Những bức tranh đơn sơ “gà, lợn nét tươi trong” mang lời cầu ước mộc mạc của người nông dân một nắng hai sương, vất vả lam lũ về một năm mới đoàn viên, no đủ, con cháu đầy đàn. Chơi tranh không chỉ là thú vui mà còn tạo không khí tươi vui, rực rỡ cho gia đình vào những ngày đầu năm mới.
Độc đáo phiên chợ tranh ngày Tết
Đông Hồ là một làng quê cổ ven sông Đuống, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 40km về phía Bắc, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, người dân thường gọi tắt là làng Hồ. Nơi đây có nghề làm tranh khắc gỗ rất độc đáo từ hơn 500 năm nay.
Theo ký ức của những người già cả trong làng được nghe ông bà kể lại, cách đây chừng một thế kỷ, làng Hồ rất đông đúc, nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, người phương xa đến buôn tranh mang đi các tỉnh. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, nhà nhà làm tranh, cả làng nhộn nhịp bán tranh. Chợ tranh đông vui, sầm uất, được tổ chức ngay trong đình làng, gọi là cầu tranh.
Cảnh bán tranh Tết đầu thế kỷ XX tại đình làng Đông Hồ. Ảnh: ST
Trước khi khai chợ, khoảng ngày mồng 6 tháng Chạp, dân làng sửa lễ cúng thần rồi mới khai chợ chính thức bán tranh. Chợ là những lều quán dân làng dựng lên trong sân đình và cả khu vực xung quanh.
Phiên chợ chính chỉ họp mỗi năm có 5 phiên trong dịp Tết Nguyên đán, vào các ngày mồng 6, 11, 16, 21 và 26 tháng Chạp. Nhưng việc mua bán tranh thì diễn ra vài tháng trước Tết, bởi khách đến “ăn tranh” ở các tỉnh xa , giao thông không thuận tiện, nên ai đến được cứ đến, ai cũng muốn đến sớm để còn về kịp bán ở tỉnh nhà. Người buôn tranh còn vào từng gia đình chọn tranh và đặt hàng với số lượng lớn.
Hầu hết các công đoạn sản xuất
tranh Đông Hồ đều làm thủ công rất tỉ mỉ
Chợ Hồ không chỉ mua bán tranh mà còn là nơi trao đổi hàng hóa. Những người buôn tranh mang các đặc sản của địa phương mình như nước mắm Thanh Hóa, Nghệ An, lụa sồi Bình Lục, thuốc lào Vĩnh Bảo, chiếu cói Đồng Hới, trà mạn Phú Thọ, Hà Giang… đến đây buôn bán và đổi tranh. Không khí những ngày giáp Tết ở làng Hồ lúc nào cũng như có hội.
“Hồn dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”
Tranh Đông Hồ có nhiều nhóm đề tài khác nhau, như tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh sinh hoạt, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh lịch sử...
Nhưng nhắc đến dòng tranh dân gian này, người ta quen gọi là tranh gà lợn hay tranh Tết. Bởi vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi gia đình thường sắm vài bức tranh mang nội dung, ý nghĩa chúc tụng, vừa để trang hoàng nhà cửa, vừa thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng cầu may mắn, bình an, hạnh phúc, phát đạt cho cả năm.
Loại tranh này màu sắc tươi vui, rực rỡ, mang biểu tượng chúc tụng, các vật và con vật linh thiêng tượng trưng cho những điều tốt lành.
Tranh lợn độc
Cầm đốc lịch Kỷ Hợi 2019, nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm - một trong 3 gia đình còn lại của làng Hồ vẫn gắn bó với nghề làm tranh cổ truyền giới thiệu: Bên cạnh những bức như phúc lộc song toàn, vinh hoa phú quý, lễ trí, nhân nghĩa, hạnh phúc…, trong dịp Tết, người ta thường treo tranh gà, tranh lợn trong nhà. Tranh gà hàm ý mang điều tốt đẹp vào nhà, đồng thời cũng là thứ “bùa yểm” đuổi tà ma bởi khi con gà trống gáy vang cũng là lúc bình minh ló dạng, ma quỷ sợ ánh sáng mà biến mất.
Đông Hồ cũng có 3 bức tranh lợn thường treo trong dịp Tết gồm: lợn đàn, lợn độc và lợn ăn lá dáy. Những chú lợn mũm mĩm có khoáy âm dương rất đặc trưng trong tranh Đông Hồ (còn gọi là lợn âm dương), kể cả lợn con cũng có - biểu trưng cho trời đất, mang triết lý về cuộc sống phải hài hòa, trong âm có dương, trong dương có âm.
Nghệ nhân Đông Hồ đang chế tác bản khắc gỗ
Về chất liệu, tuy cùng trên giấy dó, nhưng tranh Hàng Trống sử dụng bút lông và mực tàu nên bảng màu rực rỡ, đa dạng.
Còn tranh Đông Hồ chỉ có 4 - 5 màu cơ bản, thuần là “màu dân tộc” bởi được sử dụng chất liệu trong tự nhiên như đen từ than tre, rơm nếp; vàng từ hoa hòe hay hạt dành dành; đỏ từ rễ cây vang, nâu từ đất đá, xanh từ rỉ đồng và chàm từ lá cây chàm tươi nên rất đượm, bền màu, đặc biệt rất tươi sáng mà không lòe loẹt.
Không giống với những loại tranh dân gian khác, cùng là giấy dó, nhưng tranh Đông Hồ được vẽ từng mảng trên giấy dó có quét bột điệp lấy từ vỏ sò điệp.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm cũng thổ lộ, chính vì các công đoạn làm tranh đều hoàn toàn thủ công, dù có in hàng loạt từ các bản khắc gỗ nhưng mỗi bản một màu nên không thể chính xác như máy, đôi khi trong mỗi bức tranh có một vài khiếm khuyết nhỏ vì in lệch chút ít, hoặc chỗ mờ chỗ tỏ một cách ngẫu nhiên, để lại những vệt lóe sáng, những đường nét mềm mại, gây nên hiệu quả bất ngờ thú vị.
Vì vậy khi mua tranh, người ta thường đắn đo cân nhắc để chọn lựa bởi mỗi bức như có hồn riêng, vẻ đẹp riêng, khác hẳn loại tranh in máy công nghiệp, trăm bức giống cả trăm. Đó cũng là cái thú khi mua tranh dân gian…
Bức Lợn ăn lá dáy
Vậy nhưng, vào dịp Tết cổ truyền ngày nay, do sự thay đổi lớn lao về lối sống, quan niệm sống, về thị hiếu, nhận thức thẩm mỹ nên cũng ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa nghệ thuật chung, người ta không còn mặn mà với các dòng tranh dân gian nữa. Làng nghề độc đáo mang đậm hồn cốt dân tộc này đang đứng trước nguy cơ biến mất.
Do vậy, mới đây, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bắc Ninh đã tiến hành xây dựng hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ” để đề nghị UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Văn hóa Phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của thế giới.
Theo dự kiến, vào cuối năm 2019, chúng ta sẽ chính thức trình UNESCO bộ hồ sơ này. Và với những người yêu mến văn hóa dân gian, nặng lòng với hồn cốt dân tộc, hy vọng việc này sẽ tạo thành cú hích để hồi sinh dòng tranh độc đáo này.
Bức Lợn đàn trên nền lịch xuân Kỷ Hợi 2019