CSGT TPHCM ra quân kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế

Thứ Sáu, 07/07/2017 11:58

|

(CAO) Tối 6-7, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt – PC67 (Công an TP HCM) đã tiến hành ra quân kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế.

Theo PC67, mô hình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế là phương pháp được triển khai áp dụng từ năm 2014. Đây là mô hình kiểm soát nồng độ cồn tiến hành tại Trạm Cảnh sát giao thông hoặc tại một địa điểm trên đường giao thông nhưng phải đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức triển khai kiểm soát xử lý vi phạm không gây ùn tắc giao thông.

Phương pháp này được PC67 áp dụng xử phạt và đã phát huy nhiều ưu điểm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể, mô hình giúp lực lượng CSGT cùng lúc tiến hành kiểm tra nhiều phương tiện từ đó mang lại hiệu quả cao, tạo sự thuận lợi cho người điều khiển phương tiện, góp phần tuyên truyền, tạo sự răn đe chung, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho các lái xe và luôn đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ khi thi hành nhiệm vụ.

Người điều khiển phương tiện thực hiện nói vào máy đo để kiểm tra nồng độ trong hơi thở ở giai đoạn 1 của quá trình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế.

Tiếp tục phát huy những kết quả tích cực này, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TP HCM đã tổ chức triển khai nhân rộng mô hình, phương pháp hay trong kiểm tra, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn mà cụ thể là xử phạt nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế.

Trong đợt ra quân, các đơn vị thuộc PC67 được tổ chức thành 4 cụm công tác luân phiên thực hiện chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế trên địa bàn thành phố, tập trung tại các tuyến đường phù hợp cho việc bố trí mô hình kiểm tra. Mỗi cụm bao gồm 4 đơn vị sẽ luân phiên thực hiện công tác kiểm tra, xử phạt nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế vào các ngày trong thời gian 1 tuần từ 20 giờ đến 24 giờ đêm mỗi ngày.

Tối 6-7, trên Quốc lộ 1A, Đội CSGT An Lạc - Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an TP HCM đã tiến hành ra quân kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông theo kinh nghiệm quốc tế.

Sau khi lập chốt kiểm tra nồng độ cồn, tổ công tác đã mời nhiều người điều khiển phương tiện vào thực hiện giai đoạn 1 của quá trình kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Ở giai đoạn này, tổ công tác dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động, không cần dùng ống thổi để kiểm tra. Người điều khiển phương tiện chỉ cần nói vào máy đo để xác định có nồng độ cồn trong hơi thở hay không.

Qua quá trình kiểm tra, tổ công tác phát hiện 2 trường hợp người điều khiển phương tiện (01 trường hợp điều khiển xe ô tô và 01 trường hợp điều khiển xe máy) được máy đo “cảnh báo” có nồng độ cồn trong hơi thở. Ngay sau đó, cả hai người người điều khiển phương tiện được mời thực hiện giai đoạn 2 của quá trình kiểm tra.

Ở giai đoạn 2, tại khu vực xử lý, cán bộ thuộc tổ công tác đã tiến hành kiểm tra giấy tờ của người, của phương tiện và dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng có ống thổi để kiểm tra xác định mức độ vi phạm. Kết quả đo cho thấy, cả 2 trường hợp người điều khiển phương tiện này đều có nồng độ cồn vượt mức cho phép. Ngay lập tức, tổ công tác tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ 2 phương tiện nói trên.

 
Video: Đội CSGT An Lạc - Phòng CSGT đường bộ-đường sắt ra quân kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế.

Trung tá Trương Trần Minh Tuấn, Đội Trưởng Đội CSGT An Lạc - Phòng CSGT đường bộ-đường sắt (PC67) cho biết, trong thời gian qua ngoài việc xử lý cương quyết đối với những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, đơn vị cũng phải tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu được những hệ lụy của việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông.

Nói về trường hợp vấp phải sự chống đối của người vi phạm, Trung tá Trương Trần Minh Tuấn cũng cho rằng: “Trong quá trình xử lý vi phạm nồng độ cồn thì không tránh khỏi việc người vi phạm sẽ gây khó khăn đối với lực lượng làm nhiệm vụ. Có khả năng dẫn đến việc chống người thi hành công vụ. Đối với những trường hợp này, trong quá trình xử lý vi phạm, lực lượng sẽ áp dụng việc ghi hình. Đồng thời sẽ phối hợp với địa phương để xử lý vi phạm và cương quyết đối với trường hợp chống người thi hành công vụ”.

*Một số hình ảnh cụ thể về mô hình đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế mà phóng viên ghi nhận được

Tại khu vực kiểm tra có bố trí biển báo “Chốt kiểm tra nồng độ cồn”, làn đường kiểm soát nồng độ được bố trí, phân làn bằng các cọc phản quang hình chóp nón bằng nhựa hoặc cao su.Trước chốt kiểm tra nồng độ cồn, CSGT được bố trí sẽ ra hiệu lệnh cho các phương tiện giảm tốc độ và hướng dẫn đi vào làn đường theo quy định để tới vị trí kiểm tra.

Khi đến vị trí kiểm tra, việc kiểm tra được tiến hành theo 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1: Tổ công tác sẽ dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ thụ động, không cần dùng ống thổi để kiểm tra. Người điều khiển phương tiện chỉ cần nói vào máy đo để xác định có nồng độ cồn trong hơi thở hay không.
Cách đo này sẽ giúp tiết kiệm thời gian, người lái xe có thể ngồi trên xe để thực kiện kiểm tra mà không cần xuống xe. Nếu không phát hiện nồng độ cồn trong hơi thở người điều khiển phương tiện, cán bộ CSGT ở tổ công tác sẽ nói cám ơn và hướng dẫn người lái xe tiếp tục hành trình.
Trường hợp phát hiện có vi phạm quỵ về nồng độ cồn, máy đo sẽ hiển thị “cảnh báo”, lúc này CSGT sẽ mời người điều khiển phương tiện vào khu vực xử lý.
Ở giai đoạn 2, tại khu vực xử lý, cán bộ thuộc tổ công tác sẽ tiến hành kiểm tra giấy tờ của người, của phương tiện và dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng có ống thổi để kiểm tra xác định mức độ vi phạm.
Nếu nồng độ cồn vượt quá mức sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

Bình luận (0)

Lên đầu trang