Dự án quan trọng quốc gia
Liên quan đến DA này, nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trước đó UBND TPHCM đã có tờ trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) DA đầu tư XD đường VĐ4 TPHCM. Trong đó, UBND TPHCM và UBND các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã tổ chức lập BCNCTKT các dự án thành phần (DATP). Riêng DATP trên địa phận tỉnh Bình Dương đã được HĐND tỉnh này thông qua và đang triển khai thực hiện.
Cũng theo tờ trình, quá trình triển khai thực hiện DA đầu tư XD đường VĐ4 TPHCM, các địa phương đã gặp một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến trình đầu tư (ĐT). Trên cơ sở đề xuất của các địa phương và Bộ Giao thông vận tải, Thủ tướng giao UBND TPHCM là cơ quan đầu mối tổng hợp việc triển khai thực hiện các DA xây dựng tuyến đường VĐ4, báo cáo các cấp thẩm quyền phương án ĐT tuyến này bảo đảm tính khả thi.

Một đoạn đường Vành đai 4 qua khu vực Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương đã được đầu tư xây dựng. Ảnh: C.T.V
Đây là DA quan trọng quốc gia đi qua TPHCM và các tỉnh: BR-VT, Đồng Nai, Long An, Bình Dương, giữ vai trò liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), là trục xuyên tâm đi qua các địa phương và là tuyến VĐ cao tốc đô thị của TPHCM. Một số đoạn của đường VĐ4 TPHCM đã được ĐT; còn lại phần lớn chưa được ĐT theo tiến trình đã xác định trong các quy hoạch ngành, địa phương.
Dự kiến sau khi hoàn thành, đường VĐ4 TPHCM sẽ đạt mục tiêu chung là góp phần hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tạo tiền đề để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cụ thể hơn, sẽ giúp kết nối các trung tâm kinh tế (KT), khu KT, khu công nghiệp (KCN) trọng yếu, các đô thị vệ tinh của TPHCM với vùng KT trọng điểm phía Nam nhằm phát huy tối đa hiệu quả lợi thế các tỉnh, liên kết và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường bộ cao tốc, các quốc lộ hướng tâm đã và đang triển khai để phát huy hiệu quả những tuyến này; phát huy được vai trò, tiềm năng, thế mạnh và chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển lẫn nhau giữa TPHCM với các tỉnh lân cận; tạo trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, từ đó thúc đẩy lưu thông hàng hóa từ các KCN, khu đô thị đến các cảng biển, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và ngược lại; kết nối các đô thị trong vùng, KCN trong vùng, tạo liên kết vùng, phát triển KT-XH vùng KT trọng điểm phía Nam. Bên cạnh đó, tuyến này sẽ giúp giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm đô thị; góp phần hình thành VĐ công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo VĐ4 TPHCM phát triển các KV đô thị, công nghiệp, các trung tâm dịch vụ trên cơ sở khai thác không gian phát triển mới; tạo thành chuỗi liên kết liên ngành, liên địa phương hiệu quả, cũng như tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai đồng thời tận dụng các KV thuận lợi cho phát triển đô thị cần bổ sung thêm dân số để góp phần điều tiết dân số cho KV nội đô và sử dụng đất hiệu quả, tạo nguồn vốn để ĐT phát triển hạ tầng, KT.
Do đó, theo UBND TPHCM, việc đầu tư DA là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhằm sớm đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả KT-XH, bảo đảm phục vụ an ninh - quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và TPHCM
Dự kiến hoàn thành dự án vào năm 2028
Quá trình nghiên cứu BCNCTKT các DATP, các địa phương đã nghiên cứu nhiều phương án ĐT khác nhau (ĐT công, ĐT theo phương thức đối tác công tư - BT, BOT); trên cơ sở nguồn lực, khả năng cân đối vốn của các địa phương, tính khả thi, hiệu quả khi triển khai DA; phân tích, đánh giá ưu nhược điểm từng phương án, từ đó các địa phương thống nhất lựa chọn loại Hợp đồng BOT (hình thức XD - kinh doanh - chuyển giao) để triển khai DA trình các cấp thẩm quyền xem xét.
Trong đó, phạm vi ĐT được tính từ điểm đầu tuyến: tại lý trình khoảng Km40+00 (lý trình đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), xã Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT; điểm cuối tuyến: nối với đường trục Bắc - Nam tại KV cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM. Tổng chiều dài khoảng 159,31km, đi qua địa phận: BR-VT (dài khoảng 18,23km), Đồng Nai (khoảng 46,08km), TPHCM (khoảng 16,7km), Long An (khoảng 78,3km). Đoạn đi qua địa phận tỉnh Bình Dương khoảng 47,95km triển khai ĐT độc lập theo chủ trương ĐT dự án đã được HĐND tỉnh này thông qua.
Đáng lưu ý, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chi tiết đường VĐ4 TPHCM dài 197,6km, thuộc đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 100km/h, mặt cắt ngang 6-8 làn xe cao tốc có đường song hành 2 bên và các hành lang để bố trí cây xanh, công trình hạ tầng kỹ thuật, dự trữ mở rộng. Đây là tuyến VĐ cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy mô 8 làn xe, ĐT trước năm 2030.
Trên cơ sở các quy hoạch, quy chuẩn, khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, UBND TPHCM và UBND các tỉnh Long An, Đồng Nai, BR-VT thống nhất kiến nghị ĐT phân kỳ với hình thức ĐT theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại Hợp đồng XD - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT), có sự tham gia của nguồn vốn nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương), phần còn lại là nguồn vốn của nhà đầu tư (NĐT).
Nhằm bảo đảm tính đồng bộ, kết nối giao thông trên toàn tuyến, bảo đảm tính hiệu quả, khả thi, đẩy nhanh tiến độ triển khai DA, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai và tổ chức thu phí, cùng với các cơ chế chính sách dự kiến đề xuất trong DA, UBND TPHCM và các tỉnh đã kiến nghị phân chia các DATP; gồm: Nhóm DATP: bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (BT-HT-TĐC), XD đường gom, đường song hành (DATP1) và Nhóm DATP thực hiện đầu tư XD tuyến chính cao tốc (DATP2).
Theo kế hoạch, tổng diện tích đất chiếm dụng khi thực hiện DA này khoảng 1.415,49ha ( cụ thể, huyện Củ Chi - TPHCM khoảng 173,64ha, tỉnh BR-VT khoảng 146,8ha, tỉnh Đồng Nai khoảng 482,68ha, tỉnh Long An khoảng 579,51ha, huyện Nhà Bè - TPHCM khoảng 32,86ha); trong đó đất trồng lúa khoảng 455,71ha, đất nông nghiệp khác khoảng 245,16ha, đất ở khoảng 152,21ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 511,33ha, đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp khoảng 5,9ha; đất khác khoảng 45,18ha; số hộ bị ảnh hưởng khoảng 5.862 (cụ thể huyện Củ Chi 1.253 hộ, tỉnh BR-VT 595 hộ, tỉnh Đồng Nai 1.697 hộ, tỉnh Long An 2.290 hộ, huyện Nhà Bè 27 hộ).
Về tính toán sơ bộ kinh phí BT, HT, TĐC cho DA này khoảng 40.994,42 tỉ đồng. Tổng mức ĐT giai đoạn phân kỳ ĐT (giai đoạn 1) của DA ước tính khoảng 122.774,28 tỉ đồng. Phương án huy động nguồn vốn và cân đối vốn từ nhiều nguồn, bao gồm: nguồn vốn ngân sách trung ương cho giai đoạn 2021-2025: 20 tỉ đồng; giai đoạn 2026-2030: khoảng 31.013,24 tỉ đồng. Nguồn vốn NS địa phương cho giai đoạn 2021-2025: khoảng 2.131,04 tỉ đồng; giai đoạn 2026-2030: khoảng 36.500,94 tỉ đồng. Ngoài ra, còn nguồn vốn BOT: khoảng 53.109,07 tỉ đồng, huy động từ vốn NĐT và vốn vay.
UBND TPHCM cũng cho biết về các mốc thời gian triển khai DA: chuẩn bị DA: năm 2024 - 2025; lựa chọn NĐT: năm 2025; công tác BT-HT-TĐC: từ năm 2025, hoàn thành năm 2026, thi công XD: khởi công quý I, II năm 2026, hoàn thành năm 2028.