(CATP) Trong lịch sử hai cuộc kháng chiến trường kỳ đấu tranh chống giặc ngoại xâm trên chiến trường Nam Bộ trong hơn 1 vạn 800 ngày, từ mùa thu tháng 9 năm 1945 đến khi kết thúc Chiến dịch mùa Xuân năm 1975, nói đến Củ Chi, trước hết là nói đến vùng đất thánh cách mạng, nói đến căn cứ địa và hậu phương kháng chiến bền vững đã trở thành biểu tượng của "đất thép thành đồng", "quê hương địa đạo", "vành đai diệt Mỹ”, và là "lá cờ đầu của phong trào chiến tranh du kích". Nói đến Củ Chi là nói đến "nơi chưa ra ngõ đã gặp anh hùng", biểu tượng cho khí phách anh hùng, cho ý chí trung kiên, nghĩa dũng của các thế hệ người dân Củ Chi nồng nàn yêu nước. Tại địa phương này mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi mét đất là một địa đạo, một chiến hào, một hầm chông, một hố đạp lôi... Nói đến Củ Chi, là nói đến "chiến trường lửa" của Khu Sài Gòn - Gia Định đã từng làm cho quân thù phải hồn xiêu phách lạc.