TP.HCM:

Ngôi Miếu nổi tuổi đời 3 thế kỷ

Thứ Bảy, 08/10/2016 05:08  | Hoàng Sơn

|

(CAO) Phù Châu miếu hay còn gọi là Miếu nổi nằm giữa nhánh sông Sài Gòn (TP.HCM); ngôi miếu linh thiêng có tuổi đời 3 thế kỷ với hàng trăm con rồng.

Phù Châu Miếu

Miếu nổi với lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa nét văn hóa Việt - Hoa và vị trí khá lạ khi nằm trên một cù lao giữa con sông Vàm Thuật đoạn chảy qua Q.Gò Vấp và Q.12 (xưa được gọi là Bến Cát).

Cách đây 300 năm trước (thời vua Gia Long), nơi đây chỉ là một cồn nhỏ giữa sông (nay thuộc P.5, Q.Gò Vấp) diện tích 2500 mét vuông, phần chân xung quanh với nhiều tảng đá xanh lồi lõm. Địa hình khá là độc, lạ nên dân gian thường gọi là Miếu nổi, khách thập phương muốn đến miếu phải di chuyển bằng đò.

 
Tương truyền cách đây hơn trăm năm, có một ngư dân đang đánh bắt cá thì vớt được pho tượng – bà con cho rằng là tượng bà Thủy Tề; từ đó người dân lập ngôi miếu thờ bà Thủy Tề tại cồn đất bỏ hoang. Các tiểu thương, tàu thuyền khi đi ngang miếu thường đến viếng cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, buôn may bán đắt.

Trước năm 1975, Phù Châu miếu được người dân, khách thập phương đến cúng viếng rất đông. Tuy nhiên sau đó một thời gian miếu bị bỏ hoang, Ông Lục Câu (người gốc Hoa, sinh sống tại địa phương) đã tự đứng ra bỏ tiền và vận động hàng xóm xung quanh trùng tu lại miếu.

Việc phác thảo, đắp hình tượng tại miếu đều do ông Lục Câu thực hiện. Sau nhiều lần trùng tu Phù Châu miếu đã trở nên khang trang và lối kiến trúc đặc sắc pha lẫn nét văn hóa Việt – Hoa.

Điểm ấn tượng đối với những người từng đến với Miếu không chỉ vì địa thế mà việc hình ảnh những con rồng được trạm trổ công phu được đặt khắp nơi trong miếu. Hơn 100 con rồng lớn nhỏ với nhiều tư thế khác nhau, nơi đây có thể gọi nôm na là “thế giới của rồng thu nhỏ”.

Ngay cổng vào có đôi rồng to được đắp nổi cần bằng sứ với dáng song long đấu đầu. Trên nóc mỗi gian của miếu đều được trang trí đôi trồng chầu hạt ngọc, rồng chầu tháp Cửu phẩm, rồng chầu cuốn thư. Tại những đầu đao cong 4 góc là hình tượng Long – Ly – Quy - Phụng; bên trong miếu với nhiều hình tượng con rồng cẩn sứ uốn lượn ôm lấy thân cột.

Tổng quan kiến trúc miếu được thiết kế với nhiều hình tượng tín ngưỡng dân gian mang màu sắc vật linh giáo của người Hoa. Hai bên tường với bức phù điêu Thập Bát La Hán. Khu tiền điện thờ Phật Tổ Như Lao, Phật Di Lặc, Địa Mẫu; phía bên hông là Quan âm Chuẩn Đề. Trong điện thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), Tề Thiên Đại Thánh, Bà Chúa Xứ Châu Đốc và Cửu Huyền, Quan Công, Bao Công, Kim Mẫu, Long Thần, Hộ Pháp, Thần Ngũ Hổ,…

Với tuổi đời 3 thế kỷ, Phù Châu Miếu đã chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử hình thành vùng đất Sài Gòn – Gia Định và quá trình phát triển của TP.HCM. Tại khuôn viên với nhiều mảng xanh và một cây si cổ thụ hơn trăm năm của miếu, du khách chỉ có thể nghe được tiếng tàu chạy trên sông, tiếng nước vỗ vào bờ đá, thưởng thức cảm giác thư thái quên đi sự mệt mỏi, xô bồ của cuộc sống thường ngày.

Năm 2010, Phù Châu Miếu được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Thành phố và hiện là một trong số ít những ngôi miếu còn giữ được nét hoang sơ của Sài Gòn xưa.

Một số hình ảnh Phù Châu Miếu:

Bình luận (0)

Lên đầu trang