Người dân TP.HCM còn đối mặt tình trạng kẹt xe "dài dài"

Thứ Sáu, 06/11/2015 16:54  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Trong thời gian tới, người dân TP.HCM sẽ phải đối mặt với tình trạng kẹt xe nghiêm trọng hơn khi lượng xe cá nhân tăng cao, trong khi cơ sở hạ tầng vẫn còn yếu và thiếu, chưa thể đáp ứng được lưu lượng phương tiện di chuyển.

Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2015 đến nay, TP.HCM có hơn 41.700 xe ô tô cá nhân đăng ký mới, chỉ tính riêng tháng 10 đã có gần 5.200 xe ô tô được đăng ký mới. Chiếu theo số liệu thống kê của Sở GTVT TP.HCM, trung bình mỗi ngày thành phố sẽ có hơn 139 xe ô tô cá nhân lưu thông, tăng 39% so với mức bình quân cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, lượng xe máy đăng ký mới lại có chiều hướng giảm khi chỉ có hơn 224.400 xe trong 10 tháng đầu năm. Trung bình mỗi ngày thành phố có khoaảng 750 xe máy đăng ký mới, giảm 25% so với năm 2014.

Cũng theo báo cáo này, trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 7,2 triệu xe các loại đăng ký mới. Trong đó, xe máy chiếm 6,7 triệu và xe ô tô hơn 500.000. Ngoài ra, còn khoảng 1 triệu xe máy của người địa phương khác vào thành phố.

Để hạn chế số lượng xe cá nhân đăng ký mới tại TP.HCM và bảo đảm nguồn thu ngân sách. Trong tháng 9 năm nay, thành phố đã tăng lệ phí cấp mới giấy đăng ký, biển số. Mức phí ô tô dưới 10 chỗ, không sử dụng kinh doanh tăng cao đến 11 triệu đồng thay vì như trước đây là 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, xe gắn máy có giá trị từ 15 triệu đồng trở xuống sẽ chịu mức phí đăng ký từ 500.000 – 750.000 đồng; xe gắn máy trên 15 triệu đồng trở lên đến 40 triệu đồng mức phí đăng ký tăng 1 triệu lên 1,5 triệu đồng; xe gắn máy trên 40 triệu đồng mức phí đóng từ 2 triệu lên 3 triệu đồng; Sơmi rơmoóc đăng ký rời, rơmoóc theo xe container tăng từ 100.000 lên 150.000 đồng.

PGS-TS Phạm Xuân Mai, phát biểu tại buổi tọa đàm

Vừa qua, PGS-TS Phạm Xuân Mai, Trưởng bộ môn Ô tô – Đại học Bách Khoa TP.HCM đã có bài báo cáo về ‘Thực trạng giao thông hiện nay’, tại buổi tọa đàm “Nâng cao cơ hội sở hữu và sử dụng xe ô tô cho người tiêu dùng Việt” trong khuôn khổ Triển lãm Ô tô Việt Nam (VMS 2015).

PGS-TS Phạm Xuân Mai cho biết: “TP.HCM và TP. Hà Nội có đặc điểm giao thông không được quy hoạch bài bản, mạng lưới đường sá không phù hợp với tốc độ phát triển giao thông thành phố. Lượng xe quá đông ảnh hưởng đến tình trạng tắc nghẽn giao thông trầm trọng. Trên địa bàn TP.HCM lượng xe gắn máy tăng trung bình 10%, bình quân 750 xe/ 1.000 dân, con số này cao hơn hẳn các nước khác. Xét tổng thiệt hại kinh tế do giao thông bất hợp lý khoảng 19.506 tỉ đồng/năm, tương đương 0,86 tỷ USD/ năm”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang