(CAO) Đường dân sinh nối hai xã Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) và Lưu Kiền (huyện Tương Dương, Nghệ An) mới được sửa chữa lại; thế nhưng, hơn một năm qua còn đường đã trở nên hư hại nghiêm trọng bởi từng đoàn xe chở gỗ Lào quá tải ngày đêm cày xới...
Cả tuyến đường dài chừng 50km từ ngã ba xã Lưu Kiền (huyện Tương Dương) đi qua các xã Nậm Càn và Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn) được đầu tư xây dựng và hoàn thành gần 1 năm nay đề phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con nơi đây.
Thế nhưng thực tế hiện nay, con đường này đã bị cày nát hư hỏng nặng, nhiều đoạn hình thành nhiều điểm sụt lún, ổ gà, ổ voi nhan nhản khiến con đường này trở thành nỗi ám ảnh của nhưng người dân đang sinh sống nơi đây.
Con đường dân sinh từ Nậm Càn đi Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bị những đoàn xe quá tải chở gỗ Lào cày nát
Theo người dân, nguyên nhân khiến đường nhanh hỏng như vậy là do xe chở gỗ từ Lào chạy rầm rập mỗi ngày. Con đường này trời nắng thì ngập trong cơn bão bụi, còn ngày mưa thì lởm chởm, bùn lầy lồi khiến việc đi lại của người dân nơi đây hết sức khó khăn.
"Đường này khó đi thế mà các chú vào đây bằng xe máy à. Nguy hiểm lắm. Người dân nơi đây cũng không dám liều như các chú đâu... Bất đắc dĩ mới dám ra đường thôi...”, một người dân địa phương cho biết.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Ngoi 1 cho biết: “Tôi đã công tác ở đây 30 năm. Nhưng năm nào cũng vậy, để đi ra thị trấn thì phải chọn những ngày khô ráo chứ mưa thì không thể ra đường đâu, đường trở thành ao ruộng, bùn lầy đi lại vô cùng khó khăn, nhiều khi bùn nó lút cả bánh xe máy...”.
Bất đắc dĩ người dân mới dám ra đường
Ở xã Na Ngoi và Nậm Càn, cuộc sống của người dân nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn... trong đó phải kể đến là đường dân sinh. Từ khi con đường này bị cày xới nát bét thì việc đi lại buôn bán của người dân gặp khó khăn thêm gấp bội.
Nói về con đường này, thầy cô giáo ở xã Na Ngoi luôn khiếp sợ, bởi hễ vào mùa mưa các em học sinh nơi đây không thể đi nỗi.
Thầy Nguyễn Thế Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Na Ngoi tâm sự: “Khi mưa xuống, các em học sinh nơi đây muốn đến trường là phải trang bị những chiếc ủng lội bùn, nhưng có phải em nào cũng có đâu, nhà nghèo, bố mẹ các em đâu dám mua... Những khi nhìn quần áo, chân tay các em lấm bùn, tôi thương lắm nhưng biết làm sao được...”.
Xe quá tải chạy rầm rập mỗi ngày
Suốt chặng đường 10km không có lấy một chỗ bằng phẳng khô ráo, tất cả đều sình lầy nhiều ổ voi, ổ chuột các; em học sinh đều phải cuốc bộ đến trường bằng những đôi ủng, đường thì lầy lội nên em nào cũng thấm mệt và nhể nhải mồ hôi, bùn đất.
Được biết, hàng ngày có hàng trăm xe tải chở gỗ từ Lào về qua cung đường này nhưng không hề thấy cơ quan chức năng nào kiểm soát. Dọc đường đi, chúng tôi gặp những đoàn xe gỗ nườm nượp chở gỗ về các bãi tập kết dọc đường. Đếm sơ trên cung đường này có không dưới năm bãi tập kết gỗ. Có những lúc đoàn xe chở gỗ gây kẹt xe hàng giờ đồng hồ khiến việc lưu thông trên tuyến đường này của người dân bị tắc nghẽn liên tục.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Đoài, Trưởng phòng Công thương huyện Kỳ Sơn cho biết: “Hiện nay huyện đang xin chuyển cung đường này về cho tỉnh quản lý. Bởi con đường này nối liền hai huyện Tương Dương và Kỳ Sơn chứ không phải nội huyện. Chúng tôi cũng biết thực trạng những chiếc xe gỗ Lào quá tải, quá khổ đi qua đây và đã giao cho công an huyện xử lý rồi. Hiện chúng tôi cũng đã đề xuất xin kinh phí để sửa chữa đường cho bà con đi lại. Tuy nhiên gỗ về nhiều như thế thì dân vẫn còn khổ dài...".
Trao đổi vấn đề này với Thượng tá Tô Văn Hậu, Trưởng Công an huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thì được biết:
“Sau khi chúng tôi nhận được phản ánh của người dân xã Na Ngoi và Nậm Càn. Vừa qua, Công an huyện vào kiểm tra và phát hiện được 13 trường hợp xe chở gỗ Lào cơi nới, quá khổ. Chúng tôi đã tiến hành xử lý đối với lái xe vi phạm phạt hành chính từ 3 đến 3,7 triệu đồng; đồng thời tước bằng lái xe 1 tháng.
Từ khi đoạn đường này xuất hiện đoàn xe chở gỗ Lào, chúng tôi đã tiến hành xử lý được 45 trường hợp xe vi phạm quá khổ... xử phạt hơn 135 triệu đồng. Dự kiến trong tuần tới, Công an huyện tiếp tục đi kiểm tra xử lý tuyến đường này để trả lại con đường dân sinh cho người dân đi lại...”.