(CATP) Chúng ta đều biết một phương tiện đang lưu thông trên đường (khi đèn xanh) muốn dừng lại (lúc đèn đỏ) phải có thời gian giảm tốc độ.
Đó là lý do phải có đèn vàng với chức năng báo hiệu và dành thời gian cho phương tiện giảm tốc độ để dừng lại. Do đó, không thể có “lỗi vượt đèn vàng”.
Thời gian đèn vàng sáng phải đủ để phương tiện giảm tốc độ và dừng lại (phụ thuộc vào loại phương tiện, điều kiện đường sá, trình độ người điều khiển phương tiện...). Khi đèn vàng bật sáng có 2 trường hợp xảy ra: Phương tiện có thể giảm tốc độ và ngừng lại trước vạch dừng trước khi đèn đỏ bật sáng, trường hợp này phương tiện phải giảm tốc độ và dừng lại trước vạch dừng; nếu phương tiện giảm tốc độ và dừng lại thì sẽ ngừng sau vạch dừng, trường hợp này phương tiện không được giảm tốc độ khi đèn vàng bật sáng mà phải lưu thông bình thường.
Để giúp người điều khiển phương tiện biết mình đang ở trường hợp nào khi đèn vàng bật sáng thì đi kèm với đèn vàng phải có đồng hồ đếm ngược thời gian. Nếu không có đồng hồ này thì không thể xử phạt “lỗi vượt đèn đỏ”.
Theo điểm c, khoản 3, điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì: “Tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”. Ai cũng thấy điểm c này sai, vì trong trường hợp đèn vàng bật sáng mà khoảng cách giữa phương tiện và vạch dừng nhỏ hơn khoảng cách tối thiểu để phương tiện có thể giảm tốc độ và dừng lại thì không ai, kể cả những người soạn ra điểm c này, có thể ngừng phương tiện trước vạch dừng được, tức là đành phải “cắn răng” chịu phạt! Khi điều luật đã sai thì không thể áp dụng và cần phải sửa!
Theo điều 10.3.2 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT của Bộ Giao thông vận tải thì: “Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe ngừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”. Nếu không có vạch sơn này thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau”.
Điều 10.3.2 này cũng sai tương tự điểm c, khoản 3, điều 10 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, ngoài ra còn thêm cái sai nữa là đưa ra khái niệm không rõ ràng là “trường hợp phương tiện đã tiến sát đến vạch dừng xe” mà không giải thích thế nào là “tiến sát đến” và “nếu dừng lại sẽ nguy hiểm” mà không giải thích thế nào là “nguy hiểm”! Cũng như trên, khi điều 10.3.2 đã sai thì không thể áp dụng và cần phải sửa!
Như vậy, kể từ ngày 1-8-2016 theo tôi không nên xử phạt “lỗi vượt đèn vàng” theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP.
Lâm Tấn Lợi (Giám đốc Công ty Duy Lợi)