Nga mang những vũ khí ‘khủng’ nào đến chiến trường Syria?

Thứ Hai, 07/12/2015 05:18  | Đồng Thần

|

(CAO) Là một cường quốc vũ khí nên sau khi chiến đấu cơ “con cưng” Su-24 bị bắn hạ, Nga đã không ngừng thị uy bằng hàng loạt "vũ khí nóng" được điều tới chiến trường Syria.

Máy bay ném bom Su-24

Là một trong những “đứa con cưng” của không lực Nga, tên ký hiệu của NATO của nó là Fencer - kiếm sĩ. Đây là loại máy bay ném bom hiện đại của Liên Xô vào giữa những năm 1970-1980. Nó có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, đồng thời là chiếc máy bay Xô Viết đầu tiên được trang bị hệ thống tích hợp số dẫn đường/tấn công.

Nhiệm vụ chính của loại máy bay này là ném bom chiến thuật, trinh sát và tác chiến điện tử. Được biết, hiện các Nga có khoảng 800 chiếc Su-24 với nhiều biến thể khác nhau. Su-24 được trang bị cả bom thả thông thường và bom điều khiển lazer. Su-24 được ưa chuộng vì nó có khả năng cất và hạ cánh trên các đường bay rất ngắn nên dễ triển khai và tăng được tính cơ động khi ngụy trang, cất giấu.

Ngoài ra, chiếc máy bay này có khả năng ném bom ở vỹ độ thấp, thậm chí nó có thể oanh tạc các mục tiêu theo chiến thuật áp sát với tốc độ 1.320 km/giờ. Loại máy bay này có thể mang theo cùng lúc 6 tên lửa tấn công, khả năng tiếp nhiên liệu trên không, tốc độ tối đa 1.550 km/giờ với tầm hoạt động 3.000 km.

Máy bay tiêm kích Su-30SM

Theo trang tin sledanounas (Nga), 4 tiêm kích đời mới Su-30SM đã đến Syria này có số hiệu 26, 27, 28 và 29 thuộc Trung đoàn không quân hỗn hợp số 120, đóng ở căn cứ Domna tại vùng Trans-Baikal. Trang này cũng dẫn 1 bức ảnh trên trang russianplanes.net chụp 1 máy bay Su-30Sm số hiệu 26 đang hạ cánh ở Novosibirsk để tiếp nhiên liệu. Tổng số máy bay chiến đấu của Nga ở căn cứ này lên đến 28.

Su-30SM là loại tiêm kích đa năng của Nga, do Nhà máy Irkut của hãng Sukhoi chế tạo dựa trên mẫu máy bay Su-30MKI hãng này phát triển cho Ấn Độ trước đây. Máy bay được trang bị hai động cơ kiểm soát vector lực đẩy hai chiều AL-31FP, có tổng lực đẩy lên tới 25.000 kg, giúp máy bay có thể đạt được vận tốc Mach 2 (2.100 km/giờ).

Là một chiếc tiêm kích đa dụng, ngoài khả năng cơ động và không chiến linh hoạt, Su-30SM còn có thể thực hiện các cuộc tấn công trên đất liền và trên biển, cũng có thể thực hiện các sứ mệnh chống tác chiến điện tử và cảnh báo sớm, thậm chí có thể là một máy bay kiểm soát và chỉ huy trong phi đội máy bay chiến đấu thực hiện nhiệm vụ chung.

Để thực hiện nhiệm vụ hộ tống các máy bay ném bom khác và sẵn sàng không chiến, SU-30SM được trang bị pháo 30 mm GSh-301 với cơ số đạn 150 viên. Máy bay có 12 giá treo vũ khí bên ngoài, có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, có thể mang đến 8 tấn vũ khí.

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400

Sau khi cường kích Su-24 của Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ khi đang không kích IS ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đã điều hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân S-400 Triumf tới xem như một động thái cảnh báo tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống phòng không công nghệ cao S-400, NATO định danh SA-21 Growler, có khả năng bắn hạ phương tiện bay của đối phương trong phạm vi từ 2 tới 400 km, tầm cao từ 5 m đến 56 km. Tên lửa nhanh nhất của hệ thống S-400 có khả năng bay tối đa đạt tới Mach 14, tương đương 17.000 km/giờ. Nó có thể phát hiện mục tiêu từ khoảng cách 600 km.

Nhà phân tích Tyler Durden cho rằng, việc Nga điều hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân này cho thấy “Nga muốn cảnh báo rằng, một vụ việc như chiếc Su-24 của Nga bị bắn hạ sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Nếu máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ định tấn công một máy bay Nga, Nga sẽ ngay lập tức đáp trả bằng lực lượng tinh nhuệ trên không và cả dưới mặt đất”.

Tuần dương hạm Moskva

Phát ngôn viên Bộ Tổng tham mưu Nga, ông Sergei Rudskoi cho biết, sẽ điều tuần dương hạm Moskva tới vùng biển ngoài khơi Syria để tăng cường bảo vệ căn cứ không quân và máy bay của Nga, sau khi sự kiện máy bay chiến đấu Su-24 của nước này bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi ngày 24-11.

Tuần dương hạm Moskva sở hữu khả năng tấn công các hàng không mẫu hạm, tàu đổ bộ cỡ lớn, có thể phá hủy các tuyến giao thông trên biển và chi viện hỏa lực đối bờ. Moskva vốn là tàu chỉ huy Hạm đội Biển Đen và cũng là một trong hai chiến hạm lớn nhất của hạm đội. Tàu được trang bị hệ thống phòng không Fort tương tự hệ thống S-300.

Tuần dương hạm Moskva có lượng giãn nước tiêu chuẩn 9.800 tấn, đầy tải 11.490 tấn; chiều dài 186,4 m, rộng 20,8 m, cao 8,4 m. Moskva có khả năng mang theo 1 trực thăng săn ngầm Ka-25/27/28, biên chế thủy thủ oàn 485 người, gồm 38 sĩ quan.

Trực thăng Mi-8

Mi-8 theo tên gọi của NATO là Hip, Mi-8 có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết (từ -50 đến +50 độ C), kể cả ngày và đêm. Do có tính linh hoạt và những đặc tính kỹ thuật tiên tiến, M-8 là một trong những dòng trực thăng của Nga phổ biến nhất trên thế giới.

Mi-8 thực hiện chuyến bay lần đầu tiên vào ngày 24-6-1961, được sản xuất hàng loạt vào tháng 3-1965. Cho đến nay, Nga đã sản xuất hơn 12.000 chiếc trực thăng Mi-8. Chiếc máy bay này có thể chở tới 24 lính dù hoặc 12 người bị thương phải nằm trên cáng, hoặc có thể mang lên đến 4 tấn hàng hóa trên cabin hoặc trên các giá treo bên ngoài.

Mi-8 được phát triển ra hơn 130 phiên bản khác nhau, trong đó có các phiên bản nổi tiếng được phát triển từ Mi-8 như phiên bản (Mi-8MT, Mi-17, Mi-171…), được thiết kế dành cho cả dân dụng và quân sự. Hiện nay, loại trực thăng Mi-8 và các phiên bản cải tiến của dòng trực thăng này được sử dụng tại hơn 90 quốc gia trên thế giới.

Bình luận (0)

Lên đầu trang