TPHCM: Phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn hóa nghệ thuật

Thứ Bảy, 23/11/2024 15:22

|

(CAO) Lắng nghe các chuyên gia, nhà lý luận nhằm phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình VHNT trong xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa và con người Việt Nam tại tọa đàm “Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TPHCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp”, diễn ra sáng 23-11.

Chương trình do Thành ủy TPHCM tổ chức, nhằm đánh giá thực trạng công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong 50 năm qua và đề xuất các giải pháp nâng cao công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới.

Tham dự tọa đàm có các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thọ Truyền, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM...

2024-11-23/img-2416.jpg" style="width:100%" title="" />
Các đồng chí chủ trì tọa đàm

Theo BTC, tọa đàm đã nhận được 49 tham luận và thống nhất chọn 47 tham luận của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật để biên tập thành kỷ yếu.

Chia sẻ tại chương trình, các nhà lý luận, phê bình VHNT tập trung vào phân tích, làm rõ thực trạng kết quả đạt được và những hạn chế trong công tác lý luận, phê bình, văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh 50 năm sau ngày đất nước thống nhất; những giải pháp nâng cao công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian tới, góp phần định hướng về xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật Việt Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Trịnh Bích Ngân khi chia sẻ về vai trò của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã nhắc đến những tác giả xông xáo, lăn xả, có tác phẩm ảnh hưởng, như trường hợp ý kiến về phim “Đất rừng phương Nam” của tác giả Hà Thanh Vân. Theo Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM, trong lĩnh vực này, các bài lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sẽ đầy chất lượng khi tác giả “viết từ bộ lọc của mình chứ không phải ‘tầm chương trích cú’.

Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM Trịnh Bích Ngân

Chia sẻ tại tọa đàm, nghệ sĩ Công Hậu khẳng định đây là dịp phù hợp để đánh giá thời gian qua công tác LLPB đã làm được gì và chưa được gì, để rút kinh nghiệm và từ đó có phương hướng phát triển mới phù hợp.

PGS.TS, NGƯT Phan Thị Bích Hà nhận định, đối với tất cả các loại hình nghệ thuật nói chung, công tác lý luận phê bình là một thành tố không thể thiếu để tạo nên diện mạo đầy đủ của từng loại hình nghệ thuật đó.

Nghệ sĩ Công Hậu

"Từ trước đến nay, trong lĩnh vực nghệ thuật, vẫn tồn tại những “định kiến” gần như cố hữu về mối quan hệ không được “nồng đượm” lắm giữa các nghệ sĩ sáng tác và người làm công tác lý luận phê bình.

Các nghệ sỹ sáng tác luôn yêu cầu một cách “khắt khe” (và chính đáng) rằng các nhà phê bình phải đứng vào vị trí sáng tạo của họ, phải đặt mình vào “cơn đau vượt cạn” của nguời sáng tác để biết về “nỗi đau sinh nở” một tác phẩm mà họ dồn tâm lực, để rồi nhìn nhận những điều mà các nghệ sĩ sáng tạo muốn nói, họ đã nói được những gì, và họ dẫn dắt vấn đề muốn chuyển tài ra sao trong tác phẩm của mình....

Vì thế, công tác phê bình vừa đòi hỏi một thái độ trung thực, khách quan, vừa “phê”, đồng thời cũng vừa “bình” trong một bầu không khí không định kiến, không nghiêng lệch quá về những nhận cảm mang tính chủ quan.

Có thể nhìn nhận từ những yêu cầu khá “nghiêm ngặt” này mà dường như xu hướng thịnh hành trong phê bình điện ảnh, thường là né tránh những vấn đề quá gai góc, to lớn, mà rút vào công việc giới thiệu phim, viết chân dung nghệ sĩ hay thiên về tổng kết các sự kiện. Và nhìn chung, hầu như công tác phê bình thường nghiêng về khen ngợi cho “an toàn”.

Dĩ nhiên cũng có những bài viết sắc sảo, đi vào những vấn đề gai góc một cách sâu sắc và thuyết phục, nhưng những bài như thế không quá nhiều. Vì viết về phê bình thường khó để viết hay, khó để... thuyết phục giữa bao bộn bề quan điểm, và rất khó để “được lòng” người sáng tác, người được phê bình.

Có lẽ vì vậy mà ở địa hạt phê bình vẫn có sự ngại ngần, nao núng... Đặc biệt, đó là khi người sáng tác và nhà phê bình - là những người đồng nghiệp quen biết, thân thiện của nhau, và thường với cách ứng xử kiểu duy tình vẫn hiện hữu trong tâm thức của người Việt…", PGS.TS, NGƯT Phan Thị Bích Hà nhận định. 

Với sự tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các nhà lý luận, phê bình, trong chủ đề trao đổi, thảo luận về những nhiệm vụ giải pháp nâng cao công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong thời gian tới, kết quả tọa đàm là cơ sở để Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Thành phố tổng kết nhằm phát huy vai trò định hướng của công tác lý luận, phê bình văn hóa, văn học, nghệ thuật trong xây dựng và phát triển toàn diện văn hóa, con người Việt Nam, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển TPHCM trong giai đoạn mới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang