(CAO) Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường ký Quyết định số 1339/QĐ-UBND phê duyệt Dự án thành phần 3: bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho tuyến đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đoạn qua địa phận TP.HCM.
Dự án nhằm hoàn tất công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho các nhà thầu thực hiện thi công hai hạng mục chính: đầu tư xây dựng tuyến cao tốc và hệ thống đường gom dân sinh, cầu vượt ngang. Dự án có chiều dài khoảng 24,7 km, đi qua 11 xã thuộc huyện Củ Chi gồm: Tân Thạnh Đông, Tân Thạnh Tây, Tân Phú Trung, Phú Hòa Đông, Phước Vĩnh An, Tân An Hội, Nhuận Đức, Phước Hiệp, Trung Lập Hạ, Trung Lập Thượng, Phước Thạnh.
Điểm đầu giao với đường Vành đai 3 TP.HCM thuộc xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi. Điểm cuối giáp ranh giới địa phận TP.HCM với tỉnh Tây Ninh thuộc xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi.

Phối cảnh dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
Dự kiến tổng diện tích đất bị ảnh hưởng hơn 2,2 triệu m² với hơn 254 căn nhà bị ảnh hưởng và khoảng 2.177 hộ dân nằm trong diện thu hồi đất. Trong đó, diện tích đất ở ảnh hưởng dự kiến: 61.614 m2; Diện tích đất nông nghiệp ảnh hưởng dự kiến: 1.902.152 m2; Diện tích đất phi nông nghiệp không phải đất ở ảnh hưởng dự kiến: 14.430 m2…
Theo kế hoạch, Tổng mức đầu tư dự án trên 5.000 tỷ đồng, trong đó vốn Ngân sách Trung ương 1.368 tỷ đồng, còn lại hơn 3.684 đồng là vốn ngân sách TP.HCM.
Quỹ nền đất, căn hộ tái định cư cho người dân được bố trí tại khu tái định cư phục vụ dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài và các dự án công ích khác tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi.
UBND TP.HCM giao huyện Củ Chi bàn giao mặt bằng phần đất công không phải bồi thường để khởi công hạng mục rà phá bom mìn vào ngày 30-4; đồng thời tiến hành lập và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong Quý II năm 2025 để tiến hành chi trả bồi thường, cưỡng chế (nếu có) ngay trong Quý III-IV năm 2025; đến Quý II/2027: hoàn thành di dời hạ tầng kỹ thuật và quyết toán dự án.
Tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài có tổng chiều dài 51,2 km là tuyến cao tốc quan trọng trong mạng lưới giao thông quốc gia, góp phần giảm tải cho Quốc lộ 22 – tuyến đường hiện hữu thường xuyên quá tải – và kết nối trực tiếp TP.HCM với hành lang kinh tế xuyên Á, thúc đẩy thương mại giữa Việt Nam và Campuchia.
Tổng mức đầu tư dự án (bao gồm lãi vay) là 19.617 tỉ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); trong đó, phần ngân sách Nhà nước hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây dựng đường gom và các hạ tầng phụ trợ.