Ngân hàng cạnh tranh bằng công nghệ

Thứ Sáu, 06/05/2016 09:27  | P.V

|

(CAO) Mạng lưới rộng có còn là những yếu tố quyết định đến khả năng cạnh tranh của các ngân hàng trên thị trường bán lẻ hiện nay? Dù không thể phủ nhận, vị trí điểm giao dịch vẫn có ảnh hưởng nhất định đến quyết định giao dịch của khách hàng.

Tuy nhiên, các ngân hàng trên thế giới lại đang ưu tiên phát triển sản phẩm, dịch vụ và các kênh bán hàng online hơn là mở rộng mạng lưới tràn lan. Xu thế này không chỉ giúp ngân hàng giải bài toán “thuận tiện, an toàn” cho khách hàng mà còn giúp các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động.

Ứng dụng công nghệ trong ngân hàng

Trong một cuộc trò chuyện với báo chí, đại diện lãnh đạo Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết các nghiên cứu về chiến lược phát triển của các ngân hàng trên thế giới đánh giá các yếu tố con người phục vụ ngày càng giảm và nhân tố công nghệ cũng như mức độ phủ rộng của thương hiệu đang trở nên quyết định trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần khách hàng.

MB đang đồng thời phát triển song song cả kênh vật lý và công nghệ trong phát triển điểm bán, kênh bán và sản phẩm – dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ cao. Các kênh vật lý sẽ đảm nhiệm vai trò đại diện cho ngân hàng tại các địa phương để xử lý nhanh các vấn đề phát sinh, đáp ứng các nhu cầu giao dịch phức tạp hơn cũng như là đại diện của ngân hàng tại các khu vực. Còn các kênh trực tuyến (online) sẽ đáp ứng các nhu cầu giao dịch mọi lúc, mọi nơi của khách hàng.

Việc “đi bằng cả hai chân” mạng lưới vật lý và giải pháp công nghệ sẽ giúp ngân hàng vừa mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng vừa giảm thiểu chi phí hoạt động.

Việc ứng dụng công nghệ thay cho mở ồ ạt các điểm giao dịch đang là xu thế chung khi thâm nhập vào các thị trường mới. Điều này có thể thấy rõ trong hoạt động của một số ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam với điểm chung là rất ít điểm giao dịch và chỉ xuất hiện hạn chế tại một số thành phố lớn.

Đổi lại, các ngân hàng ngoại đều rất chú trọng các kênh giao dịch và bán hàng trực tuyến. Nguyên nhân một phần do phân khúc khách hàng của các nhà băng quốc tế khá tập trung, nhưng cũng có thể cho thấy sự không ưu tiên trong việc phát triển mảng lưới chi nhánh của họ.

Hướng đi phù hợp của các ngân hàng nhằm góp phần giảm chi phí phát triển mạng lưới, tăng các kênh bán hàng hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong việc sử dụng sản phẩm –dịch vụ tài chính được thể hiện rất rõ ở những tiện ích dịch vụ được tích hợp dựa trên nền tảng viễn thông như môi trường internet, điện thoại thông minh... đã phần nào phản ánh được nhu cầu, vị thế và vai trò của đầu tư công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng

Xu hướng tất yếu

Hầu hết các ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay đều có định hướng tăng cường đầu tư cho công nghệ và xem đây như là yếu tố sống còn trong cuộc cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ để thu hút sự quan tâm của khách hàng bằng các trải nghiệm mới khi sử dụng dịch vụ Ngân hàng.

Điểm qua một vòng trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam vài năm gần đây có thể thấy, nhiều ngân hàng đã lấy tiêu chí phát triển công nghệ như một yếu tố quan trọng để tiếp cận và tăng cường khả năng phục vụ khách hàng.

Mặc dù đang ngày càng trở nên phổ biến, tuy nhiên việc tăng cường ứng dụng công nghệ trong giao dịch ngân hàng không phải là câu chuyện đơn giản, nhất là với các ngân hàng đang có một tập dữ liệu khách hàng lớn. Sự chuyển đổi từ mô hình quản trị truyền thống sang nền tảng công nghệ cao đòi hỏi phải thay đổi từ khâu nhỏ nhất, và có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.

Tại MB, chiến lược này được đặt nền móng từ năm 2006, bằng việc trở thành ngân hàng đầu tiên áp dụng tổng thể trên mọi mặt hạ tầng core banking (ngân hàng lõi) theo chuẩn mực chung. Hệ thống hạ tầng này không ngừng được nâng cấp để tiệm cận với sự phát triển của công nghệ ngân hàng trên thế giới trong kỷ nguyên số.

MB cũng là tổ chức tín dụng tiên phong trong việc phát triển các dịch vụ ngân hàng dựa trên nền tảng viễn thông với yếu tố thuận lợi khi có cổ đông chiến lược là nhà mạng viễn thông lớn nhất Việt Nam với mạng lưới điểm giao dịch và đại lý phụ rộng khắp cả nước cũng như nền tảng công nghệ viễn thông hiện đại.

Điển hình cho sự hợp tác này trong sự phát triển sản phẩm – dịch vụ dựa trên ứng dụng công nghệ là sản phẩm Bankplus, cho phép khách hàng thực hiện các dịch vụ ngân hàng cơ bản trên các dòng điện thoại khác nhau với các lệnh đơn giản, dễ hiểu. Ứng dụng này đang được lựa chọn sử dụng thí điểm trong thu thuế các hộ kinh doanh và tương lai sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.

“Điều đáng mừng là NHNN đã cho phép áp dụng thí điểm việc chuyển tiền qua điện thoại giữa tập khách hàng của Viettel và MB. Chúng tôi đang cùng nỗ lực tạo nên những sản phẩm tiện ích nhất cho khách hàng, để trong tương lai chỉ bằng điện thoại hoặc những công cụ điện tử thông minh khác, khách hàng có thể tiếp cận và sử dụng các dịch vụ của MB một cách an toàn, hiệu quả nhất” – vị này cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang