Ra mắt Công trình sách "Ký ức người lính"

Chủ Nhật, 27/04/2025 11:36

|

(CATP) Sáng 25/4, tại hội trường Bộ Tư lệnh TPHCM, Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức, Ban biên soạn và Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định (SG-GĐ), tổ chức lễ ra mắt, giới thiệu tập 22 Công trình sách "Ký ức người lính", ghi dấu ấn về lực lượng "Biệt động SG-GĐ". Đây là công trình hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Tham dự lễ ra mắt có Tiến sĩ (TS) Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thượng tướng, TS - Viện sĩ Nguyễn Huy Hiệu - Anh hùng Lực lượng vũ trang (AHLLVT), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Triệu Xuân Hòa - AHLLVT, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nguyên Tư lệnh Quân khu 7; Trung tướng, nhà văn Nguyễn Mạnh Đẩu - nguyên Chính ủy Tổng cục Kỹ thuật Bộ Quốc phòng; ông Trần Kiến Xương (con trai cựu Biệt động Sài Gòn, AHLLVT Trần Văn Lai) - Vụ trưởng Vụ công tác phía Nam TAND Tối cao; cùng nhiều đại biểu là cựu chiến binh, cựu Biệt động Sài Gòn và gia đình, các cơ quan chức năng...

 TS Lê Doãn Hợp phát biểu tại lễ ra mắt tập sách

Công trình sách "Ký ức người lính" gồm nhiều tập của các tác giả là tướng lĩnh, cựu chiến binh, nhà văn, nhà báo... cùng phối hợp thực hiện. Tập 22 với 54 bài viết, là các câu chuyện có thật được các nhân chứng viết, kể lại. Mỗi nhân vật đều được xác tín kỹ lưỡng, bảo đảm độ chính xác, chân thực thể hiện sự tôn trọng lịch sử. Công trình được hoàn thành qua hàng trăm giờ phỏng vấn, hàng nghìn trang ghi chép cùng rất nhiều ảnh của các nhân chứng. Trong đó có nhiều tư liệu quý chưa từng công bố về hoạt động của các đội Biệt động SG-GĐ.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu (thứ 8 từ trái sang) tặng sách cho các đại biểu

Tập sách dày 440 trang được đầu tư chỉn chu, không chỉ tái hiện lịch sử, mà còn góp phần lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng và phẩm chất cao đẹp của lực lượng Biệt động SG-GĐ. Đây là những chiến sĩ hoạt động giữa lòng đô thị, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Công trình cũng là lời tri ân sâu sắc đối với những người đã âm thầm góp máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Đội ngũ biên soạn không chỉ ghi chép, mà còn thực hiện vai trò "giải mã ký ức", xác minh lịch sử, kết nối nhân chứng, tái hiện lại mạng lưới chiến đấu của Đội 3, Đội 4, Đội 5, Đội 159... và các Đơn vị bảo đảm A20 - A30. Những tổ chức bí mật này đóng vai trò sống còn trong các trận đánh lớn như: Tập kích kho bom Phú Thọ Hòa (1954); đánh chìm tàu USNS Card (1964); tấn công Tòa Đại sứ Mỹ, Đài Phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất trong Xuân Mậu Thân 1968. Những hầm chứa vũ khí được ngụy trang tinh vi ngay giữa lòng đô thị. Những đường dây giao liên xuyên Củ Chi - Gò Vấp - Bến Cát - Trảng Bàng. Những người mẹ, người vợ đã vượt qua nỗi sợ hãi mất người thân và bị địch khủng bố để ủng hộ, động viên chồng, con, người thân mình hoạt động. Những người dân đã cưu mang, chở che cho những chiến sĩ biệt động như chính người thân của mình... Tất cả được khắc họa, mang đến cho người đọc cảm nhận sâu sắc về những con người bình thường đã làm nên những chiến công phi thường.

 Ông Trần Kiến Xương (bìa phải) và tập 22 Công trình sách “Ký ức người lính”

Phát biểu tại lễ ra mắt, TS Lê Doãn Hợp - Trưởng Ban chỉ đạo, nhấn mạnh: Công trình sách không chỉ là một ấn phẩm văn học đơn thuần mà còn là kho tư liệu quý có giá trị giáo dục truyền thống, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, hun đúc bản lĩnh, ý chí cách mạng cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau. Tập 22 có ý nghĩa đặc biệt với 3 cái nhất: Thời gian hoàn thành (120 ngày); nhiều nhân vật tiêu biểu của Biệt động SG-GĐ; sự phối hợp hiệu quả của nhiều lực lượng. Tập sách là niềm tự hào về quá khứ, tự tin về hiện tại và tự chủ vươn tới tương lai; lan tỏa, phát huy giá trị lịch sử. Tập sách như lời nhắc nhở, một sự tri ân, và một ngọn lửa không tắt trong dòng chảy ký ức Việt Nam...

Bình luận (0)

Lên đầu trang