(CAO) Từ ngày 1-11, trên đường mà một chiều có từ hai làn đường trở lên thì tài xế điều khiển xe chuyển sang làn bên phải để vượt xe khác không bị coi là hành vi vi phạm lỗi vượt phải.
Theo điều 14 của Luật giao thông đường bộ về "vượt xe", các phương tiện khi vượt xe khác không được phép vượt phải, trừ một số trường hợp được quy định: Khi xe phía trước có tín hiệu rẽ trái hoặc đang rẽ trái; Khi xe điện đang chạy giữa đường; Khi xe chuyên dùng đang làm việc trên đường mà không thể vượt bên trái được.
Tuy nhiên, thực tế xảy ra nhiều tình huống gây tranh cãi về việc vượt phải, vì nhiều tài xế cho rằng đó chỉ là hành động chuyển sang làn bên phải để chạy lên phía trước.
Không còn khái niệm 'vượt phải' trên một chiều đường có 2 làn trở lên - Ảnh: Internet
Về vấn đề này, mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Nguyễn Hồng Trường ký Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT ban hành quy chuẩn quốc gia về báo hiệu đường bộ, thay thế Thông tư năm 2012.
Quy chuẩn mới định nghĩa cụ thể khái niệm về vượt phải như sau: "Vượt phải là tình huống giao thông trong đó một phương tiện vượt phương tiện khác về phía bên phải của phương tiện bị vượt trên cùng một chiều đường tại các đường chỉ có một làn xe cơ giới mỗi chiều. Các phương tiện không được phép vượt phải nhau trừ một số trường hợp được quy định trong Luật Giao thông đường bộ”.
Như vậy, vượt phải chỉ bị cấm trên đường chỉ có 1 làn đường. Nếu đường mà một chiều có từ 2 làn đường trở lên thì khái niệm vượt phải sẽ không tồn tại. Khi đó, khái niệm này là "Xe trên các làn chạy nhanh hơn nhau".
Quy chuẩn nêu rõ các phương tiện trên các làn theo cùng một chiều đường của các đường có nhiều hơn 2 làn đường mỗi chiều có thể chạy nhanh hơn nhau miễn là tuân thủ quy định về tốc độ và loại phương tiện sử dụng làn đường.
Khi chuyển làn phải tuân thủ theo quy tắc giao thông đường bộ như: chuyển làn đúng nơi theo quy định; có đầy đủ tín hiệu và chạy đúng tốc độ để vượt qua.
Thông tư số 06/2016/TT-BGTVT bắt đầu có hiệu lực từ 1-11.