Vụ "Hủy hoại rừng" ở Bình Thuận: "Người trong cuộc" nói gì về kết luận giám định?

Chủ Nhật, 05/05/2024 12:02

|

(CATP) Không chỉ các bị cáo, luật sư mà nhiều đơn vị, cá nhân có liên quan cũng không đồng tình với với Kết luận giám định (KLGĐ) số 01 ngày 27/02/2020 của ông Nguyễn Tử Kim - người giám định tư pháp theo vụ việc. Cả 4 ý kiến được nêu dưới đây đều cho rằng, KLGĐ số 01 "có vấn đề”. Trong đó, luật sư Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (Công ty LNBT) tiếp tục kiến nghị Tòa án cho trưng cầu giám định lại để đảm bảo tính khách quan, chính xác...

Kiến nghị mới nhất của doanh nghiệp

Trong văn bản số 1204/CTLN ngày 24/11/2023 gửi TAND tỉnh Bình Thuận, Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty LNBT Nguyễn Văn Hà, nêu rõ: Công ty LNBT là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án "hủy hoại rừng" tại xã Hàm Cần, H.Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Vụ án đã được TAND H.Hàm Thuận Nam xét xử sơ thẩm, tuyên Bản án số 151/2023/HS-ST ngày 29/9/2023. Trong đó, Tòa căn cứ vào KLGĐ số 01 của ông Nguyễn Tử Kim để xác định thiệt hại, kết tội các bị cáo.

Công ty LNBT nhận thấy: KLGĐ số 01 mà Tòa án căn cứ là chưa đảm bảo tính pháp lý và khách quan. Bởi lẽ, vụ việc xảy ra đã lâu, nhưng phương pháp thực hiện giám định cũng như các nguồn tài liệu mà Giám định viên (GĐV) sử dụng để kết luận là chưa có căn cứ pháp lý, chỉ mang tính chất tham khảo, ước lượng. Trong khi đó, những căn cứ có tính pháp lý, GĐV không sử dụng để xem xét, cụ thể như: QĐ số 03/2001/QĐ-TTg (QĐ số 03) ngày 05/01/2001 của Thủ tướng Chính phủ; văn bản số 892/PTLN ngày 24/3/2000 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT); văn bản số 698/TCLN-KL ngày 01/6/2020 của Tổng cục Lâm nghiệp...

Công ty LNBT đã nhiều lần kiến nghị, đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét trưng cầu giám định lại cũng như phương pháp thẩm định.

Ngày 10/8/2023, Công ty LNBT có văn bản số 804/CTLN đề nghị TAND và VKSND H.Hàm Thuận Nam xem xét lại phương pháp, cách tính khối lượng thiệt hại và sử dụng tài liệu của ông Kim, nhưng không được chấp nhận.

Luật sư Đinh Văn Quế - nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao
Văn bản của Công ty LNBT gửi TAND tỉnh Bình Thuận

Đại diện doanh nghiệp, TGĐ Hà nêu ý kiến: "Nay, Công ty LNBT tiếp tục kính đề nghị TAND tỉnh Bình Thuận xem xét lại toàn bộ phương pháp, kết quả giám định của ông Kim. Để đảm bảo tính chính xác, khoa học, khách quan, có căn cứ pháp lý, Công ty LNBT xin đề nghị TAND tỉnh Bình Thuận cho trưng cầu giám định lại hiện trạng rừng trong vụ án bằng Hội đồng tập thể có chuyên môn của Bộ NN&PTNT. Từ đó, có căn cứ xét xử đúng người, đúng tội, tránh xảy ra oan sai".

Tiến sĩ lâm nghiệp giải thích "gỗ" và "củi"

Phúc đáp văn bản của Công ty Luật TNHH MTV Việt Hằng (Đoàn Luật sư TPHCM), ông Nguyễn Hồng Quân - Tiến sĩ (TS) chuyên ngành điều tra quy hoạch rừng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết: "Tôi được ông Nguyễn Tử Kim mời và đã tham dự cuộc họp tham vấn về bản giám định thiệt hại phá rừng ở Công ty LNBT. Trong cuộc họp, tôi và các thành viên đều có ý kiến, những kết quả giám định đã sử dụng các tài liệu chưa có đủ độ tin cậy, chưa có đủ cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học. Trong bản giám định và một số văn bản khác, GĐV không xác định chính xác một số kết quả mà chỉ "ước tính". Đối với những con số quan trọng như trữ lượng gỗ để làm cơ sở luận tội mà "ước tính" thì thật nguy hiểm".

TS Quân nêu quan điểm: Đối với trường hợp rừng đã bị phá lâu ngày, không còn vết tích gì trên hiện trường thì không có phương pháp nào để xác định hiện trạng rừng (trạng thái rừng, trữ lượng gỗ) trước đây đã bị phá. Việc dựa vào các tài liệu của tổ chức, cá nhân khác để đánh giá thì đơn vị điều tra có đủ tư cách pháp nhân; phương pháp điều tra phải thực hiện đúng theo quy định của Nhà nước và các kết quả điều tra phải được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền công nhận. Nếu không thì tài liệu đó chỉ mang tính chất tham khảo, không có cơ sở pháp lý.

Đối chiếu với các yêu cầu trên thì tài liệu điều tra mà GĐV sử dụng không có cơ sở pháp lý và không có căn cứ khoa học vì chưa có cơ sở để xác định trạng thái rừng là "RII" và trữ lượng rừng bị phá.

Về trữ lượng gỗ: Đây là con số rất quan trọng liên quan đến xác định tội trạng của các bị cáo. Dù con số 2.455,5m3 chưa có căn cứ khoa học, nhưng nếu chấp nhận thì cần hiểu rõ, trữ lượng gỗ là gì, từ trữ lượng gỗ làm sao xác định giá trị thiệt hại đúng với thực chất của nó?

TS Quân giải thích: Không thể dựa vào trữ lượng gỗ để đánh giá thiệt hại mà phải xác định khối lượng gỗ thương phẩm theo công thức: "Gỗ thương phẩm = trữ lượng gỗ x 25% x 65%". Về giá gỗ: phụ thuộc vào từng loài cây, chất lượng gỗ, kích thước gỗ (gỗ nhỏ giá thấp hơn gỗ lớn)

Về củi: Không phải lấy trữ lượng gỗ trừ đi khối lượng gỗ thương phẩm, còn lại tất cả sẽ là củi vì còn phải trừ đi gốc cây, ngọn quá nhỏ và nhiều cây không phù hợp để làm củi. Cần nói thêm, củi hiện nay hầu như không có giá trị trên thị trường...

Rừng cao su bạt ngàn tại khu đất 118ha đưa vào khai thác

Giám định viên "bắt bài" đồng nghiêp (!)

Ông Lê Văn Sơn - cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Thuận (đã nghỉ hưu) là GĐV chuyên ngành lâm sinh, từng thực hiện giám định tư pháp trong vụ án. Xuất hiện tại phiên tòa sơ thẩm với tư cách nhân chứng, ông Sơn trình bày nhiều vấn đề liên quan đến việc giám định và trả lời một số câu hỏi do PV Chuyên đề CATP đặt ra.

Liên quan đến tư cách của ông Nguyễn Tử Kim, ông Sơn nêu quan điểm: Tại thời điểm Cơ quan điều tra trưng cầu giám định ngày 30/9/2019, ông Kim xuất trình Quyết định (QĐ) số 5685/QĐ-BNN-PC ngày 29/12/2014 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT (công bố danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc) là không đúng theo quy định vì QĐ này đã hết hiệu lực thi hành. Khi ban hành KLGĐ số 01, ông Kim đưa ra QĐ số 4212/QĐ-BNN-PC ngày 05/11/2019 thì mâu thuẫn với căn cứ ban đầu về tư cách GĐV.

Chiếu theo Điều 20 Luật Giám định tư pháp và Điều 11 Thông tư số 49 ngày 23/12/2014 của Bộ NN&PTNT, việc ông Kim căn cứ QĐ số 5685 để xác nhận tư cách GĐV cho vụ án này và thực hiện nhiệm vụ giám định ngoại nghiệp là không hợp pháp.

Liên quan đến KLGĐ số 01 và KLGĐ bổ sung số 05 của ông Kim, ông Sơn cho rằng cả 2 KLGĐ không có giá trị pháp lý.

Thứ nhất, hồ sơ không có biên bản (BB) khám nghiệm hiện trường; BB tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm; BB ghi lời khai ban đầu và Bản đồ đo đạc diện tích rừng bị hủy hoại.

Thứ hai, cả 2 KLGĐ không đính kèm BB giám định ngoại nghiệp. Điều này chứng minh ông Kim không đi giám định ngoại nghiệp hiện trường vụ án.

Thứ ba, các văn bản, tài liệu được ghi trong 2 KLGĐ không thuộc văn bản quy phạm pháp luật nên chỉ có giá trị tham khảo.

Thứ tư, ông Kim không tuân thủ các phương pháp giám định hiện hành mà tự ý đưa ra kết luận "ước tính" trữ lượng gỗ thiệt hại (2.455,5m3) theo ý chí chủ quan của mình.

Thứ năm, với 2.455,5m3 gỗ phải cần 160 chuyến xe tải, (bình quân 15m3/xe dài 4,4m x rộng 1,9m x cao 1,8m) vận chuyển trái phép ra khỏi khu vực. Toàn bộ 160 chuyến xe nhưng không bị cơ quan chức năng nào bắt giữ dù chỉ 1 chuyến là không phù hợp với thực tế.

Thứ sáu, ông Kim sử dụng QĐ bổ nhiệm hết hiệu lực để thực hiện KLGĐ.

Nguyên chánh tòa hình sự lên tiếng

Liên quan đến vụ án này, nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao Đinh Văn Quế, cho biết: Với tư cách luật sư trợ giúp pháp lý cho ông Nguyễn Tiến Dũng (nguyên TGĐ Công ty LNBT), ông và Luật sư Lê Quang Minh đã có nhiều kiến nghị, nêu hàng loạt vấn đề. Trong văn bản mới nhất đề ngày 05/4/2024 gửi TAND và VKSND tỉnh Bình Thuận, ông Quế nêu 2 vấn đề mấu chốt:

Một là, Công ty LNBT là một doanh nghiệp Nhà nước, do UBND tỉnh Bình Thuận thành lập, được UBND tỉnh giao 3.000ha đất để trồng rừng. Toàn bộ diện tích này đã được xác định là đất trống và trảng cỏ, lùm bụi, trạng thái "RI" theo QĐ số 03 của Thủ tướng Chính phủ. Công ty LNBT đã khảo sát và khoanh được 118ha để tác động, san ủi, trồng rừng.

QĐ số 03 là văn bản pháp lý cao nhất trong việc định danh rừng. Từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ số 03 đến khi khu vực 118ha bị san ủi, không có bất cứ QĐ hay văn bản nào khác của Chính phủ xác định diện tích đất này có trạng thái "RII". Do đó, khu đất này vẫn ở trạng thái "RI" nên việc san ủi để trồng rừng không thể coi là hành vi trái pháp luật.

Hai là, về giám định: Đây là vấn đề rất quan trọng của vụ án nhằm xác định thiệt hại để kết tội các bị cáo, nhưng không được tiến hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Giám định tư pháp. Phương pháp mà GĐV sử dụng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt nên không có giá trị chứng minh. Nghiêm trọng hơn, KLGĐ đưa ra phương pháp "ước tính" và "nếu phát hiện có sai sót, thì sẽ trừ bớt" (?!)

Ông Quế nêu quan điểm: "Việc giám định lại là rất cần thiết, vì KLGĐ số 01 có nhiều sai phạm, không khoa học, không khách quan. Việc giám định lại đảm bảo khách quan, công tâm và vô tư; giúp cho bị cáo và người tham gia tố tụng tâm phục, khẩu phục...".

Được biết, toàn bộ ý kiến của ông Đinh Văn Quế, TS Nguyễn Hồng Quân, ông Lê Văn Sơn cùng văn bản của Công ty LNBT đã được HĐXX phúc thẩm tiếp nhận và đưa ra xem xét tại phiên tòa ngày 06/5/2024.

Bình luận (0)

Lên đầu trang