(CAO) Từ 10 giờ ngày 22/12, tất cả 14 ga của tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên đồng loạt mở cửa đón hành khách trải nghiệm miễn phí trong vòng 1 tháng (22/12/2024 – 20/01/2025). Người dân có thể lên bất kỳ các ga để trải nghiệm tuyến giao thông đường sắt đô thị này.
Đông đảo người dân tham gia trải nghiệm ngày đầu tiên tuyến
metro số 1 vận hành chính thức
Cách di chuyển đến các ga thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)
Danh sách 14 ga bao gồm: Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son, Công viên Văn Thánh, Tân Cảng, Thảo Điền, Rạch Chiếc, Phước Long, Bình Thái, Thủ Đức, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia, Bến xe Suối Tiên.
Mỗi ngày metro chạy 200 chuyến, bắt đầu từ 5-22h mỗi ngày, 5-10 phút/chuyến với số lượng 9 đoàn tàu. Mỗi đoàn có thể chở tối đa 930 người (gồm 147 chỗ ngồi và 783 chỗ đứng). Tốc độ khi tàu chạy ở ray trên cao là 110km/h và 80km/h tại đoạn ngầm. Thời gian đi từ ga Bến Thành đến ga bến xe Suối Tiên là 29 phút.
Người dân chờ tàu tại nhà ga Nhà hát Thành phố
Để thuận tiện cho lộ trình di chuyển của hành khách đến với tuyến metro số 1, hiện nay có 150 chiếc xe buýt điện thuộc 17 tuyến mới, có chức năng kết nối hành khách đến các ga và khu vực lân cận.
Để di chuyển đến các ga, người dân có thể sử dụng hệ thống xe buýt điện kết nối các nhà ga tuyến metro số 1 (miễn phí trong 30 ngày đầu hoạt động). Tại các nhà ga trên cao (trừ ga Bến xe Suối Tiên) hành khách có thể sử dụng phương tiện cá nhân và gửi xe tại các bãi giữ xe bên dưới nhà ga.
Tại 3 ga ngầm (Bến Thành, Nhà hát Thành phố, Ba Son), khách có thể sử dụng các trạm xe đạp công cộng, xe buýt… để di chuyển.
Tàu sẽ thông báo dừng tại từng ga để đón, trả khách
Thông tin thanh toán vé
Trong thời gian 30 ngày miễn phí, khách sử dụng thẻ EMV Mastercard để quét tại cổng soát vé, người chưa có thẻ được phát hành thẻ miễn phí tại 14 nhà ga. Từ 10/1 đến 20/1/2025, khách dùng Căn cước công dân gắn chíp, thẻ Căn cước; thẻ ngân hàng, thẻ EMV như Mastercard, Visa, JCB, AMEX, UPI, Napas; thẻ ảo (Apple Pay/Samsung Pay) hoặc QR Code qua ứng dụng HCMC Metro để đi tàu. Tiến độ này có thể được đẩy nhanh nếu các tổ chức thẻ phối hợp xác thực sớm thiết bị đầu đọc.
Từ 21/01/2025, người dân cần thanh toán vé khi đi tàu. Vé lượt (7.000-20.000 đồng khi thanh toán tiền mặt, 6.000-19.000 đồng khi thanh toán không tiền mặt), vé ngày (40.000 đồng), vé ba ngày (90.000 đồng), và vé tháng (300.000 đồng). Học sinh, sinh viên được giảm 50% còn 150.000 đồng/tháng. Người khuyết tật và người cao tuổi được miễn phí vé theo chính sách của TPHCM.
Không gian tầng hầm B1F của ga Nhà hát Thành phố
Những lưu ý khi trải nghiệm metro
Chương trình miễn phí trải nghiệm metro kéo dài đến 30 ngày. Người dân có thể lên bất kỳ các ga để trải nghiệm và di chuyển bằng metro, không nhất thiết phải tập trung từ ga Bến Thành và đi vào những ngày đầu.
Khi di chuyển bằng các phương tiện công cộng cần lưu ý bảo vệ tài sản cá nhân; không chen lấn, xô đẩy; tuân thủ các hướng dẫn của nhân viên vận hành tại các ga để bảo đảm di chuyển an toàn, tiện lợi.
Đồng thời, hành khách cần lưu ý không mang các chất gây cháy nổ, nguy hiểm, các đồ vật bị cấm theo quy định của pháp luật; không ăn uống, hút thuốc (bao gồm thuốc lá điện tử) trong buồng thang máy hoặc tại các khu vực đã soát vé, ke ga và trên tàu; không nói chuyện lớn tiếng hoặc sử dụng các thiết bị di động với âm lượng lớn gây khó chịu, làm phiền hành khách xung quanh.
Bảng thông tin tuyến metro số 1 (Bến thành - Suối Tiên) và các tuyến metro khác trong tương lai
Không mang các thực phẩm, đồ vật nặng mùi lên tàu. Trường hợp có mang thực phẩm, thức ăn đi kèm, hành khách bắt buộc phải sử dụng túi ni-lông cột kín để tránh gây mùi hoặc vương vãi; không dắt theo vật nuôi, thú cưng lên tàu (trừ vật nuôi nhỏ có thể bỏ trong lồng, túi kín); không mang bóng bay vào khu vực nhà ga và sảnh chờ trên tàu.
Đối với các nhà ga trên cao, hành khách tuyệt đối không được rướn người hoặc vươn tay ra khỏi chiều cao của cửa chắn, ke ga; không dựa vào cửa tàu và luôn giữ tay tránh xa các khe cửa tàu; không tự ý mở cửa sổ trên tàu. Không được vượt qua vạch màu vàng an toàn được kẻ tại khu vực cửa chắn ke ga; không xả rác hoặc vứt bỏ vật cứng xuống khu vực ke ga và đường ray; không cố gắng lên tàu, rời tàu khi cửa tàu đang đóng hoặc có tín hiệu báo đóng.
Hào hứng ngắm nhìn TPHCM từ đường sắt trên cao
Không thực hiện các hành vi quấy rối, vi phạm thuần phong mỹ tục và đạo đức đối với hành khách và nhân viên vận hành; không chèo kéo, gạ gẫm mua bán và bán hàng rong; không tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật, quay video quảng cáo tại khu vực nhà ga và trên tàu (trừ các trường hợp đã được cấp phép).
Lộ trình 17 tuyến buýt
Tuyến 153: Tàu thủy Bình An - đường liên phường (kết nối nhà ga An Phú)
Tuyến 154: Khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi - Masteri An Phú (kết nối nhà ga Rạch Chiếc, ga An Phú)
Tuyến 155: Bến xe buýt Sài Gòn - Nhà hát thành phố (kết nối nhà ga Bến Thành và nhà ga Nhà hát thành phố, ga Ba Son)
Tuyến 156: Bến xe buýt Sài Gòn - ga Hòa Hưng (kết nối nhà ga Bến Thành)
Tuyến 157: Bến xe buýt Văn Thánh - chung cư Đức Khải (kết nối nhà ga Thảo Điền)
Tuyến 158: Bến xe buýt Văn Thánh - cư xá Thanh Đa (kết nối nhà ga Tân Cảng)
Tuyến 159: Chung cư Ngô Tất Tố - ngã tư Hàng Xanh (kết nối nhà ga Văn Thánh)
Tuyến 160: Ga Văn Thánh - Vinhomes Central Park (kết nối nhà ga Văn Thánh)
Tuyến 161: Bến xe Văn Thánh - bến xe Ngã Tư Ga (kết nối nhà ga Tân Cảng)
Tuyến 162: Chung cư Man Thiện - Trường THCS Hoa Lư (kết nối nhà ga Bình Thái và nhà ga Thủ Đức)
Tuyến 163: Cao đẳng Công Thương - Trường THCS Phước Bình (kết nối nhà ga Bình Thái)
Tuyến 164: Đại học Nông Lâm - chung cư Topaz (kết nối nhà ga Khu công nghệ cao và nhà ga Đại học Quốc gia)
Tuyến 165: Đại học Nông Lâm - Khu công nghệ cao (kết nối nhà ga Khu công nghệ cao)
Tuyến 166: Đại học Quốc gia - Suối Tiên (kết nối nhà ga Đại học Quốc gia)
Tuyến 167: Đại học Nông Lâm - Khu chế xuất Linh Trung 1 (kết nối nhà ga Khu công nghệ cao)
Tuyến 168: Đại học Sư phạm kỹ thuật - ngã tư Bình Thái (kết nối nhà ga Bình Thái, ga Thủ Đức)
Tuyến số 169: Vincom Thủ Đức - ngã tư Tây Hòa (kết nối nhà ga Bình Thái).