Đắk Lắk: Xe dù, bến cóc hoành hành nhức nhối

Thứ Hai, 10/10/2016 09:49

|

(CAO) Ông Phạm Văn Mạnh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải - ô tô Đắk Lắk cho biết từ tháng 5-2016 đến nay, tình hình kinh doanh vận tải của 5/6 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trước sự lớn mạnh không ngừng của đội xe hoạt động theo kiểu “xe dù - bến cóc” vào tranh giành trái phép khách đi xe buýt.

Để tranh giành được khách của xe buýt, tài xế các xe này luôn phóng nhanh vượt ẩu, chạy trước để giành khách, lôi kéo khách đi xe của mình nên rất nguy hiểm, nguy cơ gây tai nạn giao thông luôn rình rập. Họ lấy giá cả tuỳ thích, giá nào cũng bắt khách và dừng bất kể nơi đâu nên đã lôi kéo được một lượng khách lớn và ngày một phát triển bành trướng.

Ai bảo kê cho xe dù, bến cóc lộng hành?

Liên minh các doanh nghiệp vận tải xe buýt, gồm: Công ty CP xe khách Đắk Lắk; Công ty CP vận tải ô tô; HTX vận tải hàng hóa và hành khách Cư Mil; HTX vận tải Quyết Thắng; Công ty CP vận tải Buôn Hồ, từ tháng 5-2016 đã gửi đơn kiến nghị đến Sở GTVT và UBND tỉnh Đắk Lắk với nội dung chủ yếu là đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan ban ngành cần tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm tình trạng xe dù, bến cóc. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy các cơ quan chức năng có phản hồi giải quyết dứt điểm việc này.

Ông Mạnh cho biết, tình trạng xe dù, bến cóc đến nay diễn biến rất phức tạp, làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt. Điều đáng nói, những xe này có nhiều chiêu trò lách luật để hoạt động và ngang nhiên vào trạm xe buýt của các tuyến xe buýt để bắt khách. Được biết, số lượng các xe này vào tháng 5-2016 là 92 xe, đến tháng 10-2016, đội xe dù,bến cóc này đã phát triển lên hơn 140 xe. Tình trạng xe dù,bến cóc lộng hành như hiện nay sẽ khiến các doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe buýt phá sản và làm ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại của người dân trong tỉnh.

Những phương tiện chèo kéo khách bằng mọi giá như thế này đang bóp chết doanh nghiệp vận tải chân chính

Làm việc với chúng tôi, ông Đỗ Bình Chính – Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk thừa nhận đúng như các doanh nghiệp trên phản ánh và chỉ cần ra đường quan sát thì thấy ngay thôi, thế nhưng việc xử lý dứt điểm vấn nạn xe dù, bến cóc trên là một vấn đề nan giải (?!). Như vậy câu hỏi liệu có xử lý được vấn nạn trên, để giải tỏa gánh nặng cho các doanh nghiệp vận tải bằng xe buýt vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ. Liệu cơ quan nào và ai sẽ xử lý dứt điểm vấn nạn xe dù, bến cóc đang có xu hướng ngày càng bành trướng, khiến các doanh nghiệp chân chính, đóng thuế đầy đủ cho ngân sách nhà nước và phục vụ tốt việc đi lại cho người dân ở tỉnh Đắk Lắk đang ngày một lao đao và có nguy cơ phá sản?.

Điển hình nhất là HTX vận tải Quyết Thắng, đơn vị được cấp phép hoạt động vận tải bằng xe buýt từ TP.Buôn Ma Thuột đi huyện M’Đrắk từ năm 2005. Đến nay, đơn vị này đã có nhiều bước phát triển vượt bậc, phương tiện ngày một tốt hơn và có bộ máy điều hành đúng theo quy định của ngành GTVT, chấp hành các quy định bắt buộc của cơ quan chức năng, không để xảy ra tai nạn giao thông.

Hàng năm, doanh nghiệp được nhiều cấp khen thưởng; nhiều năm liền đạt được giải thưởng “Vô lăng vàng” của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Thế nhưng, từ cuối năm 2015 và cho đến nay, đơn vị này bị ảnh hướng rất nghiêm trọng trước vấn nạn xe dù ,bến cóc, gây cho doanh nghiệp và hơn 300 cán bộ công nhân viên của HTX nhiều bức xúc và có nguy cơ dẫn đến phá sản.

Doanh nghiệp có 50 phương tiện xe buýt, thế nhưng hiện chỉ có 21 xe hoạt động, 29 xe phải nằm không vì không có khách. Nguyên nhân chủ yếu do bị các nhà xe hoạt động kiểu xe dù, bến cóc lộng hành trên tuyến quốc lộ 26.

Nhà xe Việt Thanh chuyên hoạt động kiểu xe dù bến cóc

Điển hình nhất trong đội xe giành giật khách này là các xe của nhà xe Việt Thanh, Nhật Giang, taxi Tây Nguyên… Trong đó, nhà xe Việt Thanh hoạt động kiểu xe dù, bến cóc, có hành vi trốn thuế suốt gần 2 năm qua, gây tai nạn giao thông chết người; bị ngưng cấp phép hoạt động một thời gian ngắn, nhưng mới đây lại được cấp phép hoạt động trở lại, gây bức xúc trong dư luận.

Chính bởi việc xử lý nhà xe Việt Thanh không nghiêm dẫn đến hàng loạt hãng xe khác có biểu hiện vi phạm pháp luật ra đời.

Đủ chiêu trò lách luật và cơ quan chức năng

Những xe hoạt động kiểu xe dù – bến cóc này chủ yếu từ xe 7 chỗ đến 30 chỗ ngồi, núp bóng dưới vỏ bọc là xe hợp đồng, xe chạy tuyến cố định và xe taxi. Tại các trạm xe buýt của tất cả các tuyến từ TP.Buôn Ma Thuột đi các huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Bông, Krông Năng và M’Đrắk… đây là những điểm đón khách lý tưởng.

Các nhà xe kể trên luôn nắm bắt giờ xe chạy của các tuyến xe buýt rồi cho xe của mình chạy trước để ra vào các điểm dừng của xe buýt để bắt khách. Điển hình nhất là tại khu vực bến xe buýt ở “cây số 3”, Hoa Viên, bến xe bus tại khu vực ngã 6, TP.Buôn Ma Thuột.

Dù được cấp phép chạy tuyến cố định nội tỉnh từ các bến xe trung tâm các huyện đến bến xe TP.Buôn Ma Thuột, thế nhưng những chiếc xe này không ngại ngần cho xe chạy lòng vòng trong nội thành TP.Buôn Ma Thuột, kể cả cho xe chạy vào đường cấm để đón khách. Họ lấy giá tùy hứng và giá nào cũng “hốt” nên trở thành lời mời hấp dẫn cho người dân.

Đôi khi cùng một cự li với xe buýt, họ lấy giá có thể cao hơn, bằng hoặc có khách kì kèo trả giá thấp hơn cũng đồng ý. Mang cái mác là xe taxi Tây Nguyên, nhưng hãng xe này lại chạy lòng vòng ở những điểm xe buýt để chèo kéo khách. Thậm chí còn cho cò xe nhảy xuống bến xe buýt để lôi kéo khách đi xe của mình. Do không phải xuất vé xe và không bị sự quản lý về giá cả nên các nhà xe này tự cho mình cái quyền tối thượng là thích lấy giá bao nhiêu thì lấy, tạo nên sự bát nháo trên các tuyến đường.

Lạ một điều là báo chí đã nói rất nhiều, ngành chức năng cũng đã họp bàn giải quyết, nhưng tình trạng trên vẫn cứ tái diễn. Đây là một vấn đề mà ngành GTVT cần quan tâm và tìm ra được biện pháp để quản lý chặt loại hình vận tải này.

Tình trạng xe dù bến cóc lộng hành, hàng loạt xe buýt của HTX Quyết Thắng phải nằm đắp chiếu

Từ năm 2005, thực hiện chủ trương xã hội hóa vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, đến nay, có 6 doanh nghiệp được thành lập, đi vào hoạt động bài bản và đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó việc phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân theo loại hình vận tải xe buýt đã phát triển trên tất cả các tuyến đường chính, đến tận các xã vùng sâu vùng xa, thậm chí đến tận những xã biên giới của tỉnh Đắk Lắk.

Trong khi tại một số địa phương trên cả nước, việc chi ngân sách nhà nước hỗ trợ cho phát triển kinh doanh loại hình xe buýt để phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân, phải dành một khoản kinh phí không nhỏ từ ngân sách địa phương thì ở tỉnh Đắk Lắk, việc phát triển loại hình này đã mang lại nhiều tiện lợi, phục vụ tốt nhu cầu đi lại cho người dân một cách tiện lợi và văn minh, nhưng lại không tốn một khoản kinh phí hỗ trợ nào của địa phương.

Đến nay, trước vấn nạn xe dù,bến cóc hoành hành nhức nhối khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính này đang gặp khó khăn, các cơ quan chức năng cần quan tâm và có biện pháp tháo gỡ cho các doanh nghiệp.

Xe của nhà xe Nhật Giang, HTX Ea Kar đi cả vào đường cấm đón khách

Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát, nhất là những khu vực có dấu hiệu tình trạng xe dù , bến cóc thường xuyên hoạt động để kiểm tra và xử lý nghiêm. UBND tỉnh Đắk Lắk cần có sự chỉ đạo quyết liệt, các cơ quan chức năng có sự phối hợp chặt chẽ để có biện pháp xử lý nghiêm các nhà xe hoạt động sai phạm. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải công cộng cần có một sân chơi công bằng và lành mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang