Tây Ninh:

Tìm giải pháp "đánh thức" khu kinh tế Mộc Bài

Thứ Năm, 02/06/2022 12:29  | Hải Văn

|

(CATP) Nằm trên trục Xuyên Á từ Myanma, Thái Lan, Campuchia, Lào và Việt Nam, khu kinh tế (KKT) Mộc Bài được kỳ vọng là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho Tây Ninh và các tỉnh thành phía Nam theo hướng "đa dạng hóa, đa phương hóa". Tuy nhiên, sau khi hết hưởng chính sách miễn thuế, KKT này lâm vào cảnh hoang tàn đổ nát chờ ngày chuyển đổi công năng.

Hoang tàn sau miễn thuế

Nhờ được hưởng chính sách miễn thuế, những năm đầu mới thành lập, KKT Mộc Bài tấp nập kẻ bán người mua và khách du lịch qua lại. Năm 2007, đã có hơn 02 triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, mua sắm tại KKT này. Doanh số bán hàng của các doanh nghiệp đạt 900 tỷ đồng. Năm 2010, KKT Mộc Bài có 34 nhà đầu tư với 46 dự án. Diện tích đăng ký sử dụng gần 7.000ha. Tổng số vốn đăng ký hơn 6.200 tỷ đồng và trên 219 triệu USD. Doanh số bán hàng cả năm 2010 ước tính trên 1.477 tỷ đồng, trong đó 20% là doanh thu mặt hàng bia.

Thế nhưng từ nửa đầu năm 2009, Chính phủ có quyết định không cho khách nội địa qua cửa khẩu mua hàng miễn thuế khiến lượng khách đến KKT Mộc Bài bắt đầu giảm mạnh, việc kinh doanh khó khăn khiến KKT lâm vào cảnh ế ẩm, 10 doanh nghiệp rút lui. Đến tháng 7-2009, có 58/60 doanh nghiệp tại đây đã ngừng hoạt động, 02 doanh nghiệp còn lại tiếp tục kinh doanh nhưng cắt giảm đến gần 90% nhân viên.

Nhiều cửa hàng, siêu thị miễn thuế giờ đìu hiu, hoang vắng

Ngày 10-7-2009, KKT Mộc Bài mở cửa trở lại. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định nối lại chính sách phi thuế quan cho khách nội địa đến hết năm 2012. Nhưng chính sách miễn thuế không còn thoáng như trước, người dân chỉ được mua hàng miễn thuế 500.000 đồng/tuần thay vì 500.000 đồng/ngày như trước đây, điều này không tạo động lực thúc đẩy người dân và khách du lịch đến mua sắm khiến hệ thống cửa hàng, siêu thị tại cửa khẩu này luôn trong tình trạng vắng khách. Các nhà đầu tư Nhật Bản, Malaysia đã hủy bỏ các đàm phán kinh doanh siêu thị miễn thuế.

Từ ngày 01-3-2010, theo Thông tư của Bộ Tài chính, các siêu thị miễn thuế tại các KKT cửa khẩu được bán hàng miễn thuế đến 500.000 đồng/ngày cho khách nội địa. Tháng 3-2011, Ban Chỉ đạo Hoạt động thương mại biên giới tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ nâng định mức bán hàng miễn thuế tại KKT Mộc Bài lên 02 triệu đồng/người/ngày với lý do định mức mua hàng miễn thuế hiện hành đã quá lạc hậu sau nhiều năm áp dụng, kiến nghị này chưa được phê duyệt khiến KKT Mộc Bài lâm vào cảnh "chết lâm sàng".

Có mặt tại KKT Mộc Bài những ngày cuối tháng 5-2022, nhiều người không khỏi xót xa trước cảnh đìu hiu vắng vẻ của khu vực từng được xem là "thiên đường mua sắm". Khách đến lưa thưa, có chăng chỉ lác đác vài người sang Campuchia thử vận đỏ đen tại các sòng bài ở nước bạn. Các siêu thị, cửa hàng miễn thuế trong tình trạng cửa đóng, then cài, những chỗ còn hoạt động thì chỉ còn lèo tèo vài món bình dân. Bên trong các siêu thị, cửa hàng miễn thuế, hàng hóa trống huơ.

Các vật dụng như kệ hàng, xe đẩy, bảng thông tin... nằm ngổn ngang, lộn xộn trên sàn, bụi bặm bám từng lớp, mạng nhện giăng tứ tung. Bên ngoài, nhiều lớp hàng rào, cầu thang và các hạng mục bằng sắt bị rỉ sét rệu rã, nhiều bức tường hoen ố, rêu bám từng mảng, sân bãi xuống cấp. Nhiều tấm la phong và mái hiên che mưa nắng bị mục nát, vôi vữa rơi lã chã. Các tấm baner, biển quảng cáo, vật liệu trang trí bong tróc nham nhở.

Hai bên trục đường chính như Xuyên Á và 75A, nhiều cơ sở dịch vụ ăn uống, thời trang, quà lưu niệm, vui chơi giải trí... nhộn nhịp một thời bây giờ bị tháo dỡ, đập bỏ, rải rác xung quanh KKT chỉ còn lại một vài quán cà phê, cơ sở vá vỏ, sửa chữa ôtô và một ít quán cơm phục vụ cánh tài xế xe tải, container chở hàng qua Campuchia. Bến xe của cửa khẩu vắng hoe, nhiều chiếc xe "đói" khách. Nhiều tuyến đường bị các "hung thần" xe container, xe tải nặng cày xới liên tục bắt đầu xuống cấp, mặt đường xuất hiện "ổ trâu", "ổ voi". Hai bên vỉa hè, nhiều cột đèn chiếu sáng bị tông gãy; hố ga, miệng cống thoát nước bị gãy sập, những chiếc hố lộ thiên tạo thành những chiếc bẫy ngầm nguy hiểm.

Tiêu điều nhất tại KKT là các dự án nhà ở liền kề nằm trong khu trung tâm đô thị cửa khẩu đang lâm vào cảnh hoang tan đổ nát. Hàng chục căn nhà được xây dựng khang trang, bề thế trị giá hàng trăm tỷ đồng bị đập bỏ dang dở. Sàn nhà bong tróc nham nhở, các bức tường nứt nẻ bám đầy rêu mốc, cửa nẻo chuệch choạc, cỏ mọc um tùm bao phủ lấy những khối xi măng cốt thép đã rỉ sét. Bên trong những căn nhà này, xi măng, gạch đá, rác rưởi nằm ngổn ngang. Các công trình như tượng đài, hồ nước, nhà tham quan, nhà vệ sinh công cộng... tại công viên trung tâm của KKT cũng lâm vào cảnh hoang tàn, đổ nát.

Nhiều công trình nhà ở hoang tàn, đổ nát

Giải pháp nào để phát triển?

KKT Mộc Bài được Thủ tướng Chính phủ có quyết định thành lập vào năm 1998 với diện tích 21.284ha. Trong đó, diện tích thuộc huyện Bến Cầu là 13.156ha, diện tích thuộc TX.Trảng Bàng 8.128ha. Năm 2009, Thủ tướng có quyết định điều chỉnh quy hoạch xây dựng KKT này đến năm 2020 với các hạng mục gồm: khu thương mại dịch vụ, sân golf 370ha; khu thương mại đô thị 457ha; thị trấn Bến Cầu 181 ha; khu dân cư nông thôn tập trung 305ha; đất dân cư nông thôn phân tán 700ha; khu công nghiệp 300ha; cụm công nghiệp phân tán 30 ha; khu du lịch sinh thái, thể thao, vui chơi giải trí kết hợp nghỉ dưỡng 600ha; rừng phòng hộ dọc biên giới 1.000ha; khu phát triển nông, lâm nghiệp 16.708ha; đất khác 708ha. Phần trung tâm của KKT được thiết kế dành cho 160.000 cư dân định cư, rộng 220 héc ta được mệnh danh là "thành phố Mặt trời". Tuy nhiên, những năm gần đây, bị tác động bởi nhiều lý do khiến KKT này lâm vào cảnh điêu tàn hoang phế.

Những nguyên nhân dẫn đến hoạt động kinh doanh tại cửa khẩu Mộc Bài "sớm nở, chóng tàn" được cho KKT này không còn được hưởng chính sách mua hàng miễn thuế như thời kỳ ban đầu, do bị vướng mắc trong khâu đền bù giải tỏa mặt bằng và hạn chế về năng lực tài chính của các nhà đầu tư khiến các dự án không đạt tiến độ đề ra. Trong khi hạ tầng giao thông chưa đồng bộ thì KKT Mộc Bài được hình thành ở nơi hẻo lánh, nằm cách xa các cảng nước sâu, xa khu "tứ giác" kinh tế ở miền Nam là TPHCM - Bình Dương - Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nên rất khó tạo sức bật về kinh tế.

Nhằm quy hoạch, xây dựng KKT Mộc Bài đến năm 2050 mang tầm cỡ quốc tế, ngày 15-4-2022, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Mộc Bài với sự tham dự của đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, Hội và Hiệp hội chuyên ngành, lãnh đạo UBND tỉnh Tây Ninh. Hội nghị do Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc Trần Thu Hằng - Chủ tịch Hội đồng chủ trì.

Sau khi tiếp thu ý kiến các cơ quan đơn vị, bà Trần Thu Hằng đề nghị UBND tỉnh Tây Ninh cùng đơn vị tư vấn xem xét, cân nhắc thời hạn quy hoạch, cập nhật các quy hoạch về giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy. Rà soát, đề xuất các nội dung liên quan đến hợp tác song phương với Campuchia. Quan tâm nghiên cứu, đề xuất mô hình phát triển đô thị trong KKT, đảm bảo công tác an ninh quốc phòng. Sớm hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhằm đảm bảo thu hút nguồn lực đầu tư phát triển KKT cửa khẩu Mộc Bài.

Với sự quan tâm từ Chính phủ, các bộ ngành và tỉnh Tây Ninh, người dân kỳ vọng "thành phố Mặt trời" sớm được hồi sinh phát triển trong tương lai không xa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang