Làm thế nào để kéo người dân trở lại với xe buýt?

Thứ Bảy, 30/07/2022 17:01

|

(CAO) Tại hội thảo, các đại biểu đã tranh luận sôi nổi quanh nội dung: làm sao trợ giá xe buýt hiệu quả và giảm gánh nặng cho ngân sách, nếu không trợ giá thì ra sao, nếu trợ giá thì thế nào?

Ngày 28/7, Báo Giao thông tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng”, với sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp vận tải, đã nêu nhiều ý kiến và đề xuất những giải pháp nhằm giải quyết các bất cập về vận tải hành khách công cộng hiện nay.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tranh luận sôi nổi quanh nội dung "làm sao trợ giá xe buýt hiệu quả và giảm gánh nặng cho ngân sách?".

TS Lương Hoài Nam, chuyên gia giao thông cho rằng trợ giá xe buýt của TPHCM hơn 1.000 tỉ đồng/năm hiện không nhiều. Vấn đề là giao thông công cộng đang như “đứa con được nuôi mà không chịu lớn”, bế tắc ở chỗ đó. Trợ giá có thể lên đến hàng ngàn tỉ nhưng nếu lượng hành khách tăng thì không nên tiếc tiền trợ giá.

Đại diện HTX vận tải số 15 TPHCM cho biết đến thời điểm này xe buýt không trợ giá không thể tiếp tục hoạt động được. Lý do là phương tiện giao thông dày đặc, buýt chậm, hành khách vắng. Tới đây, đưa xe buýt vào đấu thầu mà chính quyền không giải quyết được vấn đề, không hạn chế được xe cá nhân, hạn chế ùn tắc thì xe buýt sớm muộn cũng sẽ chết.

Cùng quan điểm đó, lãnh đạo Công ty Bảo Yến cũng cho rằng nếu xe buýt không có trợ giá, không doanh nghiệp nào sống nổi.
 

 Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM phát biểu

Về trợ giá xe buýt, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM đưa ra ví dụ, nếu như tất cả chúng ta là người dân, giữa một bên không trợ giá, nhà nước không mất tiền, giá vé là 20 - 30 nghìn đồng; còn một bên có trợ giá, nhà nước mất tiền, giá vé 5 - 7 nghìn đồng. Vậy, người dân chọn ai? Chắc chắn sẽ chọn bên 5 - 7 nghìn.

Tôi thừa nhận, xe buýt TPHCM còn hạn chế, đôi khi quên đi chất lượng phục vụ, có kiểm soát nhưng chưa thực sự chặt chẽ. Ở một số hợp tác xã, xe buýt loại hình không trợ giá, chất lượng xe không được tốt một phần là do lịch sử để lại.

Dù trợ giá hay không, chúng ta phải giải quyết bằng bài toán đấu thầu. Nếu chỉ chăm chăm nhìn vào tiền và sản lượng thì chưa đủ. Đây là bài toán tổng thể từ mạng lưới, tốc độ lan tỏa và mức độ hài lòng của người dân.

TPHCM có đề án phát triển vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát xe cá nhân kèm 27 đề án nhỏ trong đề án tổng thể. Đề án chưa được thông qua, có rất nhiều nội dung công việc cần được tiếp tục nghiên cứu.

Sở GTVT đang tính toán đầu tư xe buýt nhỏ từ 7 - 12 chỗ phục vụ nhu cầu hành khách trong các tuyến đường nhỏ, hẻm. Về làn đường riêng cho xe buýt, Sở cũng tiếp thu ý kiến nghiên cứu làn riêng cho xe buýt đoạn từ Bến Thành đến Tân Sơn Nhất...

Ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Phó vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT phát biểu: Ngay từ đầu, nhìn thấy bảng so sánh về tiền trợ giá và lượng hành khách, tôi cũng hoang mang. Tiền trợ giá cao, lượng trợ giá thấp. VTHKCC bắt buộc phải có trợ giá. Giải pháp là sao cho trợ giá hiệu quả nhất. Nhưng quá trình phát triển phải có khởi đầu, có thời gian hoàn thiện.

Chúng ta phải đảm bảo trợ giá ổn định, không thể năm nay có nhiều tiền thì chạy nhiều, sang năm ít tiền thì chạy ít đi. Sở GTVT TPHCM cần có kế hoạch lâu dài. Đây là vấn đề tất yếu cần đầu tư, quan tâm.

Các doanh nghiệp cũng tranh luận, nếu không trợ giá thì ra sao, nếu trợ giá thì thế nào? Đây là loại hình vận tải công cộng, ngoài hiệu quả kinh doanh thì vấn đề đáp ứng nhu cầu đi lại của xã hội mới quan trọng nhất. Tuyến nào trợ giá hay không thì phải tính toán cụ thể, phù hợp.

Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang khẳng định sẵn sàng nhận lại các tuyến xe buýt tại TPHCM nếu các doanh nghiệp khác bỏ cuộc.

Ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang tự tin với chuyên môn, kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực VTHK liên tỉnh và VTHK công cộng ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, Phương Trang sẽ giải được bài toán nan giải này.

 Ông Đào Viết Ánh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang phát biểu

Theo ông Ánh, vấn đề ở chỗ phải luôn làm sao cho chất lượng dịch vụ VTHKCC ngày càng tốt hơn và tốt nhất.

Ông Ánh chia sẻ: "Với phương châm luôn lấy chất lượng xe tốt, sạch sẽ, hệ thống quản lý bằng CNTT, chất lượng dịch vụ của lái xe, nhân viên phục vụ hành khách luôn dẫn đầu, thì chúng tôi tin chắc rằng trong tương lai gần người dân TPHCM nói riêng và các tỉnh, thành có Phương Trang đầu tư VTHKCC nói chung sẽ dần quay trở lại sử dụng phương tiện xe buýt làm ưu tiên. Khi lượng khách đi lại đông thì doanh nghiệp không thể lỗ và nhà nước ít bù giá lại hoặc thậm chí không cần trợ giá, nhất là những tuyến ngắn trong nội đô".

"Chỉ có một giải pháp duy nhất là chất lượng xe buýt phải thật tốt, chất lượng phục vụ hành khách phải thật tốt, mở luồng tuyến nội đô cự ly ngắn với xe B.20 - B40 (là tối đa) nhiều hơn đáp ứng đúng nhu cầu đi lại. Xe luôn xuất phát và hành trình đúng giờ, thời gian giãn cách tối đa 10-15 phút, hoạt động từ 4 giờ sáng đến 22 giờ khuya, tuyệt đối ân cần tôn trọng hành khách, thì vấn đề đau đầu lâu nay là người dân ít đi xe buýt, trợ giá xe buýt sẽ tự triệt tiêu", ông Đào Viết Ánh khẳng định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang