Vì sao ngư dân bị phạt hàng tỷ đồng?

Thứ Hai, 20/04/2020 15:16  | Thiện Thảo

|

(CATP) Để ngăn chặn các phương tiện đánh bắt xa bờ khai thác trên vùng biển nước bạn và từng bước gỡ bỏ "thẻ vàng" châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, quy định phương tiện khai thác xa bờ phải gắn thiết bị giám sát hành trình (GSHT). Thế nhưng khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện không ít chủ tàu "quên" gắn hoặc gắn thiết bị sai quy định, để tiếp tục lén lút khai thác trái phép. Không ít chủ tàu đã nhận quyết định phạt hàng tỷ đồng.

THUYỀN TRƯỞNG ĐI BẰNG TÀU, VỀ BẰNG… MÁY BAY!

UBND tỉnh Cà Mau vừa triển khai quyết định xử phạt ông Hứa Chí Tâm (SN 1979, ngụ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau) tổng cộng hơn 1 tỷ đồng. Tàu đánh cá CM 98935 TS do ông Tâm điều khiển, xuất bến ra cửa biển Rạch Gốc từ ngày 6-9-2019, đến 25-11-2019 không thấy quay vào cửa biển Rạch Gốc.

Trái lại, các cơ quan chức năng phát hiện thuyền trưởng Tâm lại nhập cảnh từ Malaysia về nước bằng... đường hàng không. Nghi ngờ tàu cá này bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ, Đồn Biên phòng Rạch Gốc (Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau) mời chủ tàu cá và các thuyền viên có tên trong danh sách ngày xuất bến đến làm việc.

Ngư trường Kiên Giang nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ

Tại Đồn Biên phòng Rạch Gốc, ông Tâm khai khi ra biển hoạt động, đã tự ý tháo thiết bị giám sát tàu cá, gửi sang tàu cá khác nhờ giữ hộ (để duy trì vị trí thiết bị vẫn hoạt động trên vùng biển Việt Nam).

Sau đó, ông Tâm lái tàu cá sang vùng biển Malaysia, thu mua hải sản của một số tàu cá của ngư dân Kiên Giang và một số tàu cá khác có gắn biển số giả của Malaysia. Sáng 14-9-2019, khi tàu ông Tâm đang thả trôi trên vùng biển có tọa độ 06035 N-104030 E (thuộc vùng biển Malaysia) thì bị lực lượng hải quân Malaysia bắt giữ. Tòa án Malaysia tuyên tịch thu phương tiện và tang vật trên tàu, phóng thích 4 ngư dân về nước.

Theo quyết định xử phạt của UBND tỉnh Cà Mau, ông Tâm vi phạm 4 lỗi: khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia khác mà không có giấy phép (tái phạm); sử dụng giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá đã hết hạn (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m trở lên) khi hoạt động khai thác thủy sản; tháo thiết bị GSHT trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị; thuyền trưởng không có văn bằng, chứng chỉ theo quy định.

Lực lượng biên phòng tỉnh Cà Mau kiểm tra tàu cá

Cạnh đó, ông Tâm còn bị tịch thu thủy hải sản khai thác, chuyển tải trái phép và tịch thu tàu cá vi phạm (tang vật, phương tiện). Tuy nhiên, do tang vật, phương tiện vi phạm đã bị cơ quan có thẩm quyền của Malaysia tịch thu, nên không áp dụng được. Ngoài ra, ông Tâm còn bị tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng từ 6 - 12 tháng. Do thuyền trưởng này không có văn bằng, chứng chỉ theo quy định nên không áp dụng. UBND tỉnh Cà Mau còn buộc ông Tâm phải chi trả toàn bộ kinh phí đưa ngư dân bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước.

Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, nếu không gỡ được "thẻ vàng" thì ngành thủy sản Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn, xuất khẩu giảm, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân vùng ven biển. Để gỡ được "thẻ vàng", dứt khoát các địa phương phải ngăn chặn được tình trạng ngư dân đánh bắt cá, khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài; điều tra, xử lý các đường dây cố tình tiếp tay cho ngư dân vi phạm pháp luật.

Theo các cơ quan chức năng, Nghị định 42 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã có hiệu lực, mức phạt rất nặng đối với chủ phương tiện vi phạm. Một số chủ tàu đành phải giải nghệ do phương tiện bị tịch thu và phải nộp phạt tiền tỷ.

Cụ thể, ngư dân Võ Văn Lai (SN 1968, ngụ xã An Thủy, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã nhận quyết định xử phạt tổng cộng 800 triệu đồng. Ông Lai là chủ tàu cá số hiệu BT-93167TS, giao phương tiện này cho một số ngư dân ngụ khu vực Sông Đốc (tỉnh Cà Mau) quản lý, khai thác tại vùng biển hai tỉnh Cà Mau, Kiên Giang. Trong quá trình hoạt động, giữa chủ tàu và ngư dân đã thống nhất chạy sang vùng biển Malaysia để đánh bắt trái phép.

Hành vi này bị cơ quan chức năng Malaysia bắt quả tang. Sau đó, ngành chức năng tỉnh Bến Tre nhận được thông báo từ nước sở tại gửi sang, về việc bắt giữ tất cả ngư dân trên tàu cá BT-93167TS. Ngoài việc bị phạt tiền, ông Lai còn phải chịu toàn bộ chi phí đưa các thuyền viên trên tàu cá về nước.

TÀU MỘT NƠI, GẮN THIẾT BỊ GIÁM SÁT MỘT NẺO

Thống kê của các cơ quan chức năng, thiết bị GSHT giá từ 25 - 30 triệu đồng gắn cho mỗi phương tiện, nhưng rất có hiệu quả trong việc khai thác thủy sản. Các chủ tàu nắm rõ phương tiện ở đâu, thuyền trưởng điều khiển như thế nào.

Tuy nhiên, một số chủ phương tiện mua thiết bị xong, không lắp đặt vào tàu mình để lén lút khai thác trái phép trên vùng biển nước bạn. Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau phát hiện thiết bị GSHT của một phương tiện khai thác gắn trên tường của Hãng nước đá Phương Thảo I (địa chỉ tại TT.Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Khi lực lượng làm nhiệm vụ đến nơi thì thiết bị trên đã được tháo gỡ, chỉ còn lại dấu vết của dây buộc thiết bị.

Hai thiết bị giám sát hành trình gắn ở hang nước đá và kho xăng dầu

Chủ cơ sở sản xuất nước đá cho rằng không biết thiết bị trên là của ai và được gắn, tháo ra từ lúc nào. Tổ thanh tra, kiểm tra của Sở NN&PTNT đề nghị nhà mạng kích hoạt lại thiết bị này (thông qua hình ảnh xác định nhà mạng và chủ thiết bị không đóng phí nên bị ngắt kết nối). Lực lượng chức năng tìm thấy thiết bị trên tại căn nhà trống cách đó khoảng 5km và tiến hành thu giữ. Qua rà soát, Tổ thanh tra, kiểm tra xác định, thiết bị trên được lắp cho tàu cá KG-94389-TS, do ông Nguyễn Văn Theo (ngụ xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, Kiên Giang) làm chủ tàu.

Ngoài ra, Tổ thanh tra, kiểm tra còn phát hiện thêm 1 thiết bị GSHT tàu cá khác của ông Theo có dấu hiệu bất thường, vị trí nằm cố định trong khoảng 30 ngày tại TT.Rạch Gốc. Sau đó, lực lượng chức năng tìm thấy thiết bị GSHT tàu cá KG-94348-TS được lắp trên nóc nhà kho chứa xăng dầu ở TT.Rạch Gốc. Theo cơ quan chức năng, 2 thiết bị trên vẫn còn hoạt động bình thường, được đăng ký cho 2 tàu do ông Theo làm chủ. Các cơ quan chức năng cho rằng, với sai phạm trên, ông Theo có thể xử phạt đến 2 tỷ đồng.

Ngày 6-4-2020, Đội Kiểm tra liên ngành tỉnh Cà Mau tổ chức kiểm tra đột xuất 5 tàu cá Kiên Giang đang hoạt động trên vùng biển thuộc TT.Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau). Qua kiểm tra, phát hiện 5 tàu cá: KG 92799-TS, KG 94367-TS, KG 93395-TS, KG 95839-TS và KG 95566-TS không có thiết bị GSHT. Trong đó, 4 tàu cá có chiều dài trên 24m, 1 tàu cá có chiều dài dưới 24m. Sau khi tiến hành làm việc, các chủ tàu cá đã thừa nhận hành vi tháo thiết bị GSHT trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị; không duy trì hoạt động thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất.

Ngày 17-4, UBND tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết định xử phạt 4 tàu cá (trên 24m) về 2 hành vi: Không duy trì hoạt động thiết bị GSHT trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, với mức phạt 400 triệu đồng/tàu; hành vi tháo thiết bị GSHT trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị, với mức phạt 4 triệu đồng/tàu. Riêng 1 tàu cá có chiều dài dưới 24m, Chi cục Thủy sản tỉnh đã ra quyết định xử phạt cùng về 2 hành vi trên, với số tiền phạt là 29 triệu đồng.

Ngư trường Kiên Giang nhiều phương tiện đánh bắt xa bờ

XỬ LÝ MẠNH ĐỂ GỠ "THẺ VÀNG"

Ngày 23-10-2017, Liên minh châu Âu (EU) áp dụng "thẻ vàng" đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Quy định IUU của EU là một định chế cấm các hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo và khai báo không đúng, nhằm mục đích bảo vệ tài nguyên đại dương. Năm 2011, chế tài này chính thức có hiệu lực. Từ đó tới nay, có 25 nước đã bị áp dụng thẻ, trong đó có 2 cấp "thẻ vàng" và "thẻ đỏ". Thủy sản từ nước bị phạt "thẻ vàng" khi xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100%, trong khi trước đó chỉ kiểm soát có xác suất. Còn trường hợp bị gắn "thẻ đỏ" thì các nước EU sẽ không nhập thủy sản nữa.

Bộ NN&PTNT cho rằng, việc gắn thiết bị GSHT là một trong những điều kiện quan trọng để EU gỡ bỏ "thẻ vàng". Nhiều địa phương ủng hộ gắn thiết bị GSHT trên phương tiện khai thác xa bờ. Cà Mau hiện có 1.200/1665 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên lắp đặt thiết bị GSHT (đạt tỷ lệ 72%). Trong đó, có 45/52 tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên đã lắp thiết bị GSHT (đạt tỷ lệ 86,5%). Kiên Giang có lượng tàu gắn thiết bị GSHT hơn 80%.

Tuy nhiên, một số chủ tàu tự ý gắn thiết bị GSHT không đúng quy định, để lén lút khai thác trái phép. Thời gian qua, UBND tỉnh Kiên Giang đã rút giấy phép khai thác hải sản hơn 50 tàu cá, xử lý 12 thuyền trưởng vi phạm khi có tàu đánh bắt ở vùng biển nước ngoài. Công an tỉnh Kiên Giang cũng điều tra 3 nhóm đối tượng đã đưa 110 tàu đi khai thác hải sản trái phép ở nước ngoài, môi giới trung gian chuộc thuyền viên về nước. Các lực lượng chức năng đã xử phạt 79 tàu cá vi phạm vùng biển các nước, tổng số tiền phạt lên đến 4,7 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang