Cần khẳng định rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn và những cái chết thương tâm không đáng có là do việc tùy tiện trong tham gia GT, bất chấp, coi thường pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Do vậy, việc tăng nặng mức phạt tiền là cần thiết với các hành vi và nhóm hành vi vi phạm quy tắc GT, vi phạm quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực TTATGT đường bộ. Đây cũng chính là một trong những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu bằng luật pháp, từ đó có cơ sở để giảm thiểu vi phạm TTATGT, giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) và xây dựng một nền GT văn minh, hiện đại.
Trong 9 ngày nghỉ Têt Ất Tỵ 2025, TNGT giảm sâu nhất so với các kỳ nghỉ Tết trong những năm qua (giảm đến 124 người chết, 232 người bị thương), là một thành công lớn trong công tác bảo đảm TTATGT, cho thấy tính nhân văn quá rõ ràng của Nghị định 168.
Sự cần thiết của Nghị định 168
Nghị định 168/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT trong lĩnh vực GT đường bộ có hiệu lực từ 01/01/2025. Nghị định 168 thay thế Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2021/NĐ-CP), quy định mức xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm GPLX...
Sau 5 năm thi hành Nghị định 100, công tác bảo đảm TTATGT đã đạt được nhiều kết quả nhất định, tình hình TTATGT đã có những chuyển biến tích cực, TNGT được kiềm chế, ùn tắc GT ở các TP lớn từng bước được khắc phục, bảo đảm GT thông suốt. Tuy nhiên, những chuyển biến tích cực trên chưa thực sự bền vững, ý thức chấp hành pháp luật về GT của người dân có chuyển biến nhưng chưa căn bản, số trường hợp vi phạm pháp luật về TTATGT còn ở mức cao.
Theo số liệu của Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), từ năm 2020 tới 2024, CSGT cả nước đã xử phạt hơn 17 triệu trường hợp vi phạm TTATGT; số vụ, số người chết do TNGT tuy đã giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Theo đó, từ năm 2020 đến 2024, cả nước xảy ra 96.473 vụ, làm chết 49.031 người, bị thương 67.505 người; tính trung bình mỗi năm có hơn 9.800 người chết. Số người chết vì TNGT trong 4 năm cao hơn gấp 2 lần so với số người chết trong đại dịch Covid-19, cho thấy đây là một vấn nạn đớn đau, buộc các cơ quan chức năng phải có biện pháp mạnh.
Cũng theo Cục CSGT, tình trạng GT hỗn hợp (ôtô, xe máy và xe thô sơ) cùng lưu thông trên đường, trong khi tổ chức GT, phân làn GT còn nhiều bất hợp lý; ùn tắc GT tại các TP, đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM vào các giờ cao điểm làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân, gây bức xúc trong xã hội.
![](http://image.congan.com.vn/thumbnail/CATP-480-2025-2-6/4a.jpg)
Các phương tiện tuân thủ Nghị định 168 tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, TPHCM
Tình trạng trên do nhiều nguyên nhân, trong đó một trong những nguyên nhân chính là ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia GT vẫn còn mang tính tùy tiện và có nhiều biểu hiện "nhờn luật". Do đó, việc ban hành Nghị định 168 là rất cần thiết và phải làm, tăng mức chế tài xử phạt đủ mạnh để bảo đảm tính răn đe đối với một số nhóm hành vi, hành vi vi phạm với lỗi cố ý nguy hiểm, nguy cơ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng.
Nghị định 168 không chỉ tập trung việc xử phạt vi phạm, mà còn thể hiện tính nhân văn trong việc bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và an toàn của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương là người già và trẻ em, như quy định nhường đường cho người đi bộ, quy định về việc sử dụng ghế ngồi an toàn cho trẻ em trong ôtô... Từ đó, góp phần xây dựng một xã hội an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Đây còn là nghị định rất quan trọng trong việc góp phần xây dựng văn hóa GT hiện đại, giảm thiểu TNGT, lập lại kỷ cương trong GT.
Thực tế, trong nhiều năm qua, bằng nhiều hoạt động, trong đó có việc ban hành nhiều luật, các nghị định liên quan với mục đích xây dựng cho được một bức tranh tích cực, hiện đại về văn hóa GT ở nước ta. Tuy nhiên kết quả chưa như kỳ vọng. Dưới cái nhìn của người nước ngoài, đặc biệt với du khách, văn hóa GT ở nước ta bị đánh giá thiếu tích cực và theo họ là "hỗn loạn". Tình hình đó ảnh hưởng rất lớn đến bức tranh du lịch, đầu tư...
Đó là thực tế khó chối cãi, khi văn hóa GT ở nước ta vẫn trong giai đoạn định hình, biến đổi liên tục nhưng chậm về chất trong bức tranh tổng thể của quá trình đô thị hóa. Có nhiều nguyên nhân, đặc biệt khi phương tiện lưu thông trên đường vẫn chủ yếu là xe máy cá nhân, phương tiện GT công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, hạ tầng GT chưa tốt và trên hết là chưa định hình được nền tảng văn hóa GT văn minh.
Đất nước đang phát triển với những thành quả phát triển kinh tế nổi bật. Bên cạnh sự tăng trưởng về kinh tế, phải là sự nâng cao về chất lượng sống, phẩm giá, hạnh phúc, văn hóa và tuân thủ pháp luật, trong đó có văn hóa GT.
Những chuyển biến rất tích cực
Nghị định 168 ban hành nâng mức xử lý vi phạm hành chính với nhiều hành vi vi phạm, có tác động sâu sắc đến nhận thức, nâng cao đáng kể ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia GT. Trả lời báo chí, sau khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành gần 20 ngày (từ ngày 01 - 19/01), Đại tá Phạm Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, từ khi nghị định có hiệu lực, tình hình TTATGT trên cả nước đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Theo đó, thời gian trên, CSGT toàn quốc đã phát hiện, xử lý 230.672 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, 17.902 trường hợp GPLX bị trừ điểm. Trong đó, vi phạm nồng độ cồn là hơn 46.800 trường hợp; hơn 3.700 trường hợp vi phạm quá tải trọng, quá khổ, cơi nới thành thùng; hơn 50.000 trường hợp vi phạm tốc độ; 432 trường hợp điều khiển phương tiện trong người có chất ma túy; gần 4.100 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh tín hiệu đèn GT. So với thời gian trước liền kề, việc xử phạt đã giảm 18.122 trường hợp (giảm 7,3%).
Theo Đại tá Phạm Quang Huy, số vi phạm đã giảm rõ rệt, đặc biệt là nhóm các vi phạm dễ dẫn tới TNGT như không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu GT giảm 7,3%, vi phạm tốc độ giảm 28%, vi phạm nồng độ cồn giảm 13,5%. Tình hình TNGT cũng đã có chuyển biến rõ rệt, TNGT đường bộ giảm cả 3 tiêu chí. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 995 vụ, làm 534 người chết, 656 người bị thương; so với thời gian trước cùng kỳ, giảm 430 vụ (giảm 30,2%), giảm 32 người chết (giảm 5,6%), giảm 522 người bị thương (giảm 44,3%); so với thời gian trước liền kề giảm 231 vụ (giảm 18,8%), giảm 100 người chết (giảm 15,7%), giảm 164 người bị thương (giảm 20%)... Gần 20 ngày nghị định này có hiệu lực, giảm 100 người chết, giảm 164 người bị thương vì TNGT, là con số rất nhân văn từ văn bản pháp luật này.
Số liệu mới nhất sau những ngày Tết Ất Tỵ vừa qua, cũng cho thấy nhiều yếu tố nhân văn của nghị định này. Theo số liệu của Cục CSGT, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ 2025 (từ 25/01 - 02/02), số vụ, số người chết, số người bị thương do TNGT trên cả nước đã giảm rõ rệt (giảm gần 40%). Cũng theo số liệu của Cục CSGT, qua 9 ngày nghỉ Tết, CSGT trên cả nước đã huy động 25.556 lượt công tác, với 32.783 ca tuần tra kiểm soát, 137.511 lượt CBCS làm nhiệm vụ. Qua đó, lực lượng chức năng đã xử lý 55.842 trường hợp vi phạm TTATGT; tước 2.985 bằng lái các loại, trừ điểm 7.035 GPLX; tạm giữ hơn 21.000 xe cộ các loại. So với cùng kỳ, số vi phạm bị xử phạt giảm 40.261 trường hợp (-41,89%). Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn là 17.149 trường hợp (chiếm 30,71%); so với cùng kỳ, số vi phạm này giảm 20.365 trường hợp (-54,29%). Ngoài ra, có 13.296 vi phạm tốc độ bị xử lý (chiếm 23,81%), giảm 10.905 trường hợp so với cùng kỳ (-45,6%).
Tính nhân văn của Nghị định 168 đã quá rõ ràng
Trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, giảm đến 124 người chết, 232 người bị thương, TNGT giảm sâu nhất nếu so với các dịp nghỉ Tết trong những năm qua, là một thành công lớn trong công tác bảo đảm ATGT, cho thấy tính nhân văn quá rõ ràng của Nghị định 168.
Ngay cả lỗi vi phạm về nồng độ cồn - một trong những nguyên nhân gây TNGT nhiều nhất, để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, trước khi có Nghị định 168 đã bị xử phạt với số tiền khá cao nhưng vi phạm này vẫn xảy ra thường xuyên. Đợt nghỉ Tết vừa qua, dù với mức phạt vi phạm nồng độ cồn rất cao nhưng CSGT đã xử lý 17.149 trường hợp. Tuy nhiên nếu so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, vi phạm nồng độ cồn dịp Tết Ất Tỵ 2025 giảm 20.365 trường hợp, cũng chứng minh rằng Nghị định 168 có tác động sâu sắc trong hành vi tham gia GT của người điều khiển phương tiện.
Hãy quan sát những hành vi điều khiển phương tiện GT ở TP HCM - đô thị lớn nhất nước, với lượng xe cộ rất lớn, cũng thấy rõ đại đa số người tham gia GT tự điều chỉnh hành vi GT của mình. Chỉ hơn nửa tháng áp dụng Nghị định 168, GT TPHCM chuyển biến tích cực, người dân chấp hành luật, ý thức tham gia GT được nâng cao. Tại các giao lộ, người điều khiển phương tiện GT đỗ xe đúng quy định, ít người dám cán vạch; hành vi leo lề, quẹo phải tại các giao lộ không có tín hiệu cho phép rẽ phải giảm hẳn; hành vi lấn làn, lấn làn xe máy cũng không còn phổ biến như trước đây..., cho thấy người dân ngày càng ý thức chấp hành pháp luật GT. Đó là những tín hiệu ban đầu để phục vụ cho mục đích cuối cùng là xây dựng cho được một nền tảng văn hóa GT văn minh, hiện đại, mà TPHCM, Hà Nội phải đi đầu.
Nghị định 168 được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng quản lý GT và giảm thiểu TNGT. Nỗi đau, hậu quả TNGT rất thảm khốc, là một vấn đề gây bức xúc trong xã hội hiện nay. Do vậy mục tiêu xây dựng cho được một nền tảng văn hóa GT hiện đại, lành mạnh, văn minh, với mục đích cuối cùng là bảo vệ sự an toàn của chính nhân dân, là nhiệm vụ cấp bách.
Với mục đích nhân văn đó, các cơ quan chức năng đã cố gắng xây dựng hệ thống pháp luật quy chuẩn để điều chỉnh các hành vi tham gia GT của người điều khiển phương tiện. Luật TTATGT đường bộ ra đời, tách biệt khỏi Luật GT đường bộ trước đó, cũng nhằm tập trung vào những vấn đề liên quan đến việc duy trì an toàn GT và giảm thiểu TNGT. Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề để Nghị định 168 đi vào cuộc sống một cách hiệu quả, như phải xây dựng kết cấu hạ tầng GT đồng bộ để tạo điều kiện người dân chấp hành tự giác luật pháp GT; tuyên truyền, phổ biến pháp luật GT đến người dân, để họ hiểu luật pháp GT là để bảo vệ tính mạng của chính mình...
(Còn tiếp...)