mình khỏe lại, gia đình trở nên khánh kiệt.

Mình quyết định vào Sài Gòn để lập nghiệp. Khi ở nhà trọ, vào một buổi sáng có một con chuột cắn vào nách mình. Đối với một cô gái ngoài 20 tuổi, đó là một kỷ niệm kinh hoàng, sợ hãi tột độ.

Hai trải nghiệm đó là kinh khủng nhất với một cô gái đã có tuổi thơ êm đềm, hạnh phúc, nhung lụa, được mẹ chiều chuộng. Sau khi trải qua hai việc đó, mọi khó khăn, đau khổ khác đối với mình đều không thấm thía gì. Thời gian 10 năm trở lại đây, tất cả những việc khác đều không thể đánh gục Linh được. Trong mọi việc mình đều nghĩ về con hoặc nghĩ đến những người thân để vượt qua.

LÀM MẸ ĐƠN THÂN KHÔNG PHẢI LỰA CHỌN MÀ LÀ SỰ CHẤP NHẬN

Nuôi được một đứa trẻ là cả một hành trình khó khăn, nhất là khi không có sự hỗ trợ của người chồng?

- Người Việt mình có câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Nhưng đối với bản thân Linh, thà mình biết rõ luôn ngay từ đầu là không nóc để đi mua bạt về che còn hơn có nóc nhưng nay dột chỗ này, mai thủng chỗ kia. Người phụ nữ mình thường yếu đuối, muốn nuôi con một mình nhưng lại sợ lúc con ốm con đau không có ai đỡ đần.

Nhưng Linh nói thật, nhiều gia đình, có đủ cả vợ cả chồng nhưng lúc con đau ốm, bố vẫn đi nhậu bình thường, chỉ có người mẹ phải ẵm con đi viện một mình. Người vợ, người mẹ lúc này càng áp lực gấp trăm lần vì sĩ diện mà ngậm đắng nuốt cay không biết chia sẻ cùng ai.

Bây giờ, xã hội phát triển, con ốm đã có bác sĩ. Tại sao cứ phải trông chờ vào một người có tên là bố, để rồi hụt hẫng, bơ vơ.

Mình luôn luôn chủ động trong mọi tình huống, phải nghĩ trước, nếu như thế này thì sao… Nhiều năm ở đất khách quê người, đi ngoài đường, lúc nào Linh cũng chuẩn bị bình xịt hoặc nước hoa, để trong tình trạng sẵn sàng phòng vệ ở trường hợp xấu nhất. Đặc biệt, khi có con rồi, tất cả kĩ năng, tư duy phải được phát huy lên hàng trăm lần. Khi chủ động, mình sẽ không sợ hãi, bình tĩnh xử lí, tìm ra phương án tốt nhất,thay vì ngồi than khóc, buồn bã.

Trải qua một lần đổ vỡ, Linh vẫn quyết định lập gia đình và sinh con với người đàn ông thứ hai?

- Khi mình tin một người, yêu một người và người kia cũng yêu thương mình thì kết hôn tiếp thôi. Về cơ bản, làm mẹ đơn thân không phải là lẽ sống của mình. Đó không phải là lựa chọn mà là sự chấp nhận. Sự lựa chọn khi mình đứng trước ngã ba đường, bản thân phải quyết định một con đường ít chông gai nhất.

Mình cũng khuyên các em gái nên dẹp mộng tưởng làm mẹ đơn thân để chứng tỏ cái tôi của mình. Đó là điều không nên. Vì Linh chủ động nên khi chia tay không hận thù, không đến mức tuyệt vọng, chán ghét hận thù đàn ông. Gặp đúng người, đúng thời điểm thì Linh quyết định kết hôn thôi.

Dạo gần đây, Linh ít chia sẻ hình ảnh gia đình, chồng con trên trang Facebook cá nhân nên nhiều người đồn đoán bạn đã ly hôn?

- Thực ra, 1 năm nay rồi, mình dồn sức cho sự quay lại âm nhạc sau 8 năm vắng bóng. Khoảng thời gian 8 năm vừa rồi Linh dành cho công việc thiện nguyện, gia đình. Trên truyền thông, Linh thường chia sẻ về những câu chuyện liên quan đến xã hội, những đứa con. Nhưng khi đã quyết định quay lại với âm nhạc Linh sẽ nói về âm nhạc.

Chuyện gia đình mình tạm thời dừng lại không muốn nhắc đến nhiều. Công việc hay chuyện nuôi con đều cần sự tập trung nhất định, khi “buổi sáng” bạn dành thời gian cho công việc thì lúc “chiều tà” sẽ là khoảng thời gia dành cho gia đình!

Cảm ơn Linh vì đã chia sẻ, chúc bạn đạt được nhiều thành công!

Bình luận (0)

Lên đầu trang