(CAO) "Một chút”, hai từ ngắn ngủi, tưởng như nhẹ nhàng, mà lại gói trọn trong đó bao cảm xúc ngọt ngào và xót xa, niềm vui hòa bình cùng nỗi đau chiến tranh, sự sống và cái chết, lý tưởng và hiện thực, quá khứ và hiện tại. Tác phẩm Một chút của soạn giả Hà Nam Quang không chỉ là một bài ca vọng cổ đơn thuần mà là một bản tráng ca hào hùng thấm đẫm tính nhân văn, khiến người nghe bồi hồi, lặng người trước những mất mát, hy sinh mà chiến thắng phải đánh đổi.
Bài hát mở đầu bằng một khung cảnh đầy khí thế: ngày 30-4-1975, thời khắc lịch sử khi quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn, khép lại 21 năm chiến tranh chống xâm lược và chia cắt đất nước. Lời “nói” vang lên như lời hiệu triệu, như tiếng gọi đồng đội giữa trận tuyến: “Các đồng chí ơi, một chút nữa, cờ Mặt trận sẽ tung bay trên dinh thự ngụy. Thống nhất rồi, toàn thắng sẽ về ta”. Từ “một chút” ở đây không chỉ mang nghĩa thời gian – một khoảnh khắc nữa thôi – mà còn là điểm hội tụ của bao nỗ lực, gian khổ, đợi chờ trong suốt hành trình trường kỳ kháng chiến.
Điệp khúc “một chút” được lặp lại nhiều lần trong suốt bài hát, mỗi lần là một tầng nghĩa khác nhau, như từng lát cắt cảm xúc khắc sâu vào tâm trí người nghe. Trong câu chuyện được kể bằng chất liệu vọng cổ và lý con sáo, hình ảnh người chiến sĩ ôm chặt lá cờ, lao lên giữa làn đạn thù, mắt rực sáng, máu đổ nhưng môi vẫn nở nụ cười, là một biểu tượng bi tráng của tinh thần chiến đấu quả cảm, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng lớn lao.
Hẳn hình tượng người chiến sĩ ngã xuống ở những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến làm chúng ta bồi hồi nhớ đến những liệt sĩ đã hy sinh trong hành trình “tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô”. Một trong những cuộc chiến đấu ác liệt là trận kịch chiến tại khu vực ngã tư Bảy Hiền – Lăng Cha Cả. Đây là trận đánh của lực lượng Quân đoàn 3 trên đường tiến công đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, chỉ trước vài giờ cái thời khắc đầu hàng của chính quyền Sài Gòn, làm 25 cán bộ chiến sĩ xe tăng hy sinh. Những anh hùng ở ngày đặc biệt này sau đó được an táng tại Nghĩa trang Tân Xuân… Chỉ riêng nghĩa trang nằm ở mặt đường quốc lộ 22 (huyện Hóc Môn) này có 476 liệt sĩ thì có đến 108 người hy sinh ngày 30-4-1975!

Soạn giả Hà Nam Quang trong một lần ra thăm lăng Bác. Ảnh: ST
Vậy đó, cái chết đến với người chiến sĩ trong khoảnh khắc “một chút” ấy, chỉ còn một chút trước khi hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng, nhưng giấc mơ hòa bình, giấc mơ đất nước thống nhất vẫn cháy ngời trong đôi mắt chưa khép. Anh cố nhìn đồng đội, nhìn lại quê hương thêm một chút. Chính cái “một chút” không trọn vẹn ấy lại khiến người nghe thổn thức hơn bất cứ lời bi thương nào. Đó không phải là một cái chết đơn độc, mà là một sự hóa thân, bất tử trong lý tưởng, như lời vọng cổ kết: “Một chút của quê hương hào hùng trang sử mới, một chút của anh bất tử tháng tư hồng”.
Ở phần tiếp theo, bài hát đưa người nghe trở về hiện tại, nơi người đồng đội cũ – “tôi” – ngồi bên mộ bạn giữa ngày 30-4 rực nắng, sau 20 năm. Giọng điệu chuyển từ hùng tráng sang sâu lắng, suy tư. “20 năm đất nước trọn hương đời/ Anh trẻ mãi, tóc tôi giờ đã bạc…” Những câu vọng cổ như lời độc thoại nội tâm, dằn vặt, chiêm nghiệm: có người đã hy sinh trong khoảnh khắc ngắn ngủi của chiến thắng, có người sống sót sau chiến tranh nhưng gục ngã trước cám dỗ đời thường. “Có người không chết giữa chiến trường mà gục ngã giữa phù hoa”. Câu hát ấy là một lời nhắc nhở, cũng là tiếng thở dài cho thân phận những người từng cận kề với cái chết giờ lại có địa vị giữa thời bình.
Ở đoạn này, dù không có nhiều lời, ý tưởng cũng chỉ thoáng qua nhưng hàm ý rất sâu sắc. 20 năm sau ngày hòa bình, bấy giờ đất nước đang đổi mới và phát triển mạnh mẽ, thì mặt trái của cơ chế thị trường cũng là tha hóa nhiều cán bộ, đảng viên, những người từng anh dũng vượt qua bom đạn nhưng lại gục ngã trước những viên đạn bọc đường. Bài ca trở thành một lời nhắc nhở, cảnh tỉnh đối với những người đang sống, đang được thụ hưởng thành quả của người đi trước, trong đó có những người hy sinh ngay “một chút” cuối cùng của cuộc chiến!
So với những bản vọng cổ truyền thống thường tập trung vào tình cảm lứa đôi hay tấm lòng trung hiếu, Một chút mang tinh thần sử thi hiện đại rõ rệt. Hà Nam Quang không kể chuyện theo trình tự, mà đan xen hiện tại – quá khứ, ký ức – thực tại, giống như dòng hồi tưởng chảy mãi trong lòng người ở lại. Chất liệu âm nhạc dân gian Nam Bộ được vận dụng nhuần nhuyễn: lý con sáo mượt mà, ngân nga như tiếng ru ký ức, vọng cổ trầm hùng, tha thiết như nỗi lòng người tri kỷ. Sự phối hợp đó khiến bài hát không chỉ gợi cảm xúc mà còn tạo chiều sâu nghệ thuật.
Một chi tiết đặc biệt khác là hình ảnh “bia đá” và “chén rượu” – vừa là lễ vật tưởng niệm, vừa là biểu tượng của sự kết nối thiêng liêng giữa người sống và người đã khuất. “Đây chung rượu, tôi rót ra mời bạn/ Bia đá thâm trầm hút cạn lòng tôi”. Trong hơi rượu cay, là kỷ niệm, là dằn vặt, là niềm tự hào, là nỗi tiếc thương. Đó cũng là khoảnh khắc để người sống nhìn lại mình, soi lại lý tưởng, hành trình, niềm tin – điều mà đôi khi trong cuộc sống thường nhật dễ bị lãng quên.
Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, nhưng Một chút vẫn còn nguyên tính thời sự trong cảm thức người Việt. Nó khiến người nghe không chỉ xúc động, mà còn tự vấn: chúng ta đã làm gì để xứng đáng với máu xương cha anh? Những “một chút” mà người đi trước chưa kịp thực hiện – một cái nắm tay, một mùa xuân đoàn tụ, một ước mơ sống đời thường – liệu thế hệ hôm nay có đang thực hiện thay họ?
“Một chút lặng thầm giữa trưa tháng tư/ Theo khói hương trắng bay về đâu…”, câu kết của điệu Lý con sáo nhẹ như gió, nhưng lại lay động sâu sắc. Nó không đặt dấu chấm hết, mà mở ra một sự tiếp nối, một lời nhắn gửi cho thế hệ sau. Có thể nói, Một chút là một tác phẩm hiếm hoi hội tụ được cả ba yếu tố: nội dung sâu sắc, hình ảnh giàu chất biểu tượng và ngôn ngữ âm nhạc tinh tế.
Tác phẩm không chỉ tôn vinh chiến thắng của ngày 30-4 lịch sử mà còn là lời tri ân với những người đã hy sinh cho ngày toàn thắng. Qua đó, soạn giả Hà Nam Quang không chỉ viết nên một bài hát, mà đã dựng nên một tượng đài ký nức – nơi mỗi người Việt có thể lặng lẽ nghiêng mình và tự nhủ: xin được sống tốt hơn, để không phụ những “một chút” thiêng liêng đã hóa thành bất tử.
30 năm qua, có khá nhiều người thể hiện thành công bài ca cổ Một chút nhưng có lẽ có hai người để lại ấn tượng sâu đậm hơn cả, với hai phong cách khác nhau. Nghệ sĩ Trần Kim Lợi hát bài vọng cổ này trên sóng phát thanh từ những ngày mới ra đời; với chất giọng trầm ấm, bài hát của anh mang nhiều suy tưởng, lắng đọng. Còn nghệ sĩ Minh Trường có giọng ca trong trẻo, khỏe khoắn nhưng không kém phần rưng rức, đầy xúc cảm.
Cứ mỗi dịp 30-4, nghe lại Một chút, chúng ta lại dâng lên bao nhiêu cảm xúc và thêm trách nhiệm với đất nước, để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh!
Soạn giả Hà Nam Quang tên thật là Hà Thị Mỹ Dung (1954 – 2021) quê tại An Giang. Bà đã viết gần 500 bài vọng cổ, trên 100 kịch bản cải lương cùng rất nhiều chặp cải lương khác nhau ở nhiều đề tài sau gần 40 năm đi khắp mảnh đất phương Nam. Soạn giả Hà Nam Quang là một trong những cây bút nữ tiêu biểu, đã đóng góp nhiều cho sân khấu cải lương khu vực phía Nam nói riêng và cả nước nói chung với nhiều tác phẩm có giá trị. Với phong cách sáng tác giàu chất thơ, ngôn ngữ giàu hình tượng, mỗi bài ca cổ và kịch bản cải lương của bà luôn mang lại cho nghệ sĩ sự thăng hoa trong cách thể hiện.
Soạn giả Hà Nam Quang thành danh từ kịch bản cải lương đầu tay mang tên "Ngọn cờ Long Hưng" được Đài Truyền hình TPHCM và Đoàn Văn công TPHCM dàn dựng vào năm 1978. Từ đó, bà đã sáng tác hàng loạt kịch bản hay như Vua hai ngôi, Cội nguồn, Vườn mận của mẹ, Món nợ ân tình… Nhắc đến soạn giả Hà Nam Quang, khán giả cũng nhớ đến những bài ca như: Như loài hoa ấy, Vườn tiêu quê mẹ, Tình không muộn, Tôi còn thiếu nợ và nhất là Một chút… Mỗi bài ca bà viết đều mang một câu chuyện riêng, qua đó chuyển tải thông điệp đầy tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc.