Bất cập của xe ôm công nghệ

Thứ Năm, 06/08/2020 11:53  | An Hoà

|

(CATP) Tình trạng lọc lừa, "hét" giá, phỉnh dụ khách hàng của một số tài xế giả danh GrabBike vẫn đang diễn ra hằng ngày. Trong khi đó, việc quản lý lỏng lẻo của hãng xe công nghệ này đang gây ra một số phiền toái cho các "thượng đế”.

GIẢ DANH ĐỂ "MÓC TÚI"

Tại những nơi công cộng, tình trạng giả danh tài xế GrabBike đang xảy ra khá phổ biến. Đông nhất phải kể tới khu vực Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) và sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình, TPHCM).

Đầu tháng 8-2020, chúng tôi vừa bước ra khỏi cổng Bến xe Miền Đông thì bị nhiều bác tài xe ôm bám theo chào mời. Khi được hỏi giá đến đường Đỗ Xuân Hợp (Q9), một tài xế "hét" giá tới... 250 nghìn đồng (!). Chúng tôi chê đắt và bỏ đi thì một tài xế khác mặc áo GrabBike chạy tới, tay bấm vào màn hình điện thoại gắn trên xe, báo giá 240 nghìn đồng. Trong khi đó, phóng viên nắm rõ giá thực tế thấp hơn rất nhiều. Đoán tài xế này đang "giở chiêu", chúng tôi đề nghị xem màn hình điện thoại báo giá, nhưng anh ta chỉ cho tham khảo phần giá cước.

"Chiêu" này thực ra không mới, khi tài xế giả danh cài đặt một điểm đón cách Bến xe Miền Đông như tận... Bến xe Miền Tây (Q.Bình Tân) hoặc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Q7) rồi "rà” điểm đến tại Q9 nên giá thành "nhảy" loạn xạ. Nếu khách ở tỉnh đến TPHCM mà sơ ý hoặc không am hiểu công nghệ thì rất dễ dính "bẫy" của các đối tượng lưu manh giả danh tài xế này.

Tương tự, tại khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, dù lực lượng thanh niên xung phong, nhân viên của Trung tâm An ninh hàng không và đồn công an sân bay liên tục gác, trực tại đây, thậm chí thổi còi đẩy đuổi các tài xế xe ôm, cấm đậu, đỗ, nhưng tình trạng giả danh GrabBike vẫn xảy ra hằng ngày.

Khu vực tập trung nhiều kẻ giả danh tài xế GrabBike

Rất nhiều hành khách khi ra khỏi sân bay, tới khu vực dưới chân cầu vượt, lập tức có hàng chục tài xế giả danh GrabBike mời chào. Tất nhiên, các tài xế này có hẳn đồng phục của hãng xe ôm công nghệ "nổi" nhất nước. Chúng cũng tay cầm điện thoại, quẹt qua quẹt lại như chọn giá cước cho "thượng đế”, nhưng kỳ thực vẫn là "chiêu" dùng một điểm đón xe khác xa hơn hoặc chọn gói đi nhiều địa điểm để "moi" tiền khách hàng.

QUẢN LÝ LỎNG LẺO

Để tìm hiểu vì sao hiện nay lại có nhiều tài xế giả danh GrabBike như vậy, chúng tôi phát hiện dọc các tuyến đường: Phạm Văn Đồng, Nguyễn Xí, Nơ Trang Long, QL13... có rất nhiều quầy hàng chuyên bán đồng phục và mũ bảo hiểm (MBH) của hãng Grab. Tấp xe vào một tiệm ven đường, chỉ tốn vài chục ngàn đồng là phóng viên đã mua được bộ đồ để hành nghề, y chang tài xế GrabBike thật, có đăng ký của hãng Grab.

Đây là quần áo, dụng cụ đồng phục mà nhiều tài xế xe ôm tuy có đăng ký chạy xe và mua của hãng Grab, nhưng sau đó nghỉ chạy rồi đem bán lại. Chính vì điều này mà hiện tại, nhiều tài xế lưu manh giả danh xe ôm công nghệ đang xuất hiện dày đặc, thậm chí một số kẻ còn vi phạm pháp luật.

Vào cuối năm 2018, chị P. đậu xe máy trước một ngôi nhà trên đường Lê Văn Sỹ (P14Q3), dùng điện thoại gọi cho người thân. Bất ngờ có một thanh niên trẻ áp sát khống chế, cướp điện thoại của chị rồi leo lên xe của đồng bọn mặc áo xe ôm GrabBike chờ sẵn và tẩu thoát. Sự việc bất ngờ xảy ra vào giờ nghỉ trưa, khiến nạn nhân không kịp phản ứng. Qua truy xét, Công an quận 3 bắt giữ Nguyễn Quốc Tuấn (25 tuổi, ngụ Q4). Tuấn khai nhận, cùng đồng phạm là Phạm Minh Toàn (tự Bờm, 35 tuổi, cùng ngụ Q4) gây ra vụ cướp trên.

Trước đó, tại một quán cơm trong hẻm nhỏ ở P26 (Q.Bình Thạnh) xảy ra một vụ trộm xe. Camera ghi lại cảnh thủ phạm đội MBH GrabBike, đeo khẩu trang kín mít. Sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh nên gia đình chủ quán không trình báo công an mà tự bỏ tiền đền cho người khách bị mất xe.

Do tâm lý thấy tài xế mặc đồng phục GrabBike (áo, MBH...), nên nhiều người nhầm tưởng đó là tài xế Grab đang đi đón hoặc đợi khách, dẫn tới mất cảnh giác. Có trường hợp khách đặt xe trên phần mềm, nhưng không đọc kỹ tin nhắn thông báo từ tổng đài: thông tin tài xế, biển số xe, cứ thấy người mặc đồng phục GrabBike chạy tới là leo lên xe và trở thành "con mồi" cho tội phạm.

Có thể mua trang phục GrabBike dễ dàng

Mới đây, trước sân bay Tân Sơn Nhất, một phụ nữ ở tỉnh mới đến TPHCM được chào mời từ một kẻ giả danh GrabBike, đồng ý cho gã chở tới Bệnh viện Đại học Y dược (Q5) để thăm mẹ. Tuy nhiên, tên lưu manh kia vừa đặt chiếc giỏ của khách lên phía trước ba-ga xe hắn thì lập tức... vọt lẹ. Khổ chủ cho biết, trong giỏ chỉ có vài bộ đồ ở quê mang vào cho người mẹ. Trong trường hợp này, hãng xe ôm công nghệ cũng không thể giải quyết trách nhiệm dân sự, vì đó không phải là tài xế do hãng Grab quản lý.

Diễn đàn trên mạng vừa xôn xao về hình ảnh một tài xế xe ôm Grab chở theo cháu bé đi hành nghề. Không biết sự thật về tấm hình này ra sao, nhưng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ cộng đồng mạng trong việc an toàn cho cả nhân vật trong hình lẫn hành khách ngồi phía sau.

Đã đến lúc, Công ty TNHH Grab cần có những giải pháp kịp thời để chấn chỉnh lại hoạt động xe ôm công nghệ trước tình trạng giả danh tài xế, mua bán đồ đồng phục tràn lan và quản lý tài xế bằng những chế tài kịp thời. Để thông tin khách quan, từ ngày 23-7-2020, chúng tôi đã gửi câu hỏi về các vấn đề trên tới đại diện Công ty Grab. Tuy nhiên, đến nay phóng viên vẫn chưa được hồi âm, nhằm thông tin tới bạn đọc

Bình luận (0)

Lên đầu trang